"Sốt" vàng - USD: Đầu tư bầy đàn dễ ngậm đắng

Ngân hàng Nhà nước giữ giá đồng USD, làm lợi cho những người có thể vay dễ dàng như các tập đoàn và tạo thêm nhu cầu giả tạo, không phải nhằm đầu tư mà nhằm đầu cơ. Những người không thể tiếp cận USD lại phải đổ xô mua vàng.

Vàng là gì ? Vàng chỉ là quý kim, dùng làm vật trang sức. Nhưng có lúc, vàng trở thành phương tiện thanh toán khi dân chúng mất tin tưởng vào đồng tiền nội địa. Việc biến, hoặc gắn vàng vào giá trị đồng tiền (chế độ kim bản vị ngày xưa) tưởng là giải pháp nhưng thật ra là không vì không nền kinh tế nào có thể kiểm soát được lượng cung vàng. Nó tuỳ thuộc vào lượng vàng sản xuất và đặc biệt là đầu cơ, không liên quan gì đến mức phát triển kinh tế và nhu cầu thanh toán. Nó lại biến nhà nước bất cứ nơi đâu thành nạn nhân tế thần của các lực ngoại biên, và triệt tiêu khả năng làm chủ chính sách tiền tệ của nhà nước.

Vàng trở về đúng vị trí quý kim của nó từ thời Tổng thống Mỹ Nixon, khi ông ta quyết định xóa bỏ việc bảo đảm giá trị đồng USD bằng vàng. Chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa trở về đúng vị trí của nó là chính sách mà nhà nước (qua ngân hàng trung ương và chi tiêu ngân sách) có thể dùng để quản lý nền kinh tế, mà không bị trói buộc bởi những yếu tố nằm ngoài nó.

Trong quá khứ, lạm phát đã từng xảy ra chỉ vì đào được nhiều vàng, hoặc có khi ngược lại sự phát triển kinh tế bị hạn chế lại vì thiếu thanh khoản do không thể tăng được lượng vàng lên.

Ngày nay, tăng cung hay hạn chế cung tiền có thể nằm trong tay nhà nước. Thí dụ các nhà kinh tế hiện đại đều biết rằng cung tiền thái quá sẽ tạo ra lạm phát nhưng nhà chính trị thì có thể lại quá nôn nóng hoặc chủ quan muốn thực hiện điều gì đó mà cố tình quên đi nguyên lý này. Do đó mà lạm phát hay ổn định tiền tệ là kết quả của chính chính sách kinh tế mà nhà cầm quyền đưa ra, và do đó phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về chúng.

Giá vàng và cơn sốt đầu tư bầy đàn

Giá vàng tăng trên thị trường thế giới vì nền kinh tế thế giới bất ổn. Sự bất ổn này là do chính sách sai lầm của hai cường quốc Mỹ và Anh, mở cửa tự do cho tư bản tài chính, cho phép phát hành các công cụ tài chính phái sinh, mà không có thế chấp, nhằm đầu cơ vào thị trường chứng khoán và thị trường nhà đất, đẩy giá lên tưởng như không có chỗ dừng. Nhưng rồi bong bóng ảo tưởng vỡ vì giá cả vượt ngoài khả năng chi trả của người lao động. Giá xuống đã đẩy hàng loạt các nhà đầu cơ phá sản, trong đó phần lớn là những người đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, chạy theo kiểu bầy đàn.

Để cứu nguy, các nền kinh tế phải bội chi ngân sách, phát hành thêm tín dụng để chặn đứng khủng hoảng. Giới đầu cơ trục lợi, rồi cả những người bình thường cho rằng như thế lạm phát toàn thế giới sẽ tăng và cổ động mua vàng. Giá vàng đã tăng vùn vụt.

Tình hình hiện nay ở Mỹ, cũng không khác gì tình hình đã từng xảy ra ở Nhật, là doanh nghiệp chưa dám đầu tư vì phải cố gắng giảm tỷ lệ nợ quá lớn do trước đây đã chạy theo bong bóng.

Ở Mỹ hiện nay, mặc dù lãi suất rất thấp, thanh khoản tràn đầy nhưng ít ai dùng nên khả năng lạm phát ở Mỹ trong thời gian tới là rất thấp, hay có thể nói không có. Thời gian này có thể kéo dài tới 5-6 năm. Ở đây, với tốc độ tăng việc làm khoảng 150.000 người/tháng thì cũng cần 6 năm để giải quyết việc 15 triệu người thất nghiệp, đưa tỷ lệ thất nghiệp từ 10 % xuống 3%. Giá vàng lên chỉ vì người ta nghĩ rằng lạm phát sẽ tăng mạnh. Nhưng nếu lạm phát không xảy ra thì giá đầu cơ hiện nay sẽ xuống. Khó có thể đoán là trong thời gian tới khi nào giá vàng sẽ xuống nhưng nó sẽ xuống, giống như sự lao dốc của giá nhà đất và chứng khoán ở Mỹ.

