Tái cơ cấu kinh tế: Phải có sự bứt phá mạnh hơn!

(Dân trí) - Theo Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý, đã là “tái cơ cấu” thì phải có sự bứt phá mạnh hơn chuyển dịch cơ cấu chứ không thể “từ từ”. Đã nói “tái cơ cấu” là chấp nhận thậm chí có những lúc phải làm lại.

Sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) họp bàn về Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế với thời lượng trao đổi, phản hồi mà theo như Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá của thì vẫn còn quá ít ỏi so với một đề án rất lớn và rất quan trọng.

Không thể thông qua nghị quyết của một đề án chung
 
Góp ý kiến vào chương trình thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, về cơ bản ông đồng ý có thể trình đề án này ra Quốc hội để Quốc hội có ý kiến. Tuy nhiên, ông yêu cầu Thường vụ phải làm rõ sẽ trình ra Quốc hội thông qua nghị quyết nào, có dự thảo nghị quyết hay không.

“Chúng ta không thể thông qua một đề án chung mà không có một vấn đề cụ thể như thế này được. Có thể tán thành đề án chung nhưng các đề án cụ thể sẽ phải giao Chính phủ tiếp tục thực hiện và Quốc hội nhất trí với những đề án cụ thể rồi mới ban hành một Nghị quyết về đề án chung”, ông lý giải, “Bởi một khi Quốc hội thông qua cả đề án thì tất cả những vấn đề nằm trong đề án đều được tính là đã được Quốc hội thông qua, được tính hết vào trong Nghị quyết của Quốc hội – điều này là rất nguy hiểm.”

Người đứng đầu Ủy ban Pháp luật nói, tất cả đề án thành phần đều phải được Quốc hội thông qua theo từng Nghị quyết với đề án thành phần.

Tái cơ cấu kinh tế: Phải có sự bứt phá mạnh hơn!

(Ảnh: B.D)

Đã là tái cơ cấu thì phải có bứt phá

Ông Lý cũng đề nghị Chính phủ phải làm rõ, đây là một đề án tổng thể nhưng “như thế nào là tổng thể và tổng thể đến mức độ nào?”.

Ông cũng cho rằng, đã là “tái cơ cấu” thì  phải có sự bứt phá mạnh hơn chuyển dịch cơ cấu chứ không thể “từ từ”. Đã nói “tái cơ cấu” là chấp nhận thậm chí có những lúc phải làm lại.

“Tái cơ cấu phải là có bứt phá lên chứ”, ông nói. Như vậy điều này yêu cầu phải có sự đột phá ở từng ngành, từng khu vực cụ thể. “Nếu tất cả các ngành cứ dàn hàng ngang ra thì rất khó để tái cơ cấu”.

Do vậy, từ nay đến 2015, theo ông cần phải xác định được tiến độ tái cơ cấu cụ thể với từng ngành một chứ không thể gộp vào chung chung.

“Tôi thấy trong tái cơ cấu quan trọng nhất là phá sản. Hàng nghìn doanh nghiệp “Chết mà không chôn được” – Luật Phá sản đã sửa bao lần rồi vẫn chưa thông được.” – ông Lý bày tỏ quan điểm. Khâu đầu tiên của phá sản phải là tái cơ cấu. Có rất nhiều luật liên quan với nhau và phải xem xét từng luật một.

Cũng với ý kiến này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, phải thấy được “tái cơ cấu nền kinh tế” và “chuyển dịch nền kinh tế” có gì khác nhau? Ở đây theo ông, tái cơ cấu bao gồm cả chuyển dịch,trên nền tảng cái cũ nhưng vẫn phải làm lại, trong đó có những đột phá – điều này cần làm rõ cái này trong đề án.

“Đề án Chính phủ đưa ra có nhiều mục tiêu nhưng nên để hai mục tiêu thôi chứ nhiều thì khó làm”, ông Hiển nói. Theo đó, mục tiêu thứ nhất là đảm bảo được nền kinh tế phát triển ở mức ổn định, bền vững ở mức độ cao hơn. Và hai là tạo được cơ cấu kinh tế hợp lý đề hướng đến nền kinh tế công nghiệp hiện đại vào năm 2020.

Phát biểu kết thúc phiên thảo luận sáng, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng có đưa ra lưu ý, “đây là một nội dung rất rộng lớn nhưng phải tránh nhầm lẫn tái cơ cấu tổng thể trong nền kinh tế với tái cơ cấu ngành và trong từng lĩnh vực”. Tuy nhiên, bà cũng yêu cầu, trong nội dung này, Chính phủ phải trình bày thêm mối quan hệ giữa tổng thể nền kinh tế và quy hoạch vùng.

Và điều quan trọng, theo đề nghị của bà, đề án cần phải được thông qua nhiều bước thảo luận, và việc xin ý kiến chuyên gia độc lập để phản biện là rất cần thiết trong cơ chế hiện nay.

Dự kiến, sắp tới, bản đề án này cũng sẽ tiếp tục được bàn bạc tại một buổi tọa đàm bàn tròn với các đối tác quốc gia và các định chế tài chính quốc tế, mà theo như Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân: “Đề thực hiện tốt chúng ta cần phải thực sự lắng nghe, tiếp thu và lắng nghe nhiều chiều”.

Bích Diệp