Tái cơ cấu dự án ngàn tỷ thua lỗ: Đừng để "nói như rồng leo"

(Dân trí) - Tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả khối doanh nghiệp nhà nước ( DNNN) để DNNN hiện đang là một chủ trương lớn của Nhà nước. Nhưng nhìn vào cụ thể ở việc tái cơ cấu một số doanh nghiệp, dự án có qui mô lớn từ vài ngàn đến hàng chục ngàn tỷ đồng, có thể nói, nếu không có những bước đi đúng, thì việc tái cơ cấu vẫn chỉ là "nói như rồng leo..."


Đình Vũ- một nhà máy quy mô hàng ngàn tỷ nhưng vẫn đang trong tình trạng thua lỗ

Đình Vũ- một nhà máy quy mô hàng ngàn tỷ nhưng vẫn đang trong tình trạng thua lỗ

Trong bài viết này, người viết bài này xin lạm bàn chỉ một vấn đề. Nó đã diễn ra khi chúng ta tiến hành tái cấu trúc tập đoàn Công nghiệp Tầu thuỷ Vinashin . Đây là vấn đề lớn ,nan giải và rất cần được mổ xẻ tới cùng để tìm lối ra cho đất nước sau này mỗi khi tái cấu trúc bất kỳ doanh nghiệp nào đó.

Bài học của vấn đề tái cấu trúc Vinashin cách đây 7 năm, cái dư vị đắng ngắt và mặn chát của "con tàu đại dương Vinashin" với đầy kỳ vọng vẫn chòng chành trong bước đi . Nó chưa khiến mọi người hài lòng nếu không nói là buồn lòng hơn khi những doanh nghiệp khác từng phải gánh thay số phận . Nó cũng có dấu hiệu không khả quan. Bên cạnh đó, nó vô tình góp phần tạo nên nhiều khó khăn cho DN khác như ta đã biết. Nếu như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) không được mấy tỉnh muốn xin mua lại dự án đóng tầu cho tỉnh mình thì có thể PVN còn mệt nữa...

Nhớ lại thời kỳ Chính phủ quyết định tái cấu trúc Vinashin bằng cách " gả" các con của tập đoàn Vinashin cho mấy đại gia khác, tôi cũng đã cảm thấy chưa ổn lắm nhưng khi viết báo thì cũng không đủ bản lĩnh phản biện. Nhưng rồi cũng hy vọng đó là cách tháo gỡ đã có tính toán kỹ . Có lẽ là do mình nghĩ chưa tới mà những người có trách nhiệm của đất nước ngày đó phát biểu trên nghị trường ,với trách nhiệm cao của mình, họ đã tính kỹ hơn rồi chăng ?

Nói như người của PVN khi nhận 5 đơn vị của Vinashin về , ông Vũ Quang Nam, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn PVN đã rất tự tin trả lời với phóng viên Cổng Thông tin Chính phủ ( có thể đây cũng là một chủ trương của công tác truyền thông ngày đó ) rằng : Tôi xin khẳng định là PVN nhận các doanh nghiệp/dự án này không chỉ đơn thuần là do Chính phủ giao, mà PVN đã chủ động làm việc với lãnh đạo cao nhất của Vinashin để bàn phương án hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh và đề nghị Vinashin nhượng lại một số dự án Vinashin đang đầu tư như dự án tại Nghi Sơn -Thanh Hoá, Soài Rạp- Tiền Giang, Nhơn Trạch- Đồng Nai...nhưng vì lý do khác nhau mà Vinashin chưa đồng ý.

Rồi ông Nam " chốt " xanh rờn : "Nay Chính phủ quyết định chuyển giao các dự án này sang cho PVN thì đó là điều rất thuận lợi cho PVN". (Theo Chinhphu.vn 13/12/2010) .

Người viết bài này cho rằng, những người phát biểu như trên, hoặc họ quá tự tin nên nói vậy, hoặc họ cũng phải nói vậy một cách miễn cưỡng do tình thế lúc đó đang nhạy cảm trước Đại hội Đảng toàn quốc. Mà biết đâu,vì mưu tính cá nhân,người ta nói để cho an dân ?

Phần kết luận của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khi ông kết luận Hội nghị Trung ương 5 vừa rồi về tái cơ cấu, đổi mới DNNN đã khá rõ ràng. Nhưng người viết bài này vẫn băn khoăn và không thoả mãn khi chưa thấy Hội nghị dành nhiều thời gian mổ xẻ những bất cập khi vấn đề tái cấu trúc doanh nghiệp đã bảy năm qua, xem nó hay/ dở ra sao một cách căn cơ.

