Sữa “đòi” tăng giá đến 10%

Ngày 7/12, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, đơn vị này đã tiếp nhận đăng ký giá của 4 doanh nghiệp sữa với mức tăng 5-10%.

Nguyên nhân là tăng lương, tỷ giá, nguyên liệu đầu vào, thay đổi thuế suất do sắp xếp lại mã số thuế khi khai báo hải quan.
 
Sữa “đòi” tăng giá đến 10% - 1
Một số mặt hàng sữa của hãng Abott có mức tăng trung bình 9%.

 

Ông Tuấn cũng cho biết, trong đợt tăng giá lần này, tỷ trọng các nhãn hàng tăng giá là không lớn. Có đơn vị đăng ký tăng 3 trong tổng số 37 nhãn hàng, cũng có đơn vị đăng ký tăng 30/37 nhãn hàng. Thời điểm đăng ký tăng giá là từ 5/12, 20/12. Cục sẽ rà lại các yếu tố gây biến động tăng, để xem xét mức độ tăng giá của các đơn vị có hợp lý hay không. “Nếu đơn vị nào vi phạm, Bộ Tài chính sẽ áp dụng biện pháp xử lý theo NĐ 84 vừa được Chính phủ ban hành”, ông Tuấn nhấn mạnh.

 

Khác với các lần tăng giá trước, một nguyên nhân gây tăng giá sữa lần này là việc sắp xếp lại mã số thuế khi khai báo hải quan. Theo đó, thuế suất một số mặt hàng sữa đã tăng so với trước. Tuy nhiên, cách áp lại mã số thuế chưa nhận được sự đồng tình hoàn toàn từ phía doanh nghiệp.

 

Cụ thể là ngày 17/11, Đội kiểm soát chống buôn lậu Khu vực miền Nam - Cục Điều tra chống buôn lậu đã yêu cầu Công ty Vinamilk áp mã số thuế nhập khẩu cho mặt hàng màng nhôm phủ hộp sữa chua và thuộc nhóm 49.11 với mã số 4911.99.90.00 mà đúng ra thì phải thuộc mã số 7607.20.90.10.

 

Nếu áp thuế suất thuế nhập khẩu theo mã 49.11, tỷ suất thuế sẽ là 22%, tăng hơn 7 lần so với thuế suất là 3% của mã 7607. Vinamilk cho biết mặt hàng này đã được phân loại theo các chứng thư phân loại hàng hóa của Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 và Chứng thư giám định hàng hóa của Trung tâm Phân tích phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu Hải quan tại Tp.HCM.

 

“Công ty chúng tôi thực hiện áp mã nhập khẩu hàng hóa trên cơ sở phân tích phân loại của cơ quan chuyên môn khoa học có thẩm quyền và có giá trị pháp lý trên toàn lãnh thổ Việt Nam, chứ không phải Vinamilk tự xác định mã số thuế”, bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk nói.

 

Do đó, Vinamilk cho rằng việc thực thi các văn bản chính sách không thống nhất giữa cơ quan phân tích phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu và các cơ quan thuế, hải quan đã gây những tổn hại về kinh tế và uy tín không nhỏ cho doanh nghiệp.

 

Phản ảnh ý kiến này của Vinamilk với Bộ Tài chính, cơ quan này cho biết đang làm việc với Hải quan Tp.HCM và Vinamilk để giải quyết khúc mắc này và sẽ trả lời trong thời gian tới. Trong khi đó, Vinamilk rất sốt ruột  vì công văn gửi cho Bộ Tài chính từ ngày 17/11 nhưng đến nay công ty này vẫn chưa nhận được phản hồi của cơ quan chức năng.

 

Về giá bán sữa, Vinamilk cho biết, từ tháng 4 đến cuối tháng 12 công ty chưa tăng do tham gia chương trình bình ổn giá. Trong khi đó, khảo sát tại các đại lý kinh doanh sữa trên địa bàn Hà Nội, giá sữa của các hãng lớn đã tăng từ đầu tháng 12.

 

Một số mặt hàng sữa của hãng Abott có mức tăng trung bình 9%. Ông Vũ Gia Khuyến, Giám đốc điều hành Công ty 3A, nhà phân phối chính thức Hãng sữa Abbott tại Việt Nam cho biết lần tăng giá này do giá nguyên liệu tăng cao khiến giá sữa nhập khẩu tăng 7-9%. Trước đó, từ tháng 9/2011, giá một số sản phẩm sữa của hãng Nestlé, Friso, Friesland Campina Vietnam cũng tăng 3-15%.

 

Theo số liệu từ Tổ điều hành thị trường trong nước, các thị trường thế giới, giá sữa tại tháng 11 có xu hướng tăng nhẹ sau một thời gian dài giảm giá do thời tiết mát mẻ và có tuyết rơi làm giảm sản lượng sản xuất sữa và gây ảnh hưởng tới nguồn cung sữa.

So với tháng 10, giá sữa nguyên kem tại thị trường Tây Âu đã tăng từ 1,19%-2,63%, thị trường này có mức tăng nhẹ từ 0,8-1,49%. Theo chỉ số giá thực phẩm của Tổ chức Nông lương thế giới, chỉ số sữa 10 tháng năm 2011 là 203,5 tăng 0,44% so với cùng kỳ năm 2010. Tổ thị trường trong nước dự báo, giá sữa trên thế giới sẽ tăng nhẹ do thời tiết lạnh kéo dài và nhu cầu mua sắm tăng cao vào dịp nghỉ Lễ Giáng sinh.

 

Theo báo cáo giá cả tháng 11 của Cục Quản lý giá, giá sữa trên thị trường trong nước tiếp tục ổn định trong tháng 11. Trong tháng 10, Việt Nam đã nhập khẩu gần 59 triệu USD sữa và các sản phẩm từ sữa, giảm 3,4% so với tháng trước, nhưng tăng 20,7% so với cùng kỳ năm trước. Hiện cả nước có hơn 60 doanh nghiệp với 300 nhãn hiệu sản phẩm sữa các loại.

 

Theo Lê Hường
VnEconomy