Đà Nẵng:

SOM III bàn thảo nhiều vấn đề kinh tế quan trọng

(Dân trí) - Hội nghị các quan chức cao cấp APEC lần thứ 3 (SOM III) và các cuộc họp liên quan tại Thành phố Đà Nẵng và Thị xã Hội An, (Quảng Nam) tiếp tục bàn thảo nhiều vấn đề kinh tế quan trọng.

Tiểu ban Tiêu chuẩn và Hợp chuẩn (SCSC) thảo luận “Sáng kiến hợp tác an toàn thực phẩm trong APEC”.

Đây là sáng kiến quan trọng nhằm triển khai Hệ thống thực phẩm APEC (AFS) với các mục tiêu tăng cường an toàn thực phẩm, đẩy nhanh quá trình đồng bộ hóa tiêu chuẩn thực phẩm với các chuẩn quốc tế, đồng thời tăng cường minh bạch về các tiêu chuẩn và quy định về thực phẩm, và thúc đẩy thương mại thực phẩm trong khu vực APEC.

Tại Hội thảo, đại diện đoàn Thái Lan trình bày về kết quả của “Hội thảo chuyên ngành lần thứ hai về Sáng kiến người tìm đường trong lĩnh vực công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn thực phẩm” diễn ra từ 10 -11/8 vừa qua tại Petchburi.

Sau gần 10 năm thực hiện Hiệp định công nhận lẫn nhau giữa Thái lan và Canada về tiêu chuẩn các sản phẩm cá và thủy sản, thương mại thủy sản giữa hai bên đã gia tăng đáng kể. Theo thống kê năm 2005, Thái Lan xuất hơn 17 tấn thủy sản vào Canada, chiếm 18% tổng nhập khẩu thủy sản của nền kinh tế này (trị giá 1,95 tỉ USD), trong khi đó Việt Nam chỉ chiếm 5%.

Nhóm đi lại của doanh nhân (BMG) tập trung thảo luận các nội dung liên quan đến chương trình Thẻ đi lại của doanh nhân APEC (ABTC).  Hiện nay, trừ Nga và 3 nền kinh tế thành viên của NAFTA là Mỹ, Canada và Mêxico, các nền kinh tế thành viên APEC đều đã tham gia chương trình này.

Viêt Nam tham dự chương trình này từ tháng 1/2006. Cục Quản lý Xuất Nhập cảnh, Bộ Công an cho biết cho đến 31/8/2006, Việt Nam đã nhận được đề nghị cấp phép nhập cảnh cho 9.303 công dân nước ngoài sở hữu thẻ ABTC.

Thời gian xét duyệt của Việt Nam là từ 7 đến 14 ngày, được đánh giá là nhanh hơn một số nền kinh tế thành viên khác. Trong thời gian sớm nhất, có thể công dân Việt Nam sẽ được cấp thẻ ABTC.

Hôm 8/9, Nhóm chuyên gia về mua sắm chính phủ (GPEG) đã thông qua 5 nguyên tắc trong Bản điều chỉnh các Nguyên tắc không ràng buộc về Mua sắm Chính phủ (GP/NBP) do Australia chủ trì. Bản điều chỉnh GP/NBP sẽ được báo cáo lên Ủy ban Thương mại và Đầu tư APEC (CTI).

Đ.H - K.H (VP Miền Trung)