Tài sản của bà Nguyễn Thanh Phượng ra sao trên đỉnh chứng khoán?

Mai Chi

(Dân trí) - Cùng với đà tăng nóng của thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu VCI lên cao thời gian qua có ảnh hưởng tích cực tới tài sản vợ chồng ông Tô Hải và bà Nguyễn Thanh Phượng cũng như cổ đông VCSC.

Tuần qua mặc dù là một tuần khó khăn với VN-Index song cổ phiếu VCI của Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) lại có tuần tương đối thuận lợi với 4 trên 5 phiên tăng giá, tổng mức tăng trong tuần đạt 3,17% (tương ứng 2.100 đồng/cổ phiếu).

Trong phiên cuối tuần, VCI tăng 1,33% lên 68.400 đồng và chỉ cách mức đỉnh (thiết lập ngày 7/4) đúng 200 đồng/cổ phiếu.

Tài sản của bà Nguyễn Thanh Phượng ra sao trên đỉnh chứng khoán? - 1

Diễn biến giá VCI trong 1 năm qua (ảnh chụp màn hình).

Với mức thị giá hiện nay của VCI, giá trị tài sản của ông Tô Hải - Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc VCSC đạt 2.579 tỷ đồng. Ông Hải đang sở hữu 37,7 triệu cổ phiếu VCI tương ứng 22,78% vốn điều lệ, là cổ đông lớn nhất tại VCSC.

Trong khi đó, vợ ông Tô Hải là bà Trương Nguyễn Thiên Kim cũng sở hữu một lượng tài sản trị giá 601 tỷ đồng. Bà Kim cũng là cổ đông lớn ở VCI với tỷ lệ nắm giữ 5,31%.

Bà Nguyễn Thanh Phượng - Chủ tịch VCSC và cũng là nhà sáng lập công ty này chỉ sở hữu 6,75 triệu cổ phiếu VCI, chiếm tỉ lệ 4,08% và chưa đủ tỉ lệ là cổ đông lớn. Do nắm giữ thêm 14,7 triệu cổ phiếu BVB của Viet Capital Bank nên tổng giá trị tài sản cổ phiếu của bà Phượng đạt 685 tỷ đồng.

Tài sản của bà Nguyễn Thanh Phượng ra sao trên đỉnh chứng khoán? - 2

Bà Thanh Phượng và ông Tô Hải là những lãnh đạo chủ chốt tại VCSC (ảnh: VCSC).

Ngày 10/4, VCSC đã tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên thông qua kết quả kinh doanh năm 2020 với doanh thu 1.729,5 tỷ đồng, lợi nhuận 951 tỷ đồng, lần lượt tăng 124% và 173% so với năm trước. Theo ông Tô Hải, kết quả này của VCSC nằm ngoài kỳ vọng.

Kế hoạch doanh thu mà công ty này đặt ra cho năm 2021 là 2.050 tỷ đồng doanh thu, lãi trước thuế 1.250 tỷ đồng trên cơ sở tình hình hiện tại của thị trường và VN-Index được kỳ vọng sẽ dao động quanh 1.250 điểm vào cuối năm 2021.

Bà Nguyễn Thanh Phượng cho biết, từ đầu tháng 12/2020, thị trường chứng khoán Việt Nam chính thức trở thành thị trường có tỷ trọng lớn nhất trong rổ các thị trường cận biên (Frontier Markets) theo hệ thống phân loại của MSCI, theo đó, dòng vốn nước ngoài dự báo sẽ quay trở lại trong năm nay, đặc biệt với tỷ trọng cao hơn cho Việt nam trong rổ MSCI FM. Đây sẽ là yếu tố hỗ trợ mạnh cho thị trường chứng khoán Việt Nam.

Đặc biệt, mảng IB (thế mạnh của VCSC) được cho sẽ tăng trưởng mạnh trở lại, dự báo sẽ có những thương vụ tỷ USD, cận tỷ USD. Lãnh đạo VCSC kỳ vọng quy mô thị trường vào mức 200 triệu USD, quy mô M&A vào mức 2,3 tỷ USD, mảng huy động vốn quy mô 100 triệu USD.

Tại sự kiện này, VCSC tiếp tục khẳng định hoạt động ngân hàng đầu tư sẽ tiếp tục bứt phá trong năm tới. Đồng thời tiết lộ, các hợp đồng công ty đang thực hiện có giá trị giao dịch lớn ước tính khoảng 40.000 tỷ đồng trong năm 2021 ở các lĩnh vực tài chính tiêu dùng, hàng tiêu dùng, logistics.

Về thị trường chứng khoán phiên cuối tuần qua, với 206 mã giảm giá trên sàn HSX, chỉ số chính VN-Index ghi nhận mức giảm 3,23 điểm tương ứng 0,26% còn 1.231,66 điểm. Trong khi đó, VN30-Index vẫn đạt tăng nhẹ 1,45 điểm tương ứng 0,12$; HNX-Index nhích nhẹ 0,04 điểm tương ứng 0,01% lên 293,79 điểm và UPCoM-Index sụt nhẹ 0,06 điểm xuống còn 83,01 điểm.

Thanh khoản thị trường đạt cao với giá trị giao dịch được đẩy lên 18.208,4 tỷ đồng trên sàn HSX tương ứng khối lượng giao dịch đạt 732,8 triệu cổ phiếu. HNX có 164,5 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 2.838,2 tỷ đồng và trên UPCoM là 111,8 triệu cổ phiếu tương ứng 993,3 tỷ đồng.