“Sốt ruột” vì FDI giảm, Đà Nẵng vẫn khước từ dự án “khủng”

(Dân trí) - Trong năm 2014, tổng vốn FDI vào Đà Nẵng đã giảm gần một nửa so với 2013 mà một trong những nguyên nhân chính là việc thành phố đã từ chối một số nhà đầu tư quy mô lớn trong lĩnh vực dệt nhuộm vì nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Đà Nẵng đang chủ trương thu hút các dự án đầu tư có chọn lọc
Đà Nẵng đang chủ trương thu hút các dự án đầu tư có chọn lọc

Theo báo cáo từ Trung tâm Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng, trong năm 2014, toàn thành phố có 30 dự án được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt trên 126 triệu USD và 16 dự án tăng vốn, với số vốn đăng ký tăng thêm trên 30 triệu USD.
 

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trênFICA:

*Có phải tại Tết không?

*Bị kêu lờ cho vay gói 30.000 tỷ, nhà băng hối hả "làm hàng"

*Bắt giam tổng giám đốc Công ty chứng khoán Trường Sơn

*Ẩn họa từ 5.000 “thùng bom” ô nhiễm

*Eximbank và Nam Á về một nhà?

Theo đánh giá của Trung tâm thì mặc dù thành phố đã rất nỗ lực nhưng kết quả thu hút vốn FDI, trong năm 2014 nói riêng và một vài năm gần đây nói chung, chưa có sự đột phá.

 
Trước thực trạng này, ngày 20/3, Trung tâm Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng đã phải tổ chức hội nghị đánh giá công tác xúc tiến đầu tư nước ngoài để phân tích nguyên nhân sụt giảm và đưa ra những giải pháp nâng cao hiệu quả thu hút vốn đầu tư trong thời gian tới.
 
Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử thành phố, thời gian vừa qua, một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng trực tiếp đến việc thu hút đầu tư vào Đà Nẵng là chủ trương thu hút các dự án đầu tư có chọn lọc của thành phố. Để đảm bảo môi trường du lịch và phát triển bền vững, Đà Nẵng có chủ trương chỉ thu hút các dự án công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ và dịch vụ có giá trị gia tăng cao, đặc biệt là các dự án sạch.
 
Trong năm 2014, Đà Nẵng đã từ chối một số nhà đầu tư quy mô lớn trong lĩnh vực dệt nhuộm vì có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Được biết, trong số này có dự án ước tính trị giá khoảng 200 triệu USD do Tập đoàn Dệt May (Hồng Kông) đề xuất.

Trong khi đó, việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao lại rất khó, rất kén chọn nhà đầu tư, do phải đáp ứng các tiêu chí công nghệ cao theo quy định.
 
Thêm vào đó, việc thu hút đầu tư vào khu công nghệ cao (CNC) đòi hỏi phải có điều kiện về cơ sở hạ tầng, chiến lược phát triển phù hợp và cần thời gian dài. Tuy nhiên, hạ tầng Khu CNC và các khu công nghiệp Đà Nẵng chưa hoàn chỉnh. Với diện tích quy hoạch khoảng 1.130 ha, hiện nay, các phân khu chức năng trong khu CNC chưa được xây dựng, mới chỉ có hơn 100 ha đất có hạ tầng sẵn sàng cho các dự án sản xuất, chưa có nhà máy xử lý nước thải. Nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật dành cho khu CNC trong những năm qua và dự kiến trong một vài năm đến sẽ gặp nhiều khó khăn, làm chậm tiến độ hoàn thiện cơ sở hạ tầng khu CNC.
 
Quỹ đất dành cho thu hút đầu tư còn hạn chế cũng là một trong những nguyên nhân làm giảm cơ hội thu hút vốn FDI. Hầu hết các khu đất ven biển đã có chủ đầu tư, nhưng nhiều dự án đã dừng triển khai. Trong khi đó, các nhà đầu tư mới lại chưa có cơ hội để tham gia đầu tư; các dự án đầu tư về giáo dục, y tế, thương mại... cũng gặp khó khăn trong việc tìm địa điểm đầu tư phù hợp; một vài địa điểm đã được quy hoạch lại chưa có sẵn mặt bằng thuận lợi cũng như các tiện ích cần thiết.
 
