1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Sức hút chứng khoán

Thị trường chứng khoán những ngày cuối tháng 3 đang có dấu hiệu bắt đầu một giai đoạn mới theo xu thế thị trường giảm giá. Trước đó, trong ba tháng đầu năm 2007, thị trường vẫn được xem là còn trong giai đoạn tăng giá, tiếp nối xu thế tăng giá đã kéo dài từ những tháng cuối năm 2006

Thị trường vẫn “khát”

 

Khép lại năm 2006 với phiên giao dịch cuối cùng ngày 29-12, VN-Index đã tăng 166,39%. Mức tăng này của năm 2006 được cho là khá nóng nhưng cũng ở thời điểm đó các chuyên gia chứng khoán đã nhận định sẽ còn tiếp tục nóng trong các tháng đầu năm 2007 trước khi thị trường có thể “bình tĩnh” hơn.

 

Trong gần ba tháng qua, ở sàn TPHCM, VN-Index đã tăng thêm hơn 45%; ở sàn Hà Nội, HASTC-Index đã tăng thêm đến 77%. Trong ba tháng qua, thị trường cũng chứng kiến VN-Index đã có lúc leo lên mức 1.170,67 điểm (phiên ngày 12-3) - mức cao nhất của thị trường tính đến nay. Khối lượng và giá trị giao dịch khớp lệnh của thị trường tăng khá nhanh. Nếu như trong các phiên giao dịch cuối năm 2006,  khối lượng mỗi phiên thường xuyên vào khoảng 5-6 triệu chứng khoán với giá trị khoảng 500 tỉ đồng thì hiện tại khối lượng giao dịch khớp lệnh bình quân 10 -11 triệu chứng khoán với giá trị trên dưới 1.000 tỉ đồng.

 

Sự chênh lệch về cung cầu vẫn là yếu tố được nhắc đến đầu tiên trong những lời bình luận về sức nóng của thị trường vào các tháng đầu năm nay. Tính từ tháng 1-2007 cho đến nay, số lượng nhà đầu tư mới gia nhập thị trường ngày càng nhiều hơn. Theo Trung tâm Giao dịch chứng khoán TPHCM, hiện tại đã có hơn 150.000 tài khoản giao dịch chứng khoán, tăng thêm gần 50% so với cuối năm 2006. Số lượng nhà đầu tư đông thêm đã kéo theo lượng cầu tăng mạnh, hơn nữa phần lớn lại chỉ tập trung vào các chứng khoán được đánh giá cao khiến càng tạo thêm căng thẳng về cung cầu dù rằng vào cuối năm 2006 hàng hóa trên thị trường đã gia tăng đáng kể với hàng loạt các công ty dồn dập lên sàn.

 

Trong bối cảnh đó, không ít lần các chuyên gia chứng khoán đã đề nghị nên bán mạnh thêm nữa phần vốn nhà nước đang nắm giữ và là vốn ở những công ty lớn, hoạt động tốt. Thực tế, từ đầu năm đến nay, rất nhiều công ty đang niêm yết đã phát hành thêm cổ phiếu mới, góp phần tạo thêm cung cho thị trường nhưng có vẻ như vẫn chưa làm dịu cơn “khát” cổ phiếu của nhà đầu tư.

 

Trong một nhận định khác vào đầu tháng 2-2007 sau khi VN-Index lần đầu tiên vượt qua ngưỡng 1.000 điểm, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng sự tăng trưởng đột biến của thị trường trong thời gian qua đã được dẫn dắt bởi một số cổ phiếu có giá cao, thoát ly các yếu tố cơ bản thể hiện kết quả sản xuất kinh doanh của các công ty niêm yết. Giá tăng liên tục, vượt xa giá trị thực có nguyên nhân do kỳ vọng quá lớn của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán, trước những triển vọng sáng sủa về sự đi lên của nền kinh tế Việt Nam. Kế đến, thị trường chứng khoán vẫn còn quá mới mẻ, nhiều nhà đầu tư vẫn còn chịu ảnh hưởng của tâm lý “đầu tư theo phong trào”. Ngoài ra, nhà đầu tư nhận định rằng các doanh nghiệp tham gia niêm yết chủ yếu là những doanh nghiệp nhà nước đã được định giá thấp khi thực hiện cổ phần hóa nên hy vọng là giá cổ phiếu vẫn rẻ so với những tính toán của họ...

