Tác động cuộc thương chiến Mỹ - Trung: Ứng xử như thế nào thị trường tỷ dân?

(Dân trí) - Nhắc đến việc “bớt phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc”khi tận dụng cơ hội từ cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc, một số chuyên gia bày tỏ: Tại sao không nghĩ đến việc tận dụng, tiếp cận tốt hơn một thị trường rộng lớn hàng tỷ dân như Trung Quốc?

Tác động cuộc thương chiến Mỹ - Trung: Ứng xử như thế nào thị trường tỷ dân? - 1
Nếu có chiến lược tốt hơn, Việt Nam vẫn có cơ hội tiếp cận tốt hơn một thị trường rộng lớn hàng tỷ dân như Trung Quốc.

Cần có “tư duy mềm mại hơn” trong mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung kể từ khi diễn ra vào đầu tháng 7/2018 với quy mô áp thuế 68 tỷ USD tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu sang nhau của hai bên, tới nay đã leo thang lên 260 tỷ USD.

Phạm vi cuộc chiến cũng không chỉ gia tăng ở diện hàng hóa bị áp thuế của mỗi bên từ 924 mặt hàng lên 10.745 mặt hàng, mà còn lan sang cả các lĩnh vực khác như đầu tư, khoa học công nghệ, sở hữu trí tuệ, tài chính - tiền tệ...

Cảnh báo về những tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, giáo sư Michael George Plummer, hiệu trưởng trường Nghiên cứu quốc tế tiên tiến (SAIS), Đại học Johns Hopkins, Italy từng cho biết ông "không cho rằng Việt Nam được hưởng lợi xét về tổng thể".

Bởi kinh tế Trung Quốc bị suy giảm có thể dần dẫn tới tác động tiêu cực đến hàng xuất khẩu của Việt Nam. Chiến tranh thương mại kéo dài có thể khiến đồng Nhân dân tệ bị mất giá và hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trở nên đắt đỏ hơn.

Trong khi đó, một số nhà phân tích trong nước lại nhận định chiến tranh thương mại sẽ giúp Việt Nam có thêm động lực để đa dạng kinh tế, bớt phụ thuộc vào Trung Quốc.

Bình luận về nhận định trên với Dân trí, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, theo logic thì có thể đúng là như thế, tức là khi hàng Trung Quốc giảm bớt vào Mỹ thì hàng Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận tốt hơn vào thị trường này. Việt Nam cũng sẽ nơi “thế chân” cho Trung Quốc, đón nhận nhiều luồng vốn đầu tư mới khi các nhà đầu tư rút chạy khỏi Trung Quốc.

“Về lý thuyết là vậy, nhưng thực tế thì cần phải có thời gian, có số liệu thống kê thực tế mới thấy được”, ông Phong bình luận.

Nhắc đến vế thứ hai “bớt phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc”, vị chuyên gia cho rằng: Tại sao không nghĩ đến việc tận dụng, tiếp cận tốt hơn một thị trường rộng lớn hàng tỷ dân như Trung Quốc?

“Nếu chúng ta khôn ngoan hơn, trưởng thành hơn thì hoàn toàn có thể tận dụng tốt cơ hội khi giáp một thị trường lớn với quy mô cả tỷ dân như Trung Quốc. Nếu khai thác tốt, chúng ta sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn ngay gần kề, tiết kiệm con số chi phí vận chuyển khổng lồ”, chuyên gia Nguyễn Minh Phong nói và cho rằng cần có “tư duy mềm mại hơn” trong mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc.

Số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, 5 tháng đầu năm, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 16,74 tỷ USD, tăng gần 70% so với cùng kỳ 2018. Đáng lưu ý là nguồn vốn đến từ Trung Quốc tăng mạnh, đạt 2 tỷ USD ở tất cả hợp phần mà riêng phần đăng ký cấp mới là 1,56 tỷ USD, tăng 450% so với con số 280 triệu USD cùng kỳ 2018.

Tính đến hết tháng 5, Trung Quốc vẫn dẫn đầu về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới. Năm 2019 cũng là năm đầu tiên ghi nhận vốn FDI đăng ký cấp mới từ Trung Quốc vươn lên dẫn đầu.

Nói về con số vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng một cách mạnh mẽ, ông Nguyễn Minh Phong cho rằng: Đối với bất kỳ dòng vốn nào, cũng cần có những chọn lọc, có chiến lược trong thu hút đầu tư, tăng hàng rào kỹ thuật, tăng kiểm tra, tăng giám sát, tăng trách nhiệm lên….

Không quan trọng là thị trường nào, quan trọng là cách làm của mình ra sao?

Bên cạnh một số thị trường như Mỹ, Thái Lan, Hàn Quốc… hiện Trung Quốc chính là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam từ trước tới nay.

Chủ doanh nghiệp là người biết rõ cái nào tốt nhất cho doanh nghiệp mình, mua bán của Trung Quốc vẫn diễn ra sôi động vì thuận lợi và hàng hóa giá rẻ, phong phú. Nhưng về lâu dài, doanh nghiệp Việt Nam cần đa dạng hóa đầu ra cho sản phẩm của mình và tìm những thị trường mới, phát triển thế mạnh mới, lợi thế cạnh tranh mới.

“Chúng ta không nên quá lo nghĩ làm sao để giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, mà làm thế nào thay đổi cách làm ăn, tăng cường khả năng cạnh tranh của Việt Nam ra bên ngoài. Đó mới là điều cốt lõi”, một vị chuyên gia nhấn mạnh.

Quả thực, bất kể quan điểm của mọi người về Trung Quốc là thế nào, thị trường này vẫn đóng vai trò vô cùng quan trọng cho kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Tính đến thời điểm này, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Theo TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, VN với đặc điểm là nền kinh tế mở nên không thể tránh khỏi tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung leo thang, có thể là ngắn hạn, dài hạn và nhiều chiều. Trong những tác động đó có tiêu cực lẫn cơ hội, nếu VN có thể tận dụng được cơ hội sẽ vừa giảm thiểu tác động tiêu cực, vừa tận dụng tăng thêm những giá trị cho quá trình phát triển.

Nhiều chuyên gia cho rằng, ở đâu cũng vậy, nhà đầu tư, doanh nghiệp luôn tìm cách tối đa hóa lợi nhuận cho mình. Mục đích đó khi đi kèm với thể chế yếu kém tất yếu sẽ dẫn đến thiệt thòi cho nước tiếp nhận, như chúng ta đã chứng kiến trong thời gian qua. Vấn đề chính đang nằm ở phía chúng ta, chứ không hẳn “đổ lỗi” hay bài trừ một cách cực đoan khi thấy bóng dáng “Trung Quốc”.

Chính vì vậy, bên cạnh việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam cũng cần sàng lọc, tiếp nhận các dự án đầu tư theo hướng thu hút đầu tư vào các ngành có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, thân thiện môi trường.

Đồng thời với đó là nâng cao chất lượng, cải tiến công nghệ khoa học, tiếp cận tốt hơn với các thị trường, không loại trừ thị trường nào…

Nguyễn Khánh