“Sức khỏe” của nền kinh tế Trung Quốc đang yếu nhất trong 30 năm
(Dân trí) - Trung Quốc cho biết tăng trưởng kinh tế trong năm 2019 đạt 6,1%, phù hợp với kỳ vọng, ngay cả khi có tranh chấp thương mại với Mỹ. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này thấp hơn mức 6,6% năm 2018 và chậm nhất kể từ năm 1990.
Theo Reuters, mặc dù số liệu GDP chính thức của Bắc Kinh được coi như một chỉ số về “sức khỏe” của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhưng nhiều chuyên gia bên ngoài từ lâu đã bày tỏ sự hoài nghi về tính xác thực từ các báo cáo của Trung Quốc.
“Mục tiêu tăng trưởng chính thức của Bắc Kinh năm 2019 là 6% đến 6,5%, và Phó Thủ tướng Trung Quốc Liu He cho biết rằng tăng trưởng GDP năm 2019 ước tính đã tăng hơn 6%” - Reuters đưa tin.
Hồ sơ của Reuters chỉ rõ, trong quý 3/2019, tăng trưởng GDP trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là 6% - tốc độ chậm nhất kể từ quý 1/1992.
Dữ liệu được đưa ra sau khi Tổng thống Donald Trump ký thỏa thuận thương mại một phần với Trung Quốc giữa tuần này, sau cuộc chiến thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc trong gần 2 năm.
Dữ liệu kinh tế khác của Trung Quốc cũng được công bố cùng với số GDP cho thấy, Trung Quốc đã có sự tăng trưởng về sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ trong tháng 12. Các nhà phân tích coi dữ liệu từ Bắc Kinh là một điểm tích cực, mặc dù vẫn có một số thận trọng về thỏa thuận thương mại một phần với Mỹ.
Ông Chaoping Zhu - chiến lược gia thị trường toàn cầu tại JP Morgan Asset Management - cho biết: Những bất ổn mà các doanh nghiệp Trung Quốc phải đối mặt đang giảm dần cùng với tiến trình đàm phán thương mại Mỹ-Trung kể từ tháng 12.
“Mặc dù chính phủ Mỹ duy trì hầu hết các mức thuế đối với các sản phẩm của Trung Quốc, việc ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một là một tín hiệu cho thấy tình hình khó có thể xấu đi, trong bối cảnh niềm tin của các công ty đang dần được cải thiện trong những tháng gần đây” - ông Zhu nói thêm.
Trong khi đó, ông Tom Rafferty - nhà kinh tế của Trung Quốc tại đơn vị tình báo kinh tế - thông tin rằng ông dự kiến tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giữ khoảng 6% cho đến cuối năm 2020, khi Bắc Kinh tiếp tục kích thích nền kinh tế.
“Mặc dù các doanh nghiệp và nhà đầu tư có thể tạm thở phào nhẹ nhõm sau một năm 2019 khó khăn, nhưng chúng ta vẫn cần phải lo lắng đối với triển vọng của Trung Quốc do tính chất mong manh của thỏa thuận thương mại và rủi ro tài chính vẫn rình rập ở thị trường Trung Quốc” - nhà kinh tế Rafferty nói.
Thùy Dung
Theo CNBC