 

 

 

Nhiều biện pháp quản lý được đưa ra

 

Sự tăng trưởng nóng của thị trường chứng khoán trong các tháng vừa qua cũng đã đồng thời bộc lộ một số bất ổn. Điều kiện hạ tầng yếu kém và quá tải trước sự tăng trưởng của thị trường từ cuối năm 2006 càng tệ hại hơn vào sau Tết Âm lịch 2007 khi lượng nhà đầu tư  tăng thêm, chen chúc tại các công ty chứng khoán. Đã xuất hiện những tình huống bị nghi ngờ là giao dịch nội gián, tác động đến tính minh bạch vốn là nguyên tắc hàng đầu của thị trường chứng khoán.

 

Việc thế chấp bất động sản để vay vốn đầu tư chứng khoán; việc cầm cố chứng khoán để vay tiền quăng trở lại vào thị trường chứng khoán đã làm tăng thêm mối lo ngại về an toàn vốn của ngân hàng, gây rủi ro dây chuyền đến nền kinh tế. Trong khi đó, các ngân hàng lại khá mạnh dạn thực hiện các dịch vụ này, kể cả bơm vốn cho các công ty chứng khoán trực thuộc của mình để kinh doanh chứng khoán. Lý lẽ của các ngân hàng là việc cho vay vẫn tuân thủ các nguyên tắc về tín dụng, đã tính đến các biện pháp thu hồi vốn khi có rủi ro. Mặt khác, việc cho vay chỉ mới tính đến an toàn cho ngân hàng mà không chú ý đến rủi ro của những nhà đầu tư đang “say” chứng khoán.

 

Cũng vì vậy, một loạt biện pháp của Nhà nước đã được đưa ra dồn dập trong ba tháng qua trong nỗ lực giữ cho thị trường phát triển bền vững. Ngân hàng Nhà nước phối hợp cùng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành một số quy định về bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, đặc biệt cấm các ngân hàng cho công ty chứng khoán trực thuộc vay vốn.

 

Cùng thời gian, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo yêu cầu các bộ, ngành tăng cường quản lý thị trường chứng khoán, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, chặt chẽ cho thị trường chứng khoán hoạt động công khai, minh bạch. Vừa qua, nhiều nghị định và thông tư hướng dẫn Luật Chứng khoán đã được ban hành để kịp điều chỉnh các hành vi trên thị trường. Bên cạnh đó, Chính phủ và các bộ, ngành cũng tỏ ra thận trọng để không ban hành các chính sách mang tính mệnh lệnh hành chính can thiệp vào thị trường.

 

Theo giới quan sát, tính trong ba tuần đầu tiên của tháng 3, thị trường có vẻ đang được duy trì ở trạng thái cân bằng. Giá chứng khoán có lên có xuống, đường biểu diễn VN-Index đang đi theo hình răng cưa, song, các phiên thị trường đi xuống nhiều hơn đi lên. Một vài chuyên gia nhận định, thị trường đang có dấu hiệu chuyển qua một chu kỳ giảm giá sâu với mức giảm dự báo có thể 15-30%. Tuy nhiên, chu kỳ này có thể không kéo dài vì nhu cầu của nhà đầu tư vẫn lớn, mặt khác nền kinh tế đang trong giai đoạn phát triển khá ổn định.

 

Theo Lê Uy Linh
Thời báo kinh tế Sài Gòn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm