Tác động cuộc thương chiến Mỹ - Trung: Không dễ giảm phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc

(Dân trí) - Trong cuộc trò chuyện với Dân trí, TS. Trần Toàn Thắng, Trung tâm Thông tin và Dự báo Xã hội Quốc gia (NCIF), Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại cho rằng “khó có chuyện sẽ giảm bớt phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc” dưới sự tác động từ cuộc thương chiến. Cũng theo vị này, “nếu đơn thuần là lợi ích thương mại thì phụ thuộc hay không cũng không quan trọng”.

Tác động cuộc thương chiến Mỹ - Trung: Không dễ giảm phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc - 1

Nếu có chiến lược tốt hơn, Việt Nam vẫn có cơ hội tiếp cận tốt hơn một thị trường rộng lớn hàng tỷ dân như Trung Quốc.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bắt đầu diễn ra từ tháng 7/2018. Đến đầu tháng 5/2019, cuộc chiến này tiếp tục leo thang. Nó được dự báo sẽ ảnh hưởng tới kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam.

Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam sẽ nhận tác động cả về yếu tố thuận lợi và tiêu cực. Về mặt tích cực, một số nhà phân tích cho rằng chiến tranh thương mại sẽ giúp Việt Nam có thêm động lực để đa dạng kinh tế, bớt phụ thuộc vào Trung Quốc.

Trong cuộc trò chuyện với Dân trí, TS. Trần Toàn Thắng, Trung tâm Thông tin và Dự báo Xã hội Quốc gia (NCIF), Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại cho rằng “khó có chuyện sẽ giảm bớt phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc” dưới sự tác động từ cuộc thương chiến.

Ông Thắng nói: Trong nhiều năm trở lại đây, chúng ta vẫn thường đề cập đến giảm lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên với tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, tôi cho rằng có thể sự phụ thuộc thậm chí còn tăng lên.

Các lỗ hổng thị trường ở Trung Quốc có thể làm tăng xuất khẩu từ Việt Nam, tương tự thế, lợi thế về giá khiến các sản phẩm từ Trung Quốc sẽ tiếp tục gây sức ép đến thị trường hàng hóa trong nước. Như vậy nhận định giảm phụ thuộc sẽ càng khó khăn hơn.

Tuy nhiên, cũng cần phải nói thêm rằng, bản chất việc phụ thuộc thương mại thể hiện lợi thế cạnh tranh của mỗi nước. Nếu đơn thuần là lợi ích thương mại thì phụ thuộc hay không cũng không quan trọng.

Và cũng không gì bất thường khi Việt Nam có mối quan hệ kinh tế sâu sắc với Trung Quốc bởi đây là nền kinh tế hàng đầu thế giới, quy mô thị trường lớn, là nơi nhắm tới của mọi doanh nghiệp. Trong khi chúng ta lại nằm ngay gần kề.

Tác động cuộc thương chiến Mỹ - Trung: Không dễ giảm phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc - 2
TS. Trần Toàn Thắng, Trung tâm Thông tin và Dự báo Xã hội Quốc gia (NCIF), Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Lo ngại về hàng chất lượng thấp thực tế là tùy thuộc vào phía Việt Nam vì hàng hóa Trung Quốc thực tế đã chứng tỏ có rất nhiều cấp độ về chất lượng, chủng loại. Việc hàng hóa Trung Quốc thâm nhập vào rất nhiều quốc gia cho thấy điều đó.

Bên cạnh đó, nhìn vào số liệu thống kê có thể thấy, cơ cấu nhập khẩu hàng từ Trung Quốc vào Việt Nam cũng đã có nhiều thay đổi, hàng tiêu dùng giảm xuống thay vào đó là nguyên liệu sản xuất. Hình ảnh về hàng Trung Quốc toàn chất lượng thấp cũng đã dần thay đổi.

Đề cập đến nguyên liệu, máy móc thiết bị nhập khẩu từ Trung Quốc, nhiều nỗi lo về công nghệ lạc hậu, ông nghĩ sao?

