Tái cấu trúc ngân hàng: Lo ngại “vật cản” lợi ích nhóm

(Dân trí) - Theo nhìn nhận của WB, lợi ích nhóm có thể là một cản trở với hoạt động tái cơ cấu ngân hàng do tình trạng sở hữu chéo vẫn còn phổ biến mặc dù NHNN đã ban hành các quy định - do đó, tất yếu phải tăng cường minh bạch và công khai.

World Bank lo ngại nhóm lợi ích cản trở tiến độ tái cấu trúc ngân hàng

Giám đốc NH Thế giới tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa (ảnh: B.D).

Theo đánh giá tại báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố tại Hội nghị giữa kỳ Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam chiều nay 4/6, trong những năm gần đây, hoạt động của khu vực ngân hàng bị ảnh hưởng đáng kể trước hết bởi tình trạng mất ổn định kinh tế vĩ mô và tiếp theo là những thay đổi trong chính sách tiền tệ nhằm bình ổn nền kinh tế.

Lạm phát cao dẫn đến tình trạng chênh lệch nghiêm trọng về kỳ hạn giữa các khoản tiền gửi và các khoản vay, khi có đến 90% các khoản vay trong khu vực ngân hàng có kỳ hạn 30 ngày hoặc ngắn hơn (ở những ngân hàng nhỏ, ít danh tiếng hơn tỉ lệ này thậm chí lên đến 97-98%).

Lãi suất thỏa thuận và tình trạng di chuyển tiền gửi từ ngân hàng này sang ngân hàng khác đã trở nên phổ biến cho đến khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Chỉ thị 02 để khắc phục. Sau nhiều năm tăng trưởng tín dụng cao, các ngân hàng Việt Nam phải điều chỉnh để chuyển sang một giai đoạn tăng trưởng tín dụng chậm, thậm chí là âm. Hệ quả của việc này là các ngân hàng không mở rộng được danh mục cho vay trung hạn và dài hạn, và thường dành các khoản vay cho các khách hàng lớn, quen biết, trong khi đó các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải chịu thiệt thòi.

Báo cáo của WB đưa ra quan ngại về chất lượng tài sản của ngân hàng ngày càng tăng, đặc biệt trong bối cảnh tình hình tài chính khó khăn của một số khách hàng lớn, chủ yếu các doanh nghiệp bất động sản và DNNN.

Theo đó, tỉ lệ nợ xấu đã tăng từ 2,2% tài sản vào thời điểm cuối năm 2010 lên 3,6% vào tháng 3/2011, song thực tế còn cao hơn nếu đánh giá theo các chuẩn mực quốc tế. "Dư luận nghi ngờ về quy mô thực sự của các khoản nợ xấu, vì cho vay bất động sản theo con số thống kê chính thức chỉ chiếm một phần mười danh mục cho vay của ngân hàng, và các khoản nợ liên quan đến bất động sản (tài sản thế chấp) theo thống kê chính thức chiếm đến 60% tổng danh mục" - trích báo cáo.

 Lộ trình tái cơ cấu diễn ra chậm chạp

Đánh giá về tiến trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng của Việt Nam hiện tại, WB cho rằng, hoạt động này đến nay vẫn còn diễn ra chậm chạp.

Theo đó, hồi tháng 12/2011, NHNN công bố việc hợp nhất ba ngân hàng có mức nợ xấu cao (SCB, Tín Nghĩa, Ficombank), trong đó BIDV đóng vai trò hỗ trợ, tư vấn (dưới sự chỉ đạo và hỗ trợ của NHNN). Trong Quý 1, NHNN tuyên bố quyết tâm tái cơ cấu mạnh mẽ 8 ngân hàng thương mại yếu nhất nằm trong nhóm 4 theo phân loại ngân hàng. Tuy nhiên, cho đến nay mới có một trường hợp sáp nhập, trong đó Ngân hàng SHB, một ngân hàng tầm trung mua lại Habubank, một ngân hàng nhỏ gặp khó khăn nghiêm trọng về nợ xấu.

Nỗ lực đồng bộ nhất cho tới nay trong lĩnh vực này là Quyết định 254 của Thủ tướng về Đề án “Cơ cấu lại Hệ thống tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015”. Quyết định này tạo ra một hành lang rộng để xử lý các ngân hàng yếu kém, và đề ra một loạt chỉ tiêu cần phải đạt được cho đến năm 2015. Quyết định này cũng đưa ra các phương án tái cơ cấu, bao gồm việc để NHNN trực tiếp mua lại vốn chủ sở hữu của các ngân hàng yếu kém, tăng tỉ lệ sở hữu cho các ngân hàng nước ngoài tại các tổ chức tín dụng trong nước, khuyến khích các ngân hàng mạnh hơn mua lại các khoản vay và tài sản có chất lượng tốt từ các ngân hàng yếu kém, và cho phép các ngân hàng bán nợ xấu cho Công ty Mua bán Nợ và Tài sản tồn đọng (DATC).

