Số tiền “khủng” Grab, GoViet, Be "đốt" để chiếm thị phần: Hé lộ sốc từ “người trong cuộc”
(Dân trí) - Trao đổi với Dân trí, chuyên gia cho rằng, thị trường taxi công nghệ chính là cuộc đua đốt tiền. Cuộc đua giành cho những kẻ lắm tiền, không phải cuộc chơi của những anh nhà nghèo, sợ rủi ro. Quả thực, với con số mà CEO Fastgo mới "hé lộ", thì lĩnh vực ứng dụng gọi xe đúng là cuộc đua ngốn tiền.
"Người trong cuộc" nói về chuyện "đốt tiền"
Trong một cuộc trò chuyện với PV Dân trí, một chuyên gia trong lĩnh vực marketing đã từng bình luận, thị trường taxi công nghệ vốn là một cuộc đua đốt tiền của các “đại gia” chịu chi, đây không phải là miếng đất giành cho doanh nghiệp “đói vốn”.
Khi PV đặt câu hỏi cụ thể về con số đã chi cho việc chiếm lấy thị phần trong lĩnh vực xe công nghệ, các hãng đều từ chối đưa ra thống kê chính xác.
Bất ngờ mới đây, trên trang cá nhân, ông Nguyễn Hữu Tuất – lãnh đạo FastGo – một ứng dụng gọi xe của Việt Nam đã tiết lộ con số họ “đốt” trong cuộc đua trên thị trường này. Không chỉ tiết lộ số tiền của doanh nghiệp mình, điều khá thú vị - vị CEO trẻ tuổi này còn hé lộ “hộ” các đối thủ khác trong lĩnh vực.
CEO Fastgo cho biết, họ mất trung bình khoảng 1 USD cho mỗi cuốc xe. Chiếu theo lượng thống kê về các cuốc xe, ông Tuất cho biết FastGo “đốt” tổng cộng 2 triệu USD cho khuyến mại và tăng thưởng trong nửa đầu năm nay.
Với tiêu đề "Ai sẽ thắng trong cuộc đua đốt tiền", lãnh đạo Fastgo đưa ra các con số mà các đối thủ trong lĩnh vực như Grab, Be hay Goviet đã chi.
Cụ thể, Grab: Thực hiện 146 triệu cuốc xe, đốt khoảng 160 triệu USD, trung bình đốt khoảng 1,1 USD/cuốc. Còn Be: 31 triệu cuốc, đốt khoảng 75 triệu USD, trung bình đốt khoảng 2,5 USD/cuốc. Go-Viet: 21 triệu cuốc, đốt khoảng 30 triệu USD.
Như vậy theo tính toán của lãnh đạo Fastgo, Grab hiện dẫn đầu cuộc đua "đốt tiền" tại Việt Nam. Tổng cộng cả 4 hãng, ông Tuất cộng dồn ra con số GMV (tổng giá trị giao dịch) của thị trường gọi xe vào khoảng 600 triệu USD, tức gần 15.000 tỷ đồng.
Phân bua về tính chính xác của số liệu mình đưa ra, CEO Fastgo cho biết số liệu cuốc xe ông lấy từ một bài báo (số liệu ấy từ ABI Research, thống kê số chuyến xe thực hiện của các doanh nghiệp trong nửa đầu năm 2019 - PV), còn số tiền "đốt" thì ông Tuất nói "trong nghề sẽ tính được ra".
Vị CEO trẻ tuổi này cũng đặt ra vấn đề: Nhưng đây là mô hình kinh tế chia sẻ, việc đốt tiền liệu có tạo ra tiền tiếp theo hay không khi tất cả chỉ sở hữu người dùng mà không sở hữu tư liệu sản xuất (lái xe và xe)?
Không chỉ tiết lộ con số “đốt tiền”, một điều khá bất ngờ, CEO Fastgo còn đưa ra cả “tương lai” các đối thủ của mình khi ngừng đốt tiền, chẳng hạn như Grab vẫn tồn tại nếu dừng “đốt tiền”. Còn Be: Dừng đốt tiền (dù chỉ 1 ngày) là "die" (chết), CEO Fastgo nhận định.
Trước đó, theo kết quả nghiên cứu của ABI Research, 6 tháng đầu năm, đã có 200 triệu chuyến xe hoàn thành thông qua các ứng dụng tại Việt Nam. Trong số này, Grab áp đảo với 146 triệu cuốc xe, tương đương 73% thị phần.
Xếp thứ hai là Be, doanh nghiệp nội vừa mới tham gia thị trường từ tháng 12/2018. Thống kê của ABI cho thấy Be hoàn tất 31 triệu cuốc xe trong 6 tháng, giành được 16% thị phần.
Go-Viet, đứa con của Go-Jek tại thị trường Việt Nam, chỉ xếp thứ ba với 21 triệu chuyến xe hoàn thành, tương ứng 10% thị phần. 1% còn lại thuộc về FastGo và các ứng dụng khác.
Đây là lần hiếm hoi kết quả hoạt động của các ứng dụng gọi xe Việt Nam được một đơn vị nghiên cứu thị trường độc lập thống kê. Trước đó, hầu hết kết quả kinh doanh đều do các doanh nghiệp tự công bố. Một số hãng sau đó phản hồi lại số liệu này không hoàn toàn chính xác 100% dựa trên số liệu thực họ có.
Cuộc đua đốt tiền – ngại rủi ro sẽ không có chỗ đứng
Trao đổi với Dân trí, chuyên gia Đỗ Hoà cho rằng, thị trường taxi công nghệ hiện nay chính là cuộc đua đốt tiền. Cuộc đua giành cho những kẻ lắm tiền, không phải cuộc chơi của những anh nhà nghèo, sợ rủi ro. Nếu anh không mạnh nguồn lực lại ngại rủi ro thì sẽ không có chỗ đứng.
Không chỉ riêng ngành taxi công nghệ, ông Hoà cho rằng hầu hết tất cả các lĩnh vực hướng tới thị trường lớn thì đều đòi hỏi khoản đầu tư ban đầu cực kỳ tốn kém.
Các ngành này không như những ngành B2B (Business to Business – kết nối doanh nghiệp) hay phân khúc thị trường ngách… mà đặc thù của nó là nhắm vào thị trường lớn, cho nên đòi hỏi sau một thời gian nhất định nào đó, anh phải chiếm được thị phần tương đối hay một cái ngưỡng nào đó.
Tức là trong thời gian bao lâu anh phải đạt được một con số nhất định về đơn hàng, hay một lượng khách hàng thì lúc anh mới tồn tại được. Nếu anh không đạt được mục tiêu, thu không bù chi thì sẽ “chết”.
Chuyên gia Đỗ Hoà nhấn mạnh: Không thể có chuyện “tay không bắt giặc” hay mỏng vốn mà chiến thắng được trong cuộc đua này được. Ở đây chỉ có ít tiền và nhiều tiền. Nhiều tiền thì họ bơm mạnh, làm tới. Ít tiền thì chỉ còn cách đầu tư thật tốt vào khâu marketing, năng lực marketing quản lý thật hiệu quả, để làm sao bỏ ra một đồng thì hiệu quả gấp nhiều lần. Chỉ có cách như vậy thôi.
“Để giành giật khách hàng, tài xế, Grab hay Go-Viet đưa ra khuyến mại 1 nghìn đồng với 2 nghìn đồng/cuốc xe để rồi bù lỗ. Mấy doanh nghiệp dám như vậy?”, ông Hoà nói.
Nguyễn Mạnh