Ngoài ra, lĩnh vực công nghiệp phụ trợ còn yếu, chưa đủ khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp FDI. Đây cũng là nguyên nhân khiến thành phố chậm thu hút được các dự án FDI vào lĩnh vực sản xuất có quy mô lớn.

Toàn cảnh hội nghị (ảnh: Đà Nẵng portal)
Toàn cảnh hội nghị (ảnh: Đà Nẵng portal)
  
Tịch thu đất các dự án chưa chịu triển khai trong quý I/2015
 
Theo ông Huỳnh Văn Thanh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng, đối với những dự án đầu tư lớn, quan trọng, mang tính chiến lược đối với sự phát triển của thành phố, cần thành lập Ban chỉ đạo xúc tiến thực hiện dự án, kịp thời tiếp cận nhà đầu tư, xử lý các vướng mắc một cách hiệu quả, nhằm đảm bảo việc thu hút dự án được diễn ra thành công, thuận lợi; đồng thời cần có một cơ chế đặc biệt để tiếp cận và mời gọi các tập đoàn lớn trên Thế giới đầu tư vào Đà Nẵng.
 
Liên quan đến cơ chế, chính sách về đất đai, ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố đã đưa ra giải pháp hỗ trợ thông tin cho doanh nhiệp, nhà đầu tư bằng việc xây dựng cổng thông tin điện tử chuyên về tài nguyên đất, nhằm thông tin một cách chính thống, cụ thể, chi tiết đến nhà đầu tư về một số vấn đề như: quy hoạch đất đai, giá đất, cơ chế đền bù giải tỏa, thủ tục hành chính...
 
Đối với công tác thu hút nhà đầu tư từ Nhật Bản, một trong những quốc gia có số vốn đầu tư FDI cao nhất tại Đà Nẵng, ông Mai Đăng Hiếu, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ, đề xuất mở thêm các văn phòng đại diện của Đà Nẵng tại các thành phố lớn khác của Nhật Bản như Osaka, Nagoya, Fukuoka, Sapporo… đồng thời, thành lập Khu công nghiệp dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt - Nhật và xây dựng các khu nhà xưởng cho thuê tại Khu công nghệ cao thành phố.
 
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết cho biết, trong thời gian tới, thành phố sẽ tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp và khu CNC, cả về phần cứng và phần mềm, bao gồm hệ thống các tuyến đường giao thông, cấp thoát nước... nhằm đáp ứng những yêu cầu về hạ tầng của các nhà đầu tư. Khi tiếp cận được những nhà đầu tư tiềm năng, thành phố sẽ báo cáo và đề xuất với Chính phủ xin những cơ chế đặc biệt ưu đãi nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư vào Đà Nẵng.
 
Đối với những dự án đầu tư bất động sản, du lịch ven biển, thành phố đã rà soát, yêu cầu các chủ dự án cam kết đẩy nhanh tiến độ triển khai. Đến quý 1/2015 nếu chủ đầu tư vẫn chưa triển khai, các dự án sẽ bị thu hồi theo quy định của pháp luật, trả lại quỹ đất cho thành phố, nhằm kêu gọi những nhà đầu tư thực sự có năng lực triển khai dự án.
 
Theo nhận định của ông Viết, việc thành lập Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015 sẽ tạo nên lợi thế lớn cho Đà Nẵng nói riêng, Việt Nam nói chung trong việc học tập kinh nhiệm thu hút đầu tư từ các nước đi trước trong khu vực, góp phần tạo nên bước đột phá trong thu hút vốn đầu tư FDI vào thành phố thời gian đến.

Bích Diệp

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”