Tái cơ cấu kinh tế: "Tiền của dân, phải để Quốc hội quyết!"
(Dân trí) - “Bất luận tiêu 1 đồng tiền của dân đều phải do Quốc hội quyết, mà đề án này chắc chắn phải chi không dưới hàng chục, hàng trăm nghìn tỷ, tiền này là tiền của dân, thì ai quyết định?...”, đại biểu Nguyễn Đình Quyền nói về Đề án tái cơ cấu kinh tế.
Chiều 24/5, thảo luận tại tổ về Đề án tái cơ cấu nền kinh tế, các đại biểu Quốc hội đều nhất trí với sự cần thiết phải có đề án tái cơ cấu kinh tế, nhưng chưa hài lòng và thỏa mãn với các nội dung của đề án mà Chính phủ trình.
Theo nhận xét của đại biểu Nguyễn Đình Quyền (đoàn Hà Nội), Đề án của Chính phủ chưa rõ về mặt pháp lý, chưa rõ đề án trình Quốc hội để làm gì và Quốc hội sẽ tỏ thái độ bằng văn bản pháp lý nào?
“Lâu nay người ta vẫn nói, Quốc hội dù đã có nhiều cố gắng vươn lên để thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ do hiến pháp quy định nhưng đâu đó vẫn còn hình thức, không thực quyền. Nếu đề án này không làm rõ mặt pháp lý thì không khéo Quốc hội trở thành “tráng men”, vì Quốc hội đã cho ý kiến rồi", đại biểu Nguyễn Đình Quyền nói.
Do đó, đại biểu Quyền đề nghị, Chính phủ cần xem xét, làm rõ mục đích, yêu cầu của đề án trình Quốc hội để làm gì. Nếu trình chỉ để góp ý cho Chính phủ về bàn thảo thì Quốc hội không phải là cơ quan tham mưu những việc như vậy. Còn nếu trình để Quốc hội quyết định thì các ủy ban liên quan phải thẩm tra đề án.
“Bất luận tiêu 1 đồng tiền của dân đều phải do Quốc hội quyết, mà đề án này chắc chắn phải chi không dưới hàng chục, hàng trăm nghìn tỷ, tiền này là tiền của dân, thì ai quyết định?... Một đề án tiêu hàng nghìn tỷ của dân mà Quốc hội không quyết định thì lạ”, vị đại biểu này nhấn mạnh.
Nhận xét về các nội dung của đề án, đại biểu Quyền cho rằng, đề án được chuẩn bị rất sơ sài. Theo ông, đề án cần đánh giá được những tác động về mặt xã hội, con người, bao nhiêu doanh nghiệp phá sản khi thực hiện tái cơ cấu, bao nhiêu luật phải chính sửa, các bước đi trong quá trình thực hiện… Đề án phải mang tính định lượng và đánh giá tác động những cái được, mất khi thực hiện… Nhưng tất cả những điểm này trong đề án còn thiếu.
“Đã là đề án tái cơ cấu thì phải định lượng được và đặc biệt phải có đánh giá tác động, có như vậy mới biết chúng ta được, mất gì. Nếu Quốc hội ra nghị quyết về đề án này, tôi sẽ không bấm nút vì không có đủ cơ sở, dữ liệu để ủng hộ”, đại biểu Quyền thẳng thắn bày tỏ.
Cùng với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Hồng Sơn cho hay: “Đề án chỉ đạt được một mục tiêu duy nhất là cho thấy sự cần thiết có đề án, chứ chưa phải là đề án cần được xem xét về nội dung... Tôi đề nghị Quốc hội chưa thông qua đề án và giao Chính phủ chuẩn bị lại. Những vấn đề cấp bách năm 2012 đã có các nghị quyết của Chính phủ giải quyết, chúng ta không lo đề án này ra chậm mà ảnh hưởng”.
Còn theo đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, “nếu chúng ta vẫn áp dụng cách làm cũ, như cái bánh chia đều, thì sẽ không hiệu quả”. Do đó, đề án phải bám sát 8 mục tiêu thiên niên kỷ, thể chế hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật hiện hành, các cam kết quốc tế… thì mới giúp đất nước phát triển được bền vững.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo đề nghị, đề án phải phân tích sâu hơn cấu trúc nền kinh tế hiện nay, từ đó mới lựa chọn cơ cấu phù hợp và đề ra tỷ trọng hợp lý với các ngành hàng cho từng giai đoạn.
Góp ý hoàn thiện đề án, đại biểu Bùi Thị An đề nghị, đề án phải được xây dựng trên cơ sở tiến hành rà soát lại tổng thể các dự án quy hoạch hiện nay và khắc phục tư duy nhiệm kỳ, lợi ích nhóm trong quá trình tổ chức, thực hiện.
Nội dung Đề án tái cơ cấu nền kinh tế cũng được thảo luận sôi nổi tại đoàn TPHCM. Theo cảm nhận từ đại biểu Trần Hoàng Ngân: “Đọc xong thấy đề án chỉ là nêu vấn đề như một gợi ý hay có thể gọi là dự án tiền khả thi mà thôi. Thời gian qua, kinh tế nước ta hướng về xuất khẩu dựa vào tài nguyên, lao động và vốn. Nợ công đến ngưỡng nguy hiểm, vốn vay ngân hàng, dư nợ trên GDP chỉ chiếm 35% (độ sâu tài chính). Đến 2012 là 30%, như vậy dư nợ phồng lên kéo theo bong bóng tài sản”.
Ông Ngân cho rằng, cần làm rõ quan điểm trong tái cơ cấu phải bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ trong tổ chức thực hiện để khi Quốc hội có Nghị quyết về vấn đề này thì giám sát cho tốt. Xây dựng đề án phải xuất phát từ thực tiễn kinh tế - xã hội, điều kiện tài nguyên thiên nhiên và lợi thế của Việt Nam. Lợi thế nông nghiệp và bờ biển đẹp, dân số 88 triệu người với ưu thế hướng về nội địa thì ta lại chưa tận dụng, còn thế giới lại hướng về thị trường 88 triệu dân của ta. Do đó, tái cơ cấu phải dựa trên nguồn lực, tài nguyên, thế mạnh thì nguồn lực này mới khả thi.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa thì cho rằng, đề án phân tích chưa sâu nhiều vấn đề kinh tế - xã hội. Ví dụ như tham nhũng đã ăn mòn và để lại tàn dư gì? Vậy muốn tái cơ cấu phải làm gì để xử lý tàn dư do tham nhũng đang để lại những món nợ lớn trong doanh nghiệp, ngân hàng, đất đai và tổ chức…
“Để Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình thì vấn đề quản lý nhà nước là rất quan trọng. Ở Việt Nam, khả năng thực thi luật cực kém. Có luật rất hay nhưng không làm được hoặc làm méo mó đi. Vậy tới đây phải làm thế nào để phục vụ tái cơ cấu?... Nếu lần này Việt Nam không chuyển đổi được mô hình tăng trưởng thì không thể cất cánh. Nhưng muốn cất cánh lại bị đè nặng bởi nhiều thứ, không cởi bỏ được sẽ không thể tái cơ cấu và sẽ mắc trong bẫy thu nhập trung bình có nguy cơ rơi xuống nước nghèo và ngập trong nợ công”, đại biểu Nghĩa thẳng thắn nói.
Nguyễn Hiền