Doanh nghiệp khi nhập khẩu máy móc, thiết bị họ có bài toán lợi ích riêng. Có thể họ nhập khẩu dây chuyền công nghệ thấp nhưng giá rẻ để khấu hao nhanh sau đó nhập khẩu công nghệ cao hơn. Hoặc vì lợi ích ngắn hạn mà chấp nhận.

Tuy nhiên, thấp hay cao là do tính toán riêng của mỗi doanh nghiệp. Nhà nước chỉ có thể và cũng chỉ nên kiểm soát xem máy móc công nghệ đó có dẫn đến nguy cơ phát thải môi trường lớn hoặc khai thác tài nguyên cạn kiệt hoặc ảnh hưởng tiêu cực tới các khía cạnh chung khác của xã hội thôi.

Mô hình kinh doanh của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào kim ngạch thương mại với Trung quốc. Trong khi những hàng hóa Trung Quốc dễ dàng tràn ngập thị trường Việt Nam thì ở chiều ngược lại chúng ta vốn đã không làm tốt giờ lại thêm yếu tố cạnh tranh về giá. Vậy theo ông, nên làm như thế nào để có thể tận dụng thị trường rộng lớn hàng tỷ dân như Trung Quốc?

Có hai vấn đề mà xuất khẩu sang Trung quốc chưa thể tăng nhanh được. Thứ nhất là mức độ tương đồng trong xuất khẩu của Việt Nam và Trung Quốc là khá cao (mặc dù đang giảm đi nhanh). Hai là chưa có cách tiếp cận dài hạn. Với vấn đề thứ nhất, nhìn vào cơ cấu hàng hoá thì Việt Nam không có nhiều sản phẩm cạnh tranh, cũng không có sự khác biệt quá nhiều với hàng hoá Trung Quốc, chưa kể giá thành lại cao nên khó tiếp cận được với thị trường này. Thay đổi điều này đòi hỏi rất nhiều thời gian.

Với vấn đề thứ 2, là do thói quen xuất khẩu biên mậu từ trước đến nay làm chúng ta khó có các hợp đồng dài hơi, cũng như khó có cơ hội tìm kiếm tăng thêm đầu mối nhập hàng từ Trung Quốc.

Dòng vốn FDI từ Trung Quốc đang rót mạnh vào Việt Nam. Có lo ngại gì về luồng vốn FDI từ Trung Quốc?

Vốn FDI từ Trung Quốc chảy mạnh vào Việt Nam là điều không quá bất ngờ.

Từ năm 2018, giới quan sát và truyền thông đã nói nhiều về sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam. Hiện nay, chúng ta đang nhìn dòng đầu tư từ Trung Quốc theo kiểu đánh đồng với câu chuyện công nghệ thấp, phát thải nhiều, hành vi đầu tư không minh bạch như các doanh nghiệp lớn ở các quốc gia phát triển.

Nhưng rõ ràng, hệ lụy đó là do cơ chế kiểm soát của phía Việt Nam. Khi đã có vấn đề ở kiểm soát, thì không chỉ là nhà đầu tư Trung Quốc mà bất kể nhà đầu tư đến từ quốc gia nào cũng có thể lợi dụng khe hở để đem lợi ích cho họ.

Ví dụ về môi trường, hiện chúng ta mới chỉ tập trung nhiều vào phần nước thải, chứ còn khí thải và những tác động khác thì chưa kiểm soát được một cách đầy đủ.

Dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc đổ dồn vào Việt Nam là do tính toán riêng, ý chí chủ quan và sự lựa chọn riêng của nhà đầu tư. Chúng ta chỉ có thể tác động đến sự lựa chọn của họ bằng cách tạo ra môi trường đầu tư theo hướng tăng lợi ích dài hạn, giảm lợi ích ngắn hạn, hoặc nguy cơ bị trừng phạt cao khi các vi phạm xảy ra, có như vậy mới giảm được ảnh hưởng tiêu cực của đầu tư từ Trung Quốc.

Nguyễn Khánh