Sơn nữ Ê đê đi Thái nói chuyện nuôi bò

Quần quật quanh năm với nương rẫy, H’Dức Mlô ở buôn Sứk chưa từng nghĩ đến việc mình sắp là đại diện nông dân duy nhất trên khu vực Tây Nguyên được cử sang Thái Lan giới thiệu về mô hình nuôi bò khép kín mang lại hiệu quả kinh tế cao cho đồng bào dân tộc thiểu số.


Chị H’Dức bên đàn bò.

Chị H’Dức bên đàn bò.

Chị đi theo lời mời của Tổ chức ActionAid (AAV- Tổ chức quốc tế chống đói nghèo, có mặt tại hơn 40 quốc gia) vào tháng 7 tới.

Khi những cơn mưa đầu mùa đổ xuống, cả buôn Sứk (xã Ea Đar, huyện Ea Kar, Đắk Lắk) tất bật ra rẫy chuẩn bị gieo trồng, riêng H’Dức Mlô ở nhà miệt mài viết “Dự án sáng kiến cộng đồng” với mong ước rinh được giải thưởng là… một con bò đực siêu đẹp từ Tổ chức AAV, dắt về cải tạo giống cho đàn bò trong buôn.

Vóc người cao ráo, nước da trắng mịn, nói tiếng Kinh lưu loát, thoạt nhìn ít ai biết H’Dức, sinh năm 1987, đích thực là sơn nữ Ê Đê. Tốt nghiệp trung cấp thú y ở trường Cao đẳng nghề dân tộc nội trú Tây Nguyên, H’Dức mang kiến thức học được về buôn làng giúp bà con chăn nuôi.

Thu nhập chính của đồng bào bản địa trông chờ vào cà phê, điều, ngô, lúa và nuôi lợn, bò. Những năm gần đây, nắng hạn gay gắt, cây trồng khô héo, năng suất suy giảm, đàn bò cũng gầy tong do thiếu thức ăn. Năm 2010 Trạm khuyến nông huyện Ea Kar triển khai mô hình trồng cỏ, nuôi bò theo hướng khép kín, H’Dức tiên phong đi đầu.

Nói thì dễ, làm được mới khó. Rào cản đầu tiên là tư tưởng ăn sâu bám rễ trong buôn: Con bò sinh ra tự lớn, không ai đi chặt cây trên vườn để trồng cỏ nuôi bò.

Dù bị mẹ kịch liệt phản đối, H’Dức vẫn cương quyết phá 3 sào đất vườn trồng cỏ, đầu tư 17 triệu đồng xây chuồng cao ráo hiện đại , có máng ăn, máng nước, hầm chứa phân, chứa nước thải riêng biệt.

Hai tháng sau vườn cỏ xanh tốt mơn mởn, 5 con bò gầy ốm ngày nào nay được nuôi nhốt chăm sóc kỹ lưỡng từ ăn uống đến tiêm phòng đã lớn nhanh, ú mập, mẹ H’Dức thấy... có lý bèn quay sang giúp con vay thêm 100 triệu đồng mua bò lai về nuôi. Nhiều hộ dân bèn nghe theo H’Dức làm chuồng, trồng cỏ, nhốt bò nuôi khép kín.

Phần nước thải tưới ngược lại vườn cỏ, phân bò dùng bón lúa, cà phê hoặc bán với giá 50 nghìn/bao. Người dân xát thêm lúa, mì cho bò ăn nhanh lớn bán được giá.

Đối với bò cỏ, con trưởng thành có giá khoảng 25 triệu/con, bò bê giá 16 triệu/con. Riêng bò lai, bò siêu thịt giá cao gấp đôi. Con từ 4-5 tạ giá ở mức 40-45 triệu/con, loại 3-4 tạ giá 30-40 triệu. Riêng bò giống bán theo ký, từ 110-150 nghìn đồng/ký, tùy chủng loại.

Để tiện cho việc chăn nuôi, Câu lạc bộ nuôi bò ra đời vừa chia sẻ kinh nghiệm, là nơi góp vốn không lãi suất hỗ trợ cho các hộ nghèo vay mua bò. Hộ nào có điều kiện có thể cho hộ nghèo nhận bò nuôi rẽ. Khi bò sinh sản, lứa đầu tiên cho hộ nhận nuôi, con thứ 2 sẽ thuộc về chủ bò.


 Đồng bào đã quen với cách nuôi bò kiểu mới.

Đồng bào đã quen với cách nuôi bò kiểu mới.

H’Dức tâm sự: Buôn có gần 400 hộ dân chủ yếu là người Ê đê. Trước đây bà con giữ thói quen nuôi gia súc thả rông dưới sàn nhà rất mất vệ sinh, không chủ động nguồn thức ăn. Nay thấy rõ hiệu quả của cách làm mới, ai cũng phấn khởi làm theo, mỗi nhà nuôi 5-6 con. Có người chuyển hẳn sang nghề nuôi bò vỗ béo.

Thời gian vỗ béo từ 2-3 tháng, trừ chi phí, họ lời 4-5 triệu/con. Nếu nuôi nhiều sẽ rút gọn thời gian nuôi, chi phí đầu tư càng thấp hơn. Nhờ nuôi bò, nhiều người thoát nghèo, có điều kiện lo con cái học hành.

Anh Nguyễn Văn Kiên - Trưởng trạm Khuyến nông huyện Ea Kar, Đắk Lắk cho biết: Từ lâu, Trạm luôn xác định bò là vật nuôi chủ lực của vùng. Mô hình trồng cỏ cải tạo đàn bò đã manh nha từ năm 2002-2003 nhưng mãi đến năm 2010 mới chuyển đổi rõ rệt. Mọi kinh phí đầu tư làm chuồng, mua giống đều do dân tự túc, Trạm hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn người dân chọn giống bò lai nâng cao năng suất.

Theo số liệu thống kê năm 2015, toàn huyện Ea Kar có 18.000 con bò, trong đó bò siêu thịt tăng mạnh, lợi nhuận người dân tăng cao.

Theo Huỳnh Thủy

Tiền Phong