Sửa luật để cổ phần hoá VCB?

Có thể Luật các tổ chức tín dụng và một vài luật khác sẽ phải điều chỉnh để tiến trình cổ phần hoá Ngân hàng VCB đạt hiệu quả, đúng tiến độ.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Trưởng ban Quản lý hỗ trợ Kỹ thuật cải cách ngân hàng Trần Minh Tuấn vừa có công văn đốc thúc việc cổ phần hoá Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB) gửi Ban lãnh đạo ngân hàng này và Ban quản lý hỗ trợ kỹ thuật cải cách ngân hàng.

Ông Trần Minh Tuấn yêu cầu VCB phải đề xuất tổng thể về mô hình tổ chức và quản trị mới của ngân hàng trước 31/8/2005. Việc này nhằm đảm bảo tiến độ triển khai Dự án Liên kết kỹ thuật tái cơ cấu Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam.

Tuy nhiên, có thể các kiến nghị của VCB (khi tiến hành nghiên cứu, đề xuất mô hình tổ chức và quản trị mới) sẽ liên quan đến sự điều chỉnh của Luật các tổ chức tín dụng và các luật khác.

Do vậy, ông Tuấn giao các vụ, cục liên quan của Ngân hàng Trung ương nghiên cứu kỹ các kiến nghị của VCB, đặc biệt là các khía cạnh pháp lý để đề xuất phương án nhằm hỗ trợ VCB triển khai tốt mô hình tổ chức và quản trị mới.

Trong một lần trao đổi với báo chí, ông Vũ Viết Ngoạn - Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB) cho rằng, VCB cần phải "thay đổi một cách khẩn trương'' mô hình tổ chức và phương thức quản lý.

Tuy nhiên, phải tính tới vai trò, mô hình của Hội đồng quản trị bởi khi đó Hội đồng này còn bao gồm các cổ đông khác nữa chứ không chỉ đơn thuần là đại diện cho sở hữu Nhà nước. Do đó, quy chế quản lý cũng cần phải xây dựng theo phương thức mới, dưới hình thức doanh nghiệp cổ phần.

"Tuy nhiên, quan trọng nhất là khâu quản lý, dù trước hay sau cổ phần hoá, cũng phải làm sao để vai trò chủ đạo của Ngân hàng thương mại quốc doanh vẫn tiếp tục đóng góp được cho lợi ích chung của nền kinh tế", ông Ngoạn nói.

Theo VietNamnet