Sử dụng thẻ ATM của ANZ: cẩn trọng!

Bà Tô Thanh Thưởng (Q.Bình Thạnh, TPHCM) mở một tài khoản với thẻ rút tiền tự động (ATM) tại Ngân hàng ANZ để cậu con trai Nguyễn Thanh Trinh nhận tiền do gia đình gửi khi đang du học tại Ukraine. Mọi việc sẽ không có gì đáng nói nếu bà Thưởng và em Trinh không rơi vào một rủi ro "chết người" vào đầu năm 2005.

Cuối tháng 1/2005, Nguyễn Thanh Trinh về Việt Nam ăn Tết. Từ ngày 26/1 - 14/2/2005 em Trinh có rút tiền tại các máy ATM tại TPHCM và mọi việc diễn ra bình thường. Tuy nhiên, ngày 23/2/2005, khi Trinh rút tiền (cũng từ các máy ATM tại TPHCM) thì gặp trục trặc, em nghĩ rằng do máy ATM có vấn đề nên không để ý.

Qua hôm sau 24/2/2005, khi tiếp tục rút tiền tại các máy ATM thì Trinh phát hiện tài khoản hơn 20 triệu đồng (tiền Việt Nam) của mình nay còn lại là con số âm lên đến hơn 600.000 đồng. Tá hỏa, Trinh gọi điện cho mẹ và cả hai cùng lên Ngân hàng ANZ để tìm hiểu sự thật.

Tại đây, bà Thưởng và em Trinh điếng hồn khi được ngân hàng thông báo số tiền trong tài khoản của họ đã bị rút sạch tại St.Petersburg (Nga). Chẳng hiểu mô tê gì, bà Thưởng làm đơn khiếu nại đến Trung tâm Thẻ quốc tế nhờ điều tra sự việc thì sau đó được Ngân hàng ANZ trả lời với nội dung như sau:

Tất cả các giao dịch tại Việt Nam và tại St.Petersburg (Nga) đều sử dụng cùng một thẻ ATM đã cấp cho em Trinh, các giao dịch đều có giá trị và được chấp thuận theo mật mã cá nhân (pin) nạp đúng đã được cấp cho em Trinh. Thẻ rút tiền và mật mã cá nhân là duy nhất và ngân hàng không phát hiện bất kỳ thẻ hay mật mã nào liên kết với tài khoản của em Trinh tại Ngân hàng ANZ. Căn cứ vào các giao dịch rút tiền qua ATM từ tài khoản trong thời gian từ 26/1/2005 - 24/2/2005, ngân hàng nhận thấy có các giao dịch rút tiền ở nước ngoài và có các giao dịch rút tiền trong nước được thực hiện vào các ngày: từ 26/1 - 14/2/2005: rút tiền tại các máy ATM tại TPHCM; từ ngày 17/2/2005 - 21/2/2005: rút tiền tại các máy ATM ở nước ngoài; từ ngày 23/2 - 24/2/2005: sử dụng thẻ ATM tại TPHCM. Như vậy, không có giao dịch nào vừa thực hiện trong nước và nước ngoài trong cùng một ngày. Trong thời gian này, ngân hàng cũng không nhận được thông báo nào từ gia đình rằng thẻ ATM của Trinh bị mất.

Từ những lý do trên và căn cứ vào "điều khoản và điều kiện sử dụng thẻ điện tử", Ngân hàng ANZ đã từ chối trách nhiệm về việc tiền bị rút từ tài khoản của em Trinh, đồng thời ANZ cũng không thực hiện yêu cầu của gia đình bà Thưởng về việc tìm ra ai là người đã sử dụng thẻ của em Trinh tại nước ngoài và kết thúc điều tra về khiếu nại của họ.

Thế là xong! Bà Thưởng xem như mất trắng số tiền mà khó khăn lắm bà mới dành dụm được để gửi cho con ăn học. Bà  bức xúc: "Chắc chắn thẻ của con tôi đã bị kẻ xấu làm giả và rút sạch tiền. Nếu đặt trường hợp con tôi có gian dối trong chuyện này thì thử hỏi trong vòng 1 ngày, có thể nào chuyển thẻ ATM của con tôi từ Nga về Việt Nam để rút tiền được hay không?". Vì thế bà Thưởng đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng nhờ can thiệp.

