Tái cơ cấu nông nghiệp: Cần đi từ “Z đến A”

(Dân trí) - Trước đây chúng ta sản xuất nông nghiệp theo tư duy chiều xuôi – từ “A đến Z”, tức là sản xuất hàng hóa rồi bán ra thị trường. Nay, cần làm từ “Z đến A”, tức là tìm hiểu nhu cầu của thị trường rồi mới sản xuất hàng hóa đáp ứng yêu cầu đó.

Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện tái cơ cấu (TCC) ngành nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức ngày 13/8 tại Hà Nội.

Tái cơ cấu nông nghiệp: Cần đi từ “Z đến A” - 1

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu tại Hội nghị (Ảnh T.N)

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải lấy ví dụ từ việc trồng vải, thay vì tư duy cứ trồng vải rồi bán ra thị trường thì ngày nay cần nghiên cứu xem thị trường cần vải gì thì sản xuất ra loại đó như: Quả tròn đều, màu đều, đáp ứng vệ sinh an toàn thực phẩm, thời gian từ khi thu hoạch đến người tiêu dùng là ngắn nhất, quả còn tươi…

"Các thông tin này được cung cấp cho nhà khoa học và người nông dân để thay đổi phương thức sản xuất, đáp ứng yêu cầu của thị trường", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Nói về định hướng TCC nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng: Các lĩnh của ngành nông nghiệp đều phải chuyển hẳn sang sản xuất hàng hóa cạnh tranh quốc tế để nâng cao khả năng cạnh tranh ngay trên sân nhà, chuyển từ chạy theo số lượng sang nâng cao chất lượng và hiệu quả, thay đổi cách tiếp cận từ ảnh hưởng môi trường, lạm dụng tài nguyên sang sản xuất bền vững.

Ngoài ra, cần tổ chức lại kinh tế hợp tác và HTX, tổ chức nông dân theo chuỗi giá trị, tránh manh mún; phát triển và ứng dụng KHCN trong sản xuất nông nghiệp.

“Các chính sách và cơ chế TCC nông nghiệp phải chuyển tải xuống người nông dân, giúp nâng cao thu nhập của người dân. Chủ thể của quá trình này là là nông dân và doanh nghiệp,” Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.

Sau 2 năm thực hiện TCC nông nghiệp, đã có những chuyển biến bước đầu. Chưa bao giờ người nông dân, nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp lại nóng lòng về ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) như bây giờ. Khi nước ngoài sản xuất được dưa với giá 250 USD/quả, người nông dân đã biết quan tâm đến giá trị gia tăng.

Tỷ lệ cơ giới hóa trong nông nghiệp diễn ra với tốc độ nhanh. Mà theo Phó Thủ tướng là vì “ý Đảng, lòng dân hợp nhau”. Năm 2014, Việt Nam đã chặn đứng đà sụt giảm sản xuất nông nghiệp…

TCC nông nghiệp cần chú trọng đến vấn đề chuyển dịch cơ cấu lao động vì nếu không quan tâm đến yếu tố này thì TCC sẽ thất bại. Hiện tỷ lệ lao động trong ngành nông nghiệp nước ta vẫn chiếm 46% tổng dân số, và đây là tỷ lệ rất cao, chưa hợp lý.

“Tuy vậy, một số địa phương và doanh nghiệp còn thờ ơ với Chương trình TCC nông nghiệp,” Phó Thủ tướng nhận định.

Đến nay vẫn còn 16 tỉnh, thành phố trên cả nước chưa phê duyệt Đề án TCC nông nghiệp hoặc chưa có Kế hoạch thực hiện Đề án, trong đó có TP Hà Nội. Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương này báo cáo lý do và từ nay đến cuối năm 2015 phải hoàn thành phê duyệt đề án.

Tuy nhiên, TCC nông nghiệp là một quá trình rất dài nên cần thực hiện bình tĩnh và hiệu quả, tránh áp đặt và hành chính hóa trong việc trồng cây gì, nuôi con gì mà cần có sự đồng thuận của người dân.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức về sản phẩm của mình, thấy trách nhiệm của mình. Đồng thời, cần xử lý nghiêm các trường hợp cố tình đưa sản phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ra thị trường.

“Cần làm cho người nông dân có tâm với sản phẩm của mình, thay đổi tư duy và có trách nhiệm với sản phẩm đó,” Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Thảo Nguyên

Tái cơ cấu nông nghiệp: Cần đi từ “Z đến A” - 2