1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Tái cơ cấu ngân hàng và hóa giải các "nút thắt"

(Dân trí) - Nguy cơ lớn nhất của hệ thống ngân hàng khi tiến hành tái cơ cấu đó là khủng hoảng thanh khoản và nợ xấu gia tăng. Nhưng trong 4 năm vừa qua, hệ thống ngân hàng đã dần đi vào ổn định…

Đánh giá tại Hội thảo kết quả thực hiện Tái cơ cấu kinh tế 2011-2015 hướng đến xây dựng Đề án tái cơ cấu 2016-2020 do Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức, bà Phạm Chi Lan - chuyên gia kinh tế cho rằng: Ổn định kinh tế vĩ mô, ngăn chặn đà suy thoái của nền kinh tế, không để gây ra đổ vỡ hàng loạt trong hệ thống ngân hàng và các doanh nghiệp là thành tựu nổi bật nhất của quá trình tái cơ cấu kinh tế thời gian qua.

Theo đó, một số kết quả trong ổn định kinh tế vĩ mô đã được thể hiện qua chỉ số lạm phát, lãi suất, tỉ giá, cán cân thương mại, dự trữ ngoại hối và chỉ số rủi ro quốc gia dần di vào ổn định và đạt kết quả sau một thời gian bất ổn.


Sáp nhập các ngân hàng yếu kém là cách thức để không xảy ra đổ vỡ hàng loạt trong hệ thống (ảnh minh hoạ).

Sáp nhập các ngân hàng yếu kém là cách thức để không xảy ra đổ vỡ hàng loạt trong hệ thống (ảnh minh hoạ).

Kiềm chế lạm phát

Khi kinh tế thế giới bắt đầu phục hồi vào năm 2011 thì kinh tế Việt Nam rơi vào suy giảm tăng trưởng nghiêm trọng, bất ổn vĩ mô tăng cao, lạm phát liên tục leo thang đến đỉnh điểm vào tháng 8/2011 là hơn 23%. Thành tựu lớn nhất của quá trình tái cơ cấu là chặn đứng đà lạm phát và bất ổn vĩ mô để tạo nền tảng cơ bản cho quá trình phục hồi sau này.

Động thái lạm phát ở Việt Nam phụ thuộc trực tiếp vào cân đối tổng cung - tổng cầu, nhất là hàng hóa lương thực, thực phẩm và nguyên liệu sản xuất, khả năng trả nợ đúng hạn và sự lành mạnh của các khoản nợ tín dụng đã cấp, chi phí sản xuất "đầu vào" của các hàng hóa dịch vụ cung ứng từ nguồn trong nước và từ nhập khẩu. Cùng với đó là sự chênh lệch tỷ giá giữa VNĐ với USD và các đồng ngoại tệ khác trên thị trường chính thức và thị trường tự do, cũng như biến động tỷ giá hối đoái của các đồng tiền chủ chốt.

Trong bối cảnh đó, NHNN đã dùng các chính sách tiền tệ linh hoạt để lành mạnh hóa thị trường tài chính cũng như điều hành lãi suất trong nước ở mức hợp lý, ổn định tỷ giá, và giá vàng trong suốt thời gian qua.

Lãi suất

Bất ổn kinh tế vĩ mô trước khi thực hiện tái cơ cấu không chỉ thể hiện ở lạm phát phi mã mà lãi suất cũng "leo thang" chóng mặt. Nhằm giảm nhanh và mạnh mặt bằng lãi suất, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, ổn định thị trường tiền tệ, từ tháng 9/2011, NHNN chủ động công bố mục tiêu giảm lãi suất cho vay xuống còn 17-19%/năm vào cuối năm 2011; năm 2012 giảm mặt bằng lãi suất huy động còn 9-10%/năm; năm 2013-2014, tiếp tục điều chỉnh giảm nhẹ lãi suất; năm 2015 duy trì ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đầu tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay trung và dài hạn thêm 1-1,5%/năm.

NHNN cũng chủ động điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành một cách phù hợp; kết hợp biện pháp quản lý lãi suất huy động và cho vay; phối hợp đồng bộ chính sách lãi suất, tỷ giá và các công cụ chính sách tiền tệ.

