Tân Bộ trưởng Xây dựng trần tình việc "giải cứu" thị trường BĐS

(Dân trí) - Thị trường bất động sản trầm lắng giúp kéo giá nhà đất về đúng giá trị thật. Nhưng vẫn phải “giải cứu”, bảo vệ thị trường vì nhà đất cũng là tài sản của xã hội. Phải đảm bảo hài hòa lợi ích cộng đồng, lợi ích nhà đầu tư, lợi ích người dân…


Tân Bộ trưởng Xây dựng trần tình việc "giải cứu" thị trường BĐS - 1

Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng. (Ảnh: Việt Hưng).
 
Tân Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội trong ngày nhậm chức.

Từ thứ trưởng lên đảm nhiệm vị trí lãnh đạo cao nhất của Bộ Xây dựng, Bộ trưởng đã hình dung những công việc, áp lực sắp tới với mình?

Nhiệm kỳ tới đặt ra rất nhiều thách thúc cần phải làm. Đầu tiên là phải tiếp tục hoàn thiện pháp luật về đầu tư xây dựng; quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, đặc biệt là đất đai và các nguồn lực khác như là vốn đầu tư, nguồn nhân lực, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư xây dựng, hạn chế thất thoát, lãng phí.

Thứ hai là phải tập trung vào quá trình quản lý đô thị, để đô thị thực sự trở thành động lực của quá trình phát triển kinh tế và trở thành hạt nhân thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của mỗi địa phương, mỗi vùng và của cả nước.

Thứ ba là phải tập trung để phát triển nhà ở, đặc biệt quan tâm nhà ở xã hội, nhà ở cho những người ít có điều kiện để tiếp cận với nhà ở quá cao.

Chiến lược phát triển nhà giá rẻ, nhà ở xã hội đã đặt ra từ lâu nhưng đến giờ, đại bộ phận người dân đô thị rất khó tiếp cận. Giải pháp nào hiệu quả hơn trong thời gian tới?

Vừa qua Chính phủ đã có nhiều chính sách như hỗ trợ tiền sử dụng đất, hỗ trợ một phần tiền vốn, hỗ trợ lãi suất cho vay… để phát triển nhà ở xã hội. Giờ chúng ta phải cụ thể hóa bằng các chương trình cụ thể trong kế hoạch đầu tư phát triển nhà ở xã hội.

Việc này cần sự nỗ lực cao của các Bộ nói chung, trong đó có Bộ Xây dựng và chính quyền các địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM mới làm được.
 
Tân Bộ trưởng Xây dựng trần tình việc "giải cứu" thị trường BĐS - 2
(Ảnh: Việt Hưng)

Người dân rất trông chờ nhưng một số ít nhà ở xã hội vừa cung cấp cho thị trường vừa qua lại bị lợi dụng, người giàu có vẫn có suất nhà ở xã hội vốn chỉ để dành cho người nghèo. Bộ trưởng có cách gì khắc phục tình trạng gây bức xúc này trong thời gian tới?

Hiện có 2 loại nhà ở, một là nhà ở hàng hóa do thị trường điều tiết, chủ yếu cho những người có khả năng thanh toán, những người có thu nhập cao hơn. Một loại nhà ở nữa phi hàng hóa, tức là có thị trường, có nhu cầu nhưng không tuân theo quy luật của thị trường. Nhóm này chủ yếu nhà nước phải can thiệp để cơ cấu nhà loại này số lượng nhiều hơn mới đáp ứng được nhu cầu của nhiều đối tượng.

Vấn đề thời sự hiện nay là tình trạng “đóng băng” thị trường bất động sản. Cần tìm căn nguyên việc thị trường luôn thay đổi qua các thái cực, lúc nóng lúc lạnh trước khi đề cập đến việc “giải cứu” thị trường?

Hiện chưa có đánh giá chính xác xem thị trường bất động sản cụ thể thế nào, nhưng rõ ràng có sự trầm lắng như này thì phải quan tâm. Trầm lắng nghĩa là thực tế giữa cung và cầu là có vấn đề, có những loại nhà quá nhiều nhưng có loại nhà lại thiếu và chưa phù hợp với khả năng thanh toán của người dân, của từng đối tượng khác nhau trong nền kinh tế.

Bộ Xây dựng có đề xuất gì để khắc phục tình trạng vừa thừa vừa thiếu như ông nói trên?

Bộ cùng các địa phương như Hà Nội, TP.HCM phải rà soát lại để đánh giá được nhu cầu nhà ở căn cứ vào quy hoạch của từng giai đoạn, xem dân số tăng bao nhiêu và bao nhiêu nhà ở là vừa, từ đó xác định nhu cầu cần bao nhiêu đất, bao nhiêu dự án. Việc này thuộc trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước để làm thế nào can thiệp, điều tiết để có thể phát triển cân bằng cung - cầu về nhà ở.

Có ý kiến cho rằng có suy thoái, trầm lắng như hiện nay mới kéo thị trường về được giá trị thực?

Đấy là một ý rất hay. Cái gì cũng phải đưa về đúng với giá trị thực của nó. Vấn đề là hiện tượng trầm lắng có nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân là giá bán không phù hợp với khả năng thanh toán của người dân hay với sức phát triển của nền kinh tế. Khi cầu giảm, cung phải hạ xuống, từ đó phải giảm giá.

 Vậy có thể coi đây là biện pháp điều chỉnh tự nhiên để hạ nhiệt, đưa giá nhà đất về đúng giá trị thực, việc gì phải đề xuất “giải cứu”?

Không phải tất cả mọi việc đều hoàn toàn như thế. Nếu là biện pháp điều chỉnh tự nhiên thì có nghĩa việc đó không ảnh hưởng đến ai trong chúng ta thì không có gì phải bàn. Nhưng các nhà đầu tư đều phải bỏ tiền vào và thị trường nhà đất cũng là sản phẩm, là tài sản của xã hội.  Chúng ta có trách nhiệm phải bảo vệ thị trường này để phát triển một cách hợp lý, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên, thứ nhất là lợi ích của toàn dân, thứ hai là lợi ích của nhà đầu tư, thứ ba là lợi ích của cộng đồng dân cư và thứ tư và rất đặc biệt là lợi ích của người dân, người tiêu dùng.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

P.Thảo