Trong buổi làm việc với bà Thưởng và Ngân hàng ANZ vào ngày 25/5/2005, khi  khi chúng tôi đặt câu hỏi: "Trong trường hợp kẻ xấu dùng kỹ thuật cao lấy cắp dữ liệu trên dải băng từ và mã pin rồi làm thẻ giả để rút tiền của em Trinh như đã xảy ra ở một số nước, thì trách nhiệm bảo vệ khách hàng của ANZ như thế nào?"

Bà Nguyễn Bích Ngọc - Trưởng phòng Dịch vụ tài chính cá nhân của ANZ đã trả lời: "Ngân hàng cũng đã trù liệu đến vấn đề này. Nếu giao dịch từ tài khoản của Trinh ở cả nước ngoài và trong nước diễn ra cùng 1 ngày thì chắc chắn ngân hàng sẽ chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, trong trường hợp này các giao dịch diễn ra ở nước ngoài và trong nước lại cách ngày. Do đó, ngân hàng không thể xem xét đến khả năng này".

"Trong các máy ATM đều có gắn camera để ghi hình những người thực hiện giao dịch tại máy, đây là đầu mối quan trọng để tìm ra người rút tiền từ tài khoản của Trinh, vậy ANZ có điều tra từ đầu mối này?". Bà Ngọc khẳng định: "Sau khi nhận được khiếu nại của bà Thưởng, ngân hàng đã gửi văn bản đến các ngân hàng có máy ATM ở Nga mà tài khoản của Trinh đã giao dịch, để xin các cuốn băng video đã quay nhưng đến nay chưa nhận được trả lời, vì thế ngân hàng chưa có kết luận chính xác có hay không người lạ mặt đã sử dụng thẻ của Trinh".

Dù "chưa có kết luận chính xác" như lời bà Ngọc, nhưng trong phần trả lời ở trên của ANZ đã khẳng định chắc chắn rằng ngân hàng không thể tìm ra ai là người đã sử dụng thẻ của em Trinh tại nước ngoài cũng như kết thúc điều tra về khiếu nại.

Bên cạnh đó, khi bà Thưởng yêu cầu ngân hàng xem xét lại việc từ chiều tối ngày 21/2/2005 (giờ Nga) đến ngày 23/2/2005 liệu có chuyến bay nào từ St.Petersburg (Nga) về Việt Nam để xác định có hay không việc thẻ ATM của Trinh đã được vận chuyển từ Nga về Việt Nam thì ông Lê Bá Kông - Giám đốc Dịch vụ tài chính cá nhân ANZ trả lời: "Để ngân hàng xem xét lại, nếu không có chuyến bay nào từ St.Petersburg về Việt Nam trong thời gian đó thì ngân hàng sẽ xem xét đến yếu tố thẻ ATM của Trinh đã bị làm giả và có hướng xử lý".

Cho đến nay đã hơn 3 tháng trôi qua. Dù thế nào đi nữa, với sự việc trên và cách trả lời như vậy từ phía Ngân hàng ANZ thì xem ra bà Thưởng khó lòng lấy lại số tiền này. Sự việc của bà Thưởng, em Trinh thiết nghĩ là một lời cảnh báo đối với tất cả những khách hàng của ANZ nói riêng và những ai đã và đang sử dụng thẻ ATM quốc tế cũng như trong nước nói chung.

Tại một số nước trên thế giới, việc kẻ xấu cấu kết với nhân viên ngân hàng hoặc nhân viên ở điểm chấp nhận thẻ ATM để gắn trộm máy ghi hình và máy đọc để lấy dữ liệu trên dải băng từ của thẻ, sau đó làm giả thẻ và dùng mật mã có được từ ghi hình trộm để rút tiền đã từng xảy ra.

Do đó, cách tốt nhất để khách hàng giữ cho chắc "túi tiền" của mình là nên thay đổi mật mã thường xuyên hoặc liên tục thay thẻ để thay đổi dữ liệu trên thẻ, tránh những rủi ro đáng tiếc xảy ra như trường hợp đã nêu trên.

Theo Thanh niên