WB: Việt Nam cần nỗ lực tái cơ cấu ngân hàng
Trọng tâm của Hội nghị Nhóm các nhà tư vấn tài trợ diễn ra ngày 2/12 tới không phải là đàm phán con số ODA cho Việt Nam bao nhiêu mà là đối thoại về những vấn đề căn cơ của tăng trưởng kinh tế Việt Nam, đặc biệt là tái cơ cấu tài chính, ngân hàng.
Với chủ đề gắn bó mật thiết với tình hình của Việt Nam: "Tái cơ cấu kinh tế và giảm nghèo", CG kỳ này bàn tập trung vào một trong 3 lĩnh vực của "gói" tái cơ cấu nền kinh tế mà Chính phủ Việt Nam đã công bố, đó là lĩnh vực tài chính - ngân hàng.
Cần nhận biết sớm những tín hiệu xấu
Chia sẻ tại cuộc họp báo về CG chiều 30/11, ông Simon Andrews, Giám đốc khu vực của Công ty Tài chính quốc tế (IFC) cho biết, tái cơ cấu khu vực ngân hàng sẽ là một mục tiêu quan trọng hàng đầu để giúp tái cơ cấu nền kinh tế thành công.
Ngân hàng là kênh huy động vốn chủ yếu cho mọi hoạt động sản xuất kinh doanh nên đó cũng là nơi có ý nghĩa quyết định tới việc phân bổ nguồn lực có hiệu quả hơn hay không trong tương lai.
Với phân tích này, ông Simon Andrews cho rằng ngân hàng tài chính là khu vực đầu tiên mà Việt Nam cần nỗ lực tập trung "xử lý" trong tổng thể chương trình tái cơ cấu nền kinh tế.
Đồng chủ trì họp báo, bà Victoria Kwak kwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cũng đánh giá, rõ ràng hạn chế đầu tiên ở lĩnh vực tài chính Việt Nam là hệ thống ngân hàng hiện nay không đủ vốn. Tỷ lệ nợ xấu hay những khoản vay có nguy cơ không đòi được của các ngân hàng vẫn đang ngày càng tăng, đặc biệt là những thàng gần đây. Rủi ro thanh khoản trong hệ thống ngân hàng cũng là yếu tố rủi ro trong nền kinh tế, như cho vay bất động sản... Vì thế, Việt Nam cần phải thay đổi và phải tái cơ cấu ngân hàng như một lĩnh vực ưu tiên nhất.
Bà phân tích: "Có rất nhiều vấn đề mà chúng ta cần giải trình trên cơ sở thực tiễn đúng đắn như làm thế nào giải quyết được vấn đề nợ xấu của các ngân hàng? Những trường hợp cho vay không đòi lại được giải quyết như thế nào? Rủi ro ngân hàng phải được đánh giá chính xác dựa trên các phân tích kinh tế, làm cơ sở hoạt động chắc chắn cho hệ thống ngân hàng. Trong đó, việc thanh tra, giám sát ngân hàng là rất quan trọng, đảm bảo Ngân hàng Nhà nước có thể theo dõi và nhận biết sớm những tín hiệu xấu trong hệ thống ngân hàng".
Tóm lược báo cáo cập nhất phát triển kinh tế Việt Nam, ông Deepak Mishra, chuyên gia kinh tế trưởng của WB đánh giá, các thách thức và tồn tại mang tính truyền thống của Việt Nam vẫn còn đó như nợ nước ngoài ngày càng cao và càng trở nên xấu hơn. Tổng nợ nước ngoài ước tính đã lên tới 42% so với cuối năm 2010 và tăng 10 điểm phần trăm so với cuối 2007. Phần lớn khoản nợ là tăng từ nguồn không có bảo lãnh Chính phủ, từ tư nhân và khu vực doanh nghiệp Nhà nước vay.
Tuy nhiên, vị chuyên gia kinh tế trưởng của WB cho hay, mặc dù sự ổn định kinh tế vĩ mô nhờ Nghị quyết 11 còn mong manh nhưng khi tái cơ cấu lĩnh vực tài chính tốt, sẽ giúp Việt Nam khôi phục lại một môi trường kinh tế vĩ mô bền vững và đặt nền móng cho hiệu quả cao hơn để tăng trưởng.
"WB, IMF và IFC đã thảo luận nhiều với Chính phủ Việt Nam về vấn đề này. Chúng tôi cũng đang có chương trình xem xét đánh giá lại toàn bộ hệ thống tài chính ngân hàng Việt Nam để có nghị trình cải cách trong tương lai", bà Victoria Kwakwa cho biết.
Khó dự báo con số ODA cho Việt Nam năm 2012
Một vấn đề đáng quan tâm khác nổi lên là nguồn vốn ODA hỗ trợ cho Việt Nam năm nay sẽ được các nhà tài trợ quốc tế 'tính toán" như thế nào, liệu có sụt giảm hay không khi mà kinh tế toàn cầu đang ảm đảm, khủng hoảng và nợ công, hầu hết các nước phát triển đang rất khó khăn?
Đồng cảm với mối băn khoăn này, bà Victoria Kwak kwa bày tỏ: "Chúng tôi tin tưởng rằng Việt Nam không lệ thuộc vào nguồn viện trợ mà có thể tự đảm bảo chủ động nguồn tài chính của mình. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn, trọng tâm đối thoại giữa Chính phủ Việt Nam và các nhà tài trợ sắp tới không phải là con số viện trợ ODA bao nhiêu. Vấn đề quan trọng hơn là Việt Nam sẽ nhận được sự hỗ trợ về kỹ thuật, nâng cao năng lực và chia sẻ kinh nghiệm từ các quốc gia khác".
Cũng vì lẽ đó, bà Victoria Kwak kwa cho hay không thể dự báo nói trước được con số ODA mà Việt Nam có thể nhận được là bao nhiêu. Tuy nhiên, bà khẳng định tinh thần chung là các nước vẫn cam kết ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam thực hiện các mục tiêu tăng trưởng bền vững của mình.
Theo Phạm Huyền
VEF