Tắc kênh đào Suez có thể gây áp lực lên lạm phát của Việt Nam?
(Dân trí) - Giá dầu tăng khi kênh đào Suez huyết mạch bị tắc nghẽn do sự cố, sự phục hồi kinh tế toàn cầu là một trong những nguyên nhân khách quan gây áp lực lạm phát của Việt Nam năm 2021.
Tổng cục Thống kê chỉ ra hàng loạt yếu tố có thể xem là áp lực dẫn đến lạm phát cao năm 2021, trong đó có giá dầu, sự hồi phục của nền kinh tế toàn cầu, các gói kích thích kinh tế của các cường quốc.
Ngày 29/3, Tổng cục Thống kê cho biết chỉ số giá tiêu dùng trong 3 tháng đầu năm 2021 tăng 0,29%, là mức thấp nhất trong 20 năm qua. Tuy nhiên, áp lực lạm phát năm 2021 vẫn rất lớn, tiềm ẩn rủi ro do cầu kéo và lực đẩy đang có sẵn.
Cụ thể, lực đẩy lạm phát do nền kinh tế bắt đầu phục hồi hậu Covid-19 do Việt Nam cùng nhiều nước có vắc xin. Giá xăng dầu đang tăng cao, bình quân quý I/2021 giá xăng tăng 11% so với tháng 12/2020.
Trong khi đó, giá xăng dầu thế giới đang biến động tăng do các nước OPEC vẫn chưa điều chỉnh sản lượng, các kế hoạch khai thác, sản xuất dầu thô trong điều kiện nền kinh tế hồi phục hậu Covid-19.
Đáng quan ngại hơn, việc tàu chở container mắc kẹt tại kênh đào Suez đe dọa gây giá dầu thế giới tăng cao cùng với hàng loạt chuyến hàng xuất, nhập khẩu của nhiều nước, trong đó có Việt Nam bị đình hoãn, tăng chi phí, đền bù hợp đồng.
Ngoài giá dầu, đại diện Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho rằng, việc Mỹ triển khai gói cứu trợ lên tới 1.900 tỷ USD là đợt bơm tiền kích thích kinh tế lớn nhất trong lịch sử nước này. Ngoài ra, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bên cạnh giữ nguyên lãi suất cơ bản cũng tranh thủ mua trái phiếu kích thích tăng trưởng. Đây là nguy cơ khiến lạm phát có thể phát sinh.
Trong khi đó, để hồi phục kinh tế hậu Covid-19, các cường quốc đã và đang lên kế hoạch thực hiện biện pháp nới lỏng tiền tệ, gây áp lực đến lạm phát, hoặc xuất khẩu lạm phát sang nước thứ 3 qua tài trợ vốn, đầu tư tư bản sang các nước nhận vốn đầu tư.
Theo bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê, Việt Nam nên điều chỉnh chi phí khám chữa bệnh vào tháng 7 hoặc tháng 8. Riêng với mặt hàng xăng dầu, liên Bộ Công Thương - Tài chính nên chỉ đạo sát sao thay đổi các diễn biến giá xăng dầu thế giới, kết hợp với quỹ bình ổn giá để giá xăng dầu tăng không quá cao. Đồng thời, ngân hàng Nhà nước cũng nên sử dụng linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để không tạo áp lực lạm phát năm 2021.
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng, Tổng cục Thống kê cho biết, gói kích cầu 1.900 tỷ USD của Mỹ gây áp lực rất lớn không chỉ giá xăng dầu, chi phí đi lại, vận chuyển mà còn tăng giá nhiều mặt hàng thiết yếu của kinh tế toàn cầu. "Tại Việt Nam, áp lực lạm phát lớn nhất là giá các dịch vụ do Nhà nước quản lý sẽ được điều chỉnh trong thời gian tới", bà nói.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng vì đời sống người dân, các cơ quan chức năng cần cân đối xem xét hài hòa việc tăng giá thế nào cho hợp lý để tránh tác động đến lạm phát, đồng thời đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội, tránh tác động lớn đến đời sống người dân, doanh nghiệp.
Về vụ tàu hàng container mắc cạn tại kênh đào Suez, mới đây, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết sự cố tắc nghẽn này đe dọa tới xuất khẩu thủy sản Việt Nam, nếu tiếp tục kéo dài thì thiệt hại cho doanh nghiệp Việt sẽ càng lớn.
Theo ông này, châu Âu là một thị trường quan trọng của thủy sản xuất khẩu Việt Nam, với doanh số trên 1 tỷ USD/năm. Chính vì thế, sự cố trong chuỗi cung ứng sẽ tác động mạnh đến ngành. Các doanh nghiệp Việt vừa phải lo chi phí thuê container tăng trong thời gian gần đây vừa phải lo chi phí thuê tàu tăng cao do phải thay đổi lịch trình khi tuyến hàng hải huyết mạch thế giới vẫn chưa được khai thông.
"Nếu sự cố ở Suez không được giải quyết sớm, các hãng tàu buộc phải chuyển hải trình đi qua châu Phi, thời gian tăng lên ít nhất 1 tuần lễ. Theo đó, giá cước vận tải chắc chắn sẽ tăng lên", ông Hòe cho biết.