Đến nay, mặt bằng lãi suất đã giảm mạnh từ mức 20-25%/năm xuống còn 6-9%/năm, bằng khoảng 40% lãi suất cuối năm 2011 và thấp hơn giai đoạn 2005-2006 là thời kỳ kinh tế phát triển ổn định, hỗ trợ tích cực trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Sự ổn định của lãi suất, giải cứu được tình hình thiếu thanh khoản nghiêm trọng của hệ thống NHTM được xem là thành công chính của quá trình tái cơ cấu ngân hàng. Điều đáng nói thêm ở đây đó là quá trình tái cơ cấu đã không để xảy ra đổ vỡ hàng loạt trong hệ thống ngân hàng.

Tỷ giá

Tương tự đối với lãi suất và lạm phát, tỷ giá cũng cho thấy hiện tượng bất ổn mạnh từ năm 2008. Quá trình tái cơ cấu bắt đầu bằng việc thực hiện nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ trong đó thực hiện phá giá tỷ giá biên độ lớn 9,36% vào tháng 2/2011. Từ tháng 8/2011, NHNN thường xuyên chủ động đưa ra các cam kết duy trì ổn định tỷ giá trong từng năm để định hướng thị trường, kiểm soát kỳ vọng, giúp doanh nghiệp chủ động trong kế hoạch sản xuất kinh doanh và thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài.

Từ cuối 2011 đến nay, thị trường ngoại hối và tỷ giá ổn định, thị trường ngoại tệ tự do bị thu hẹp. Thanh khoản thị trường tốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng kịp thời, đầy đủ. Vị thế và lòng tin vào VND ngày càng được củng cố, tình trạng “đô la hóa” đã giảm mạnh, NHNN mua được một lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối nhà nước lên mức kỷ lục.

Mới đây nhất, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm về 0% mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng USD của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sau động thái tăng lãi suất của FED. Việc điều chỉnh này là để tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm thực hiện chủ trương chống đô la hóa của Chính phủ, góp phần thực hiện có hiệu quả các giải pháp về chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng trong những tháng cuối năm 2015.

Ổn định thị trường vàng

Với các biện pháp quyết liệt triển khai từ cuối năm 2011 đến nay, công tác quản lý thị trường vàng đã cơ bản đạt được mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đã đề ra, tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế đã từng bước được ngăn chặn, loại bỏ tình trạng “vàng hóa” trong hệ thống tổ chức tín dụng: chuyển quan hệ “huy động, cho vay vốn bằng vàng” sang quan hệ “mua, bán vàng”, mặc dù thị trường vàng thế giới biến động phức tạp nhưng thị trường vàng trong nước vẫn ổn định, không còn những cơn “sốt vàng” gây ảnh hưởng đến tỷ giá, thị trường ngoại hối và kinh tế vĩ mô.

Tái cơ cấu các tổ chức tín dụng

Nguy cơ lớn nhất của hệ thống ngân hàng khi tiến hành tái cơ cấu đó là khủng hoảng thanh khoản và nợ xấu gia tăng. Nhưng trong 4 năm vừa qua, hệ thống ngân hàng đã dần đi vào ổn định, có những lúc dư luận tỏ ra hoài nghi vào những chính sách của NHNN nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm của toàn ngành Ngân hàng và hệ thống chính trị, có thể thấy về cơ bản mục tiêu đã đạt được. Sự an toàn, ổn định của hệ thống các TCTD đã được duy trì cải thiện cơ bản, các NHTM yếu kém đã được kiểm soát, giảm dần và cơ cấu lại toàn diện, nợ xấu được kiểm soát và xử lý một cước căn cơ.

Kết quả cơ cấu lại các TCTD đạt được rõ nét giúp ổn định tâm lý người gửi tiền, nhà đầu tư, nhân dân tin tưởng vào chủ trương, chính sách, biện pháp cơ cấu lại các TCTD của Nhà nước. Dòng vốn của nền kinh tế từng bước được khơi thông, tín dụng ngân hàng tiếp tục được mở rộng và phân bổ hợp lý cho các mục đích sử dụng trên cơ sở đánh giá lợi ích, rủi ro và phù hợp với định hướng đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội quốc gia bền vững.

Kết quả cơ cấu lại các TCTD có tác dụng không chỉ làm lành mạnh các TCTD mà còn có tác dụng hỗ trợ tái cấu trúc doanh nghiệp, thị trường tài chính và đầu tư, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô.

Quỳnh Mai

Tái cơ cấu ngân hàng và hóa giải các "nút thắt" - 2