Tài sản đất đai của Nhà nước bị giảm hơn 4.000 tỷ đồng trong năm 2016

(Dân trí) - Năm vừa qua, đã có tới hơn 1,7 triệu m2 đất bị giảm do điều chuyển với tổng giá trị hơn 3.000 tỷ đồng. Đồng thời, có 48.600 m2 giảm do bán, chuyển nhượng với tổng giá trị 112 tỷ đồng và 436.700 m2 bị giảm do các nguyên nhân khác tổng giá trị gần 1.300 tỷ đồng.

Báo cáo của Chính phủ gửi các đại biểu Quốc hội về tình hình quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước năm 2016 cho thấy, tính đến 31/12/2016, tổng giá trị tài sản Nhà nước thống kê được tại cơ sở dữ liệu quốc gia là hơn 1 triệu tỷ đồng.

Trong đó, tài sản là quyền sử dụng đất được xác định ở mức 682.538,5 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng hơn 65% tổng giá trị tài sản Nhà nước) với tổng quỹ đất gần 2,6 tỷ m2. Thống kê cho thấy, phần lớn quỹ đất là do khối đơn vị sự nghiệp quản lý, sử dụng với trên 2,3 tỷ m2, chiếm 91,6%.

Theo đánh giá của Chính phủ, công tác quản lý, sử dụng tài sản công trong năm 2016 đã cơ bản đi vào nề nếp; tình trạng thất thoát, lãng phí tài sản từng bước được khắc phục. Ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, đơn vị được nâng lên; hiệu quả sử dụng, khai thác tài sản được chú trọng.

Việc thất thoát tài sản đất đai Nhà nước có thể xảy ra trong quá trình chuyển nhượng
Việc thất thoát tài sản đất đai Nhà nước có thể xảy ra trong quá trình chuyển nhượng

Tuy nhiên, năm vừa qua, đã có tới hơn 1,7 triệu m2 đất bị giảm do điều chuyển với tổng giá trị hơn 3.000 tỷ đồng. Đồng thời, có 48.600 m2 giảm do bán, chuyển nhượng với tổng giá trị 112 tỷ đồng và 436.700 m2 bị giảm do các nguyên nhân khác tổng giá trị gần 1.300 tỷ đồng.

Báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ, một trong những tồn tại trong quản lý tài sản đất của Nhà nước đó là việc tổ chức thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước sau khi được phê duyệt gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là phương án bán tài sản trên đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Tỷ lệ hoàn thành việc thực hiện phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt thấp.

Mới đây, trong một văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ liên quan đến việc rà soát việc sử dụng đất của các doanh nghiệp cổ phần hoá, Bộ Tài chính đã chỉ ra một loạt những "lỗ hổng" có thể gây thất thoát tài sản Nhà nước.

Cụ thể, khi cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước, nhất là những doanh nghiệp Nhà nước đang được Nhà nước cho thuê đất ở những vị trí có giá trị thương mại ở trung tâm thành phố, việc xác định giá trị doanh nghiệp không tính giá trị quyền sử dụng đất vào doanh nghiệp để cổ phần hoá, không thực hiện đấu giá khi cổ phần hoá.

Việc thực hiện sắp xếp lại cơ sở nhà, đất được UBND tỉnh, thành phố cho chuyển mục đích để xây dựng trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê và nhà ở để bán nhưng không thực hiện đấu giá theo quy định tại Luật Đất đai. Bên cạnh đó, việc xác định giá đất để thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chủ yếu dựa vào kết quả của doanh nghiệp tư vấn nhưng không đầy đủ và chưa sát với giá thị trường.

Báo cáo này của Bộ Tài chính cũng đính kèm theo danh sách tham khảo bao gồm 60 dự án được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Sau đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu Bộ Tài chính chuyển danh sách gồm 60 các cơ sở nhà, đất chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư cho Thanh tra Chính phủ tham khảo, phục vụ công tác thanh tra về việc quản lý đất đai theo kế hoạch thanh tra năm 2017.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất sửa đổi quy định Luật Đất đai năm 2013 về bán đấu giá quyền sử dụng đất phù hợp với quy định về thu hồi đất.

Bích Diệp