Moody's nâng triển vọng hệ thống ngân hàng Việt Nam từ “Tiêu cực” lên “Ổn định”

(Dân trí) - Moody's cho rằng, tính ổn định trong môi trường hoạt động cũng như sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô đã giúp giảm sức ép lên thanh khoản hệ thống các ngân hàng Việt Nam.

 
 Moody's đánh giá cao chính sách ổn định kinh tế vĩ mô mà Việt Nam đang theo đuổi
 Moody's đánh giá cao chính sách ổn định kinh tế vĩ mô mà Việt Nam đang theo đuổi

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
Hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s sáng nay (11/12) vừa công bố điều chỉnh triển vọng đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam từ “tiêu cực” lên “ổn định”, ghi nhận sự gia tăng về tính ổn định trong môi trường hoạt động của ngân hàng cũng như sự ổn định của kinh tế vĩ mô đã giúp giảm sức ép lên thanh khoản hệ thống.
 
Phó Chủ tịch kiêm chuyên gia phân tích cấp cao của Moody’s - Gene Fang cho biết, “những bước tiến trong ổn định kinh tế vĩ mô đã hỗ trợ cho thanh khoản hệ thống ngân hàng Việt Nam. Đồng thời, nhờ những chính sách của Chính phủ nhằm tích trữ ngoại tệ và vàng, tăng trưởng huy động thời gian gần đây của các ngân hàng cũng đã được cải thiện”.
 
Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cũng đánh giá rằng, các ngân hàng Việt Nam đã giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn liên ngân hàng – yếu tố từng làm trầm trọng hơn những rủi ro thanh khoản hệ thống (mức độ vay liên ngân hàng cao cũng có nghĩa là nếu một ngân hàng gặp vấn đề như đóng băng thanh khoản, có thể sẽ nhanh chóng lây lan sang các ngân hàng khác).
 
Báo cáo đánh giá của Moody’s phản ánh triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam trong vòng 12-18 tháng tới. Theo đó, Moody’s đánh giá hệ thống ngân hàng Việt Nam dựa trên 5 yếu tố: môi trường hoạt động (được phân loại ổn định); cho vay và thanh khoản (đang cải thiện); chất lượng, nguồn vốn (giảm); lợi nhuận và tính hiệu quả (giảm); hỗ trợ hệ thống (ổn định).
 
Theo báo cáo này, môi trường hoạt động của các ngân hàng Việt Nam đã bắt đầu ổn định kể từ năm 2012 sau một thời gian dài “ốm yếu” vì tăng trưởng tín dụng “nóng”. Lạm phát và lãi suất cũng đã được kiểm soát đáng kể trong 2 năm vừa qua, từ mức 2 con số. Song song với đó, áp lực lên tỷ giá cũng đã thuyên giảm.
 
Việc thu hút mạnh đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã giúp cán cân tài khoản vãn lai chuyển từ “thâm hụt” sang “thặng dư” và việc chuyển hướng chính sách từ tập trung tăng trưởng sang ổn định kinh tế vĩ mô đã góp phần cải thiện môi trường hoạt động của các ngân hàng.
 
Cũng theo Moody’s, tăng trưởng tín dụng tại Việt Nam đã chậm lại – mặc dù mức lãi suất xuống thấp – khi sự tăng trưởng trong hoạt động xuất khẩu không bù đắp được suy giảm của nhu cầu nội địa. Kết quả là, thanh khoản hệ thống ngân hàng được cải thiện do tăng trưởng huy động vượt quá mức tăng trưởng tín dụng, hệ số cho vay/huy động được hạ xuống.
 
Báo cáo của Moody’s cũng chỉ ra, trong khi những cải thiện gần đây về khung pháp lý đã hỗ trợ triển vọng phục hồi về khả năng thanh toán tại các ngân hàng, thì con số nợ xấu khá lớn cho thấy, việc hồi phục là cả một quá trình chứ không thể “một sớm một chiều”.
 
Về triển vọng lợi nhuận của các ngân hàng, Moody’s cho rằng, ngành ngân hàng sẽ vẫn tiếp tục chịu áp lực do nhu cầu thấp với những khoản vay mới và có khả năng làm giảm biên độ lãi ròng bình quân.
 
Triển vọng về sự phục hồi mạnh hơn trong lợi nhuận của các ngân hàng gắn với triển vọng phục hồi giá bất động sản và/hoặc sự gia tăng trong nhu cầu vay vốn của khu vực bán lẻ. Do hiện nay, nhiều tài sản đảm bảo của các ngân hàng gắn với bất động sản thế chấp nên sự phục hồi thị trường này có thể sẽ đẩy nhanh việc giải quyết các vấn đề tài sản và chi phí trích lập dự phòng dài hạn.
 
Moody’s cũng xếp hạng 9 ngân hàng thương mại cổ pha ở Việt Nam. Vào ngày 30/6/2014, 9 ngân hàng này chiếm 40% tổng tài sản hệ thống ngân hàng Việt Nam. Mức đánh giá tín dụng cở sở bình quân của các ngân hàng là caa1, trong khi xếp hạng sức mạnh tài chính độc lập bình quân là E. Xếp hạng tiền gửi nội tệ bình quân của Việt Nam là B2.

Bích Diệp
 
Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”