Điều đáng mừng, tại một Hội nghị gần đây ở Bộ Công Thương, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã tỏ ra khá cứng rắn trước những dự án đắp chiếu của ngành Công Thương lâu này đổ tiền đổ sức vào mà chẳng ra sao và đã cho hướng xử lý, thà đau một lần.

Tinh thần chỉ đạo của Chính phủ khá rõ khi Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về xử lý các dự án yếu kém của ngành Công Thương nói : “Bệnh chung thứ nhất của 12 dự án, nhà máy là khi lập dự án, phê duyệt dự án thì làm rất nhanh nhưng khi tổ chức thực hiện, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản rất trì trệ, vướng mắc pháp lý với các nhà thầu EPC, điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng thêm 43% so với dự toán, nhiều dự án kéo dài tới giờ chưa xong, có nhà máy xong rồi nhưng không hoạt động được”.

Bệnh thứ 2 là khi lập phương án đầu tư, sản xuất kinh doanh thì thông số đầu vào khả quan, chi phí sản xuất thấp và giá trị đầu ra cao nhưng khi vận hành thì thông số đầu vào cao còn giá trị đầu ra thì thấp..."

Trong số 12 dự án nghìn tỷ, việc giải cứu, xử lý 5 dự án thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN) gặp khó khăn nhiều hơn.

Cũng tại buổi làm việc với PVN mới đây, thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cũng yêu cầu lãnh đạo PVN và các đơn vị thành viên phải quyết liệt hơn nữa xử lý 5 dự án này. Trong đó, có 2 dự án là Ethanol Phú Thọ và Nhà máy đóng tàu Dung Quất, Bộ Công Thương thống nhất phương án là dừng dự án và tiến hành phá sản công ty, đồng thời đề nghị PVN làm việc với cổ đông để thực hiện lộ trình này.

Đó cũng là tín hiệu dứt khoát tuy chẳng mừng gì, nhưng có lẽ cũng là hợp lý và cần thiết trong giai đoạn này.

Có thể thấy, hiện nay, với các tập đoàn tư nhân, việc tái cấu trúc doanh nghiệp có những dấu hiệu cho thấy hiệu quả rõ ràng. Nhưng với các tập đoàn kinh tế nhà nước, hoạt động tái cơ cấu còn nhiều điểm tắc. Mỗi khi họ thực hiện tái cấu trúc thường bộc lộ nhiều hạn chế, kém hiệu quả kinh tế được lưu cữu kéo dài.

Nguyên nhân sâu xa ? Nói như Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa nêu thì "khi lập phương án đầu tư, sản xuất kinh doanh thì thông số đầu vào khả quan, chi phí sản xuất thấp và giá trị đầu ra cao nhưng khi vận hành thì thông số đầu vào cao còn giá trị đầu ra thì thấp..."

Phải chăng đó là thứ bệnh cố hữu" nói như rồng leo/ làm như... ?". Còn vẽ được ra dự án thì còn được chi tiền để làm. Và kết quả thì ai cũng thấy. Rất tệ !

Tôi thì còn thấy thêm: việc quyết toán xây dựng công trình có vốn nhà nước thì thường rề rà, bị đẻ số kinh hoàng và nhiều công trình vài năm sau chưa quyết toán được. Chuyện này thường chỉ có ở DNNN chứ DNTN lại không thấy.

Từ câu chuyện trì trệ và kém hiệu quả trong xây dựng dự án và sản xuất ở 12 đơn vị thuộc bộ Công Thương, đã đến lúc không thể chấp nhận làm kinh tế bằng mọi giá. Ngay như việc làm kinh tế mà đặt nặng mục tiêu chính trị thì cũng cần phải cân nhắc và hết sức hạn chế. Cần phải nhanh chóng chấn chỉnh là thay đổi tư duy, thay đổi cách làm với quyết tâm cao của cả bộ máy để tạo nguồn lực đủ mạnh cho quá trình tái cơ cấu, rút ngắn khoảng cách giữa lời nói và việc làm, đặc biệt lưu ý đến nguồn nhân lực chất lượng cao bởi đó mới là lực lượng đủ tầm thực thi những vấn đề hệ trọng của nền kinh tế, nhất là lúc thế giới đã và đang tiếp cận cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Đây là điều vài năm gần đây Đảng ta cũng đã ít nhiều chấn chỉnh, Chính phủ cũng hơn một lần đề cập và chỉ ra hướng cần đi. Chí ít cũng không còn kiểu làm ăn như trước. Và đó là điều đáng mừng, chúng ta cần hưởng ứng và tiếp tục theo dõi với tinh thần mà Nghị quyết Trung ương 5 đã đề ra.

Quốc Phong