Tuy nhiên, việc thực hiện đề án này trên thực tế cũng như việc cân nhắc phương án tái cơ cấu nào cùng những hàm ý liên quan hiện nay vẫn còn đang được bàn thảo.

WB cho rằng, có nhiều khó khăn thách thức để thực hiện kế hoạch tái cơ cấu một cách thành công. Mặc dù những khía cạnh "mềm" của quá trình tái cơ cấu như tăng cường năng lực, quản lý rủi ro hay quản trị doanh nghiệp có thể dễ dàng nhận thấy hơn, song chất lượng của danh mục kinh doanh của các ngân hàng đang gặp khó khăn lại phải đặt dấu hỏi. 

Do vậy, tổ chức này lưu ý, cần phải có năng lực và các công cụ chẩn đoán để hiểu rõ quy mô của vấn đề trong thời gian trước mắt, nhằm đánh giá được một cách hợp lý chi phí tiềm năng của quá trình tái cơ cấu và huy động được nguồn lực cần thiết để thực hiện lộ trình vạch ra.

Theo đó, nếu như các tổ chức tài chính yếu kém và hoạt động không hiệu quả không được khuyến khích rút lui một cách hợp lý thông qua mua bán và sáp nhập hoặc phá sản có kiểm soát, thì họ sẽ tiếp tục làm cho cả hệ thống yếu theo, và như vậy thì chi phí tái cơ cấu sẽ có thể tăng lên rất nhiều.

Do vậy, theo WB, có thể cần phải xây dựng một khung kế hoạch dự phòng (để chuẩn bị đối phó với khủng hoảng).

Cần một khuôn khổ về phá sản và tái cấu trúc đầy đủ

Bản báo cáo của WB cũng lưu ý, hoạt động tham vấn và phối hợp giữa các bên có liên quan cũng rất quan trọng, vì trách nhiệm cuối cùng trong việc thực hiện kế hoạch thuộc về các tổ chức tín dụng.

"Về mặt này, lợi ích nhóm có thể là một cản trở vì tình trạng sở hữu chéo của doanh nghiệp trong khu vực ngân hàng vẫn còn rất phổ biến mặc dù NHNN đã ban hành các quy định có liên quan nhằm hạn chế tác động tiêu cực từ các bên có liên quan khác nhau đối với các quyết định tái cơ cấu một tổ chức tín dụng".

Điều tất yếu theo WB là phải tăng cường minh bạch và công khai thông tin, song hiện nay, khía cạnh này vẫn còn nhiều hạn chế trong việc giảm thiểu rủi ro và tác động tiêu cực do thiếu thông tin. Hành lang pháp lý về hệ thống ngân hàng hiện nay chưa theo kịp với những tiêu chuẩn và thực tiễn quốc tế tốt nhất. Một khuôn khổ về phá sản và tái cấu trúc doanh nghiệp đầy đủ vẫn là một vấn đề khó khăn và cần phải được xem xét kỹ lưỡng.

Báo cáo tại phiên làm việc không chính thức thảo luận về nội dung kinh tế vĩ mô chiều nay, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải  cho biết, trong lộ trình tái cơ cấu ngân hàng, đến nay, một số NHTMCP đã và đang tiến hành sáp nhập, hợp nhất theo nguyên tắc tự nguyện, đồng thời các NHTMCP này đang tích cực triển khai các giải pháp cơ cấu lại tài chính, hoạt động và quản trị sau sáp nhập, hợp nhất.

Sau vụ sáp nhập SCB, hiện nay, Tổ giám sát và các Vụ, Cục của NHNN đang tích cực phối hợp với SCB xây dựng phương án tái cơ cấu ngân hàng hợp nhất này ở giai đoạn tiếp sau hợp nhất.

Ngoài ra, 6 NHTMCP yếu kém khác cũng được NHNN kiểm soát chặt chẽ và các NH này cũng đang tích cực xây dựng phương án tái cơ cấu trình NHNN phê duyệt.

Tại nhiều NHTMCP yếu kém đang trong quá trình cơ cấu lại, huy động vốn vẫn không bị sụt giảm. Sự trở lại của các khoản tiền gửi mới tại các NHTMCP cho thấy niềm tin của công chúng vào quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã được duy trì ổn định ngay từ giai đoạn đầu.

Bích Diệp