Tài sản chứng khoán của ông Phạm Nhật Vượng vượt ngưỡng 200.000 tỷ đồng
(Dân trí) - Bất chấp trên 530 mã cổ phiếu bị bán mạnh và giảm giá sáng nay, VIC của Vingroup vẫn bền bỉ tăng. Đà tăng cổ phiếu đã đưa giá trị tài sản chứng khoán của ông Phạm Nhật Vượng đạt mức 203.708 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán tiếp tục có diễn biến gây ức chế và khó chịu trong sáng nay (28/10). Trạng thái giằng co ngay dưới ngưỡng tham chiếu của các chỉ số khiến tình hình trở nên khó đoán.
Đến gần thời điểm cuối phiên sáng, thị trường đột ngột sụt giảm khá mạnh, lệnh bán chồng chất và đè giá cổ phiếu.
VN-Index tạm đánh mất 7,09 điểm tương ứng 0,75% còn 939,38 điểm (thủng mốc 940); HNX-Index giảm 1,77 điểm tương ứng 1,29% còn 135,36 điểm và UPCoM-Index giảm 0,69 điểm tương ứng 1,09% còn 62,7 điểm.
Điểm tích cực cho đến hiện tại là dòng tiền vào thị trường vẫn “khoẻ”. Trên HSX sáng nay có 4.371,49 tỷ đồng được giải ngân, khối lượng giao dịch đạt 227,57 triệu đơn vị. HNX có 26,82 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 400,22 tỷ đồng và UPCoM-Index là 11,18 triệu cổ phiếu tương ứng 163,47 tỷ đồng.
Bao trùm bức tranh thị trường là sắc đỏ của cổ phiếu giảm giá. Thống kê đến hết phiên sáng đã có 531 mã giảm, 26 mã giảm sàn so với 149 mã tăng, 25 mã tăng trần.
Ngay cả những mã được giao dịch mạnh nhất cũng không tránh khỏi chịu thiệt hại do áp lực bán mạnh. Có thể kể đến TCB, mã này khớp 19 triệu cổ phiếu, thanh khoản cao nhất thị trường nhưng cũng bị sụt giảm 1,9%.
Bên cạnh TCB, nhiều mã ngân hàng khác cũng bị chốt lời. ACB mất 1,2% còn 24.100 đồng; VPB giảm 2,1% còn 23.850 đồng; CTG giảm 0,8% còn 30.500 đồng; MBB giảm 0,8% còn 17.750 đồng; SHB giảm 1,9% còn 15.400 đồng; HDB giảm 1,4% còn 24.200 đồng; BID giảm 1,7% còn 40.000 đồng; BVB giảm 4% còn 11.900 đồng; VIB giảm 2,7% còn 31.900 đồng.
STB đã “cầm máu” sau phiên giảm sâu hôm qua, thế nhưng sự cầm cự hiện tại cũng không chắc chắn. Mã này tạm thời đứng tham chiếu 13.300 đồng và khớp lệnh đạt 13,88 triệu đơn vị.
HPG vốn là cổ phiếu có “sức đề kháng” tốt với biến động chung nhưng sáng nay cũng phải chịu thất thoát 0,8% thị giá, giảm còn 31.150 đồng, khớp lệnh cao với 11,24 triệu cổ phiếu.
Tương tự, VNM giảm 1,5% còn 108.000 đồng; MWG giảm 1,8% còn 108.000 đồng; HBC giảm 1,9% còn 22.850 đồng; VRE giảm 2,6% còn 26.300 đồng. Những cổ phiếu từng được chú ý trong thời gian ngắn gần đây như IDI cũng giảm 2,1%; OGC giảm 3,3%; VCG giảm 4,4%.
Một vài cổ phiếu lớn tăng giá và những nỗ lực tại các mã này đã hãm lại đà giảm của chỉ số. VIC tăng 0,6% lên 106.300 đồng và đóng góp 0,58 điểm cho VN-Index. VJC tăng 0,5% lên 105.000 đồng; GAS tăng 0,3% lên 72.200 đồng. Một số mã như PDR, SAB, DHG, SBT, DBC, CTD, NLG cũng có ảnh hưởng tích cực.
Sáng nay tạm thời đánh dấu phiên tăng thứ 5 liên tiếp của VIC bất chấp thị trường đang đối mặt với những rủi ro. Cũng nhờ việc VIC giữ nhịp tăng nên đã giảm thiệt hại đáng kể cho VN-Index. Trong vòng 1 tuần qua, VIC đạt mức tăng 8,69% và đã tăng 14,55% trong vòng 3 tháng.
Với diễn biến giá cổ phiếu tăng mạnh, giá trị tài sản chứng khoán của ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup đã chính thức vượt 200.000 tỷ đồng, đạt 203.708 tỷ đồng. Hiện tại, ông chủ Vingroup đang sở hữu trên 1,9 tỷ cổ phiếu VIC (bao gồm cả sở hữu trực tiếp lẫn gián tiếp).
Còn theo thống kê của hãng xếp hạng Forbes, giá trị tài sản ròng (tính theo thời gian thực) của ông Phạm Nhật Vượng ở thời điểm hiện tại là 6,7 tỷ USD, xếp thứ 286 trong danh sách những người giàu nhất thế giới.
Theo nhận xét của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), hôm qua, VN-Index tiếp tục có động thái điều chỉnh sau phiên đảo chiều. Với tín hiệu suy yếu cuối phiên 27/10, có thể nhịp điều chỉnh sẽ tiếp diễn trong phiên giao dịch 28/10.
Tuy nhiên, VDSC cũng lưu ý rằng, thanh khoản tăng so với phiên trước, cho thấy tín hiệu dòng tiền vẫn ổn định và có khả năng sẽ có động thái tăng mạnh nếu VN-Index lùi về vùng hỗ trợ 935-940 điểm.
Do vậy, nhà đầu tư vẫn nên thận trọng, có thể mua thăm dò ngắn hạn tại các cổ phiếu đã giảm về vùng hỗ trợ mạnh hoặc có tín hiệu hỗ trợ tốt để đón đầu nhịp phục hồi ngắn.