Tấn công và tháo chạy của tư bản nước ngoài

Các quốc gia châu Á đã học được bài học năm 1997. Đó là cần làm chủ phương tiện thanh toán của mình. Tài chính nước ngoài ồ ạt chảy vào các nước châu Á, đầu cơ vào thị trường địa ốc và chứng khoán, giá lên đến mức tưởng như châu Á mãi mãi là trung tâm thịnh vượng của thế giới. Chi tiêu ồ ạt. Cán cân thanh toán thiếu hụt. Chính sách của hầu hết mọi nước ở đây là chính quyền quyết định tỷ giá đồng bạc. Tình huống trên đã cho phép giới đầu cơ tài chính mở cuộc tấn công vào nội tệ. Họ bán nội tệ, mua ngoại tệ, tạo ra một cuộc tháo chạy của giới tài chính đầu cơ. Giá nhà, giá chứng khoán xuống. Ngoại tệ tháo chạy đưa đến việc chính quyền các nước này phải huỷ bỏ tỷ giá cứng.

Chính sách tự do dòng chảy tư bản mà IMF cổ vũ, kể cả ép buộc các nước thành viên thực hiện, đã hoàn toàn thất bại. Suharto ở Indonesia sụp đổ. Chỉ có Malaysia chống lại IMF, ra lệnh cấm rồi hạn chế cuộc bán tống tháo chạy trên mà nền kinh tế đỡ bị ảnh hưởng nhất. Mở cửa hoàn toàn cho dòng chảy tư bản chính là tự làm mất quyền và khả năng kiểm soát lượng cung tiền qua chính sách tiền tệ của mình.

Để vàng và USD Mỹ trở thành phương tiện thanh toán cũng là tự hy sinh quyền kiểm soát chính sách tiền tệ.

Cách nào kiểm soát giá vàng, USD?

Có thể nói một nền kinh tế bình thường là nền kinh tế ở đó nhà nước có thể kiểm soát được phương tiện thanh toán. Khi phương tiện thanh toán vượt ngoài tầm hoạt động của mình thì rõ ràng là có vấn đề. Để làm chủ được nền kinh tế, tất cả mọi nước đều cố gắng làm chủ được phương tiện thanh toán, qua đó điều hành chính sách tiền tệ. Tất nhiên điều hành sai hay đúng là chuyện khác nhưng phải đặt nó trong tầm tay của mình.

Ngày trước, đã có lúc người Việt chỉ có tin vàng và USD Mỹ. Sau cải cách từ năm 1989, giá trị của đồng tiền Việt đã trở lại. Từ năm 2008, giá trị đồng tiền Việt giảm đều, vàng và USD lại trở thành phương tiện thanh toán trong nước, tước bỏ đi một phần quan trọng khả năng điều hành kinh tế của nhà nước. Tất nhiên, lý do cơ bản là lạm phát, mà lạm phát là kết quả của chính sách chạy theo tốc độ GDP, bỏ tiền cho một số doanh nghiệp quốc doanh đầu tư không hiệu quả.

Để ổn định tình hình nhà nước cần điều chỉnh chính sách phát triển chạy theo chỉ tiêu số lượng như hiện nay, tức là phải giảm mức đầu tư, và như vậy phải tăng lãi suất nhằm thu hút tiền vào ngân hàng, và đồng thời tăng giá tín dụng mà nhà đầu tư phải trả. Về mặt tiền tệ, dù là trong ngắn hạn, mọi biện pháp cần thiết là triệt tiêu việc biến vàng và USD thành phương tiện thanh toán trong nền kinh tế, chứ không phải cổ vũ việc dùng chúng là tiền.

Nhưng Ngân hàng Nhà nước giữ giá đồng USD, làm lợi cho những người có thể vay dễ dàng (như các tập đoàn) và tạo thêm nhu cầu giả tạo, không phải nhằm đầu tư mà nhằm đầu cơ. Thiên hạ, những người không thể tiếp cận USD, phải đổ xô mua vàng. Ngân hàng Nhà nước lại cho phép nhập vàng để giảm giá vàng. Mà ổn định giá vàng đâu có phải là nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước. Tất nhiên là tuyên bố như thế thì hy vọng sẽ tạo ra tâm lý giảm giá vàng. Nhưng nếu nhập thì sẽ mất nguồn ngoại tệ, tạo thêm áp lực tăng giá trị của nó. Rồi lại có những “kinh tế gia” đề nghị tạo ra tài khoản tiết kiệm vàng và trả lãi cho nó.

Đây là hành động của thời bao cấp trước đây. Chứ hiện nay là phải làm sao có biện pháp xóa bỏ vàng như một phương tiện thanh toán. Và để làm điều này dễ nhất là đánh thuế nhập hay xuất vàng. Giống như đánh thuế các cuộc tháo chạy tư bản nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của chúng đối với nền kinh tế mà nhiều nước đã làm.

Quan trọng hơn, cần thay đổi cách suy nghĩ theo hướng chạy đua đạt tốc độ GDP, từ đó đầu tư cao mà thiếu hiệu quả, bội chi ngân sách, đẩy mạnh cung tiền để tài trợ bội chi, đưa đến lạm phát và sự mất giá của đồng bạc. Mọi tiêu cực đang phát triển hiện nay là do cách tư duy này.

Theo Vũ Quang Việt
DĐDN