1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Số liệu gây sốc: 94% người trong một khảo sát nghĩ xấu về bảo hiểm

Bảo Yến

(Dân trí) - Phân tích tổng cộng gần 850.000 thảo luận trên các nền tảng mạng xã hội từ vụ việc diễn viên Ngọc Lan livestream về bảo hiểm Manulife, một đơn vị nghiên cứu đưa ra những con số khá giật mình.

Khởi nguồn chỉ từ một buổi livestream của diễn viên Ngọc Lan, khủng hoảng mới đây của ngành bảo hiểm đã thổi bùng lên tâm lý bức xúc trong dư luận. Sau 3 tuần diễn ra, thái độ của người dân đối với bảo hiểm nhân thọ giờ đây ra sao và ảnh hưởng của sự vụ đối với uy tín của các công ty trong ngành hiện như thế nào?

Khủng hoảng lớn của ngành bảo hiểm

Theo thống kê và phân tích tổng cộng hơn 846.000 thảo luận trên các nền tảng mạng xã hội (MXH) về livestream của diễn viên Ngọc Lan và các sự kiện liên quan của một đơn vị truyền thông là YouNet Media, 16 cuộc khủng hoảng trước đó của ngành bảo hiểm từ 2020 đến 2022 gộp lại cũng chỉ thu hút hơn 410.000 thảo luận, bằng chưa đến một nửa riêng khủng hoảng lần này.

Các số liệu trong báo cáo này đang đồng loạt chỉ ra rằng khủng hoảng lần này của ngành bảo hiểm nhân thọ nhiều khả năng sẽ không dừng lại ở một sự vụ riêng lẻ. Khủng hoảng đó sẽ để lại hệ lụy kéo dài cho uy tín của ngành. Đúng như nhận định mới đây của đại diện Hiệp hội Bảo hiểm, ngành bảo hiểm đang trải qua một cuộc khủng hoảng lớn nhất từ trước đến nay.

Không chỉ mang sắc thái tiêu cực mà phản ứng của cộng đồng mạng với sự vụ lần này còn đặc biệt kéo dài. "Mồi lửa" cho khủng hoảng - buổi livestream của diễn viên Ngọc Lan xuất hiện ngày 7/4. Nhưng tới tận ngày 25/4, tức gần 3 tuần sau đó, sự chú ý của cộng đồng mạng với sự vụ mới dần lắng xuống. Ngay cả sau khi các nhân vật chính có hành động "giảng hòa" vào ngày 20/4, lượng thảo luận mang sắc thái tiêu cực của cộng đồng mạng vẫn rất cao (đạt 27.900 thảo luận tiêu cực riêng trong ngày 20/4). 

94% mẫu khảo sát đánh giá tiêu cực về uy tín của bảo hiểm nhân thọ

Cụ thể, trong thời gian từ ngày 7/4 đến ngày 25/4, trên các mạng xã hội, có 3 chủ đề của ngành bảo hiểm nhân thọ đặc biệt nhận rất nhiều phản hồi tiêu cực là: uy tín của ngành bảo hiểm nhân thọ, kênh bancassurance (bảo hiểm được phân phối qua kênh ngân hàng) và các đại lý bảo hiểm.

Có đến 3.839 thảo luận - chiếm 97% tổng số thảo luận về kênh Bancassurance là tiêu cực; 9.929 thảo luận - chiếm 90% tổng số bày tỏ thái độ tiêu cực đối với các đại lý bảo hiểm; đặc biệt 72.318 thảo luận - chiếm 94% - là các đánh giá tiêu cực của cộng đồng mạng về uy tín của ngành bảo hiểm nhân thọ.

Số liệu gây sốc: 94% người trong một khảo sát nghĩ xấu về bảo hiểm - 1

(Nguồn: Chụp từ báo cáo).

Chỉ dấu này cho thấy sự sụt giảm nhanh và nghiêm trọng về niềm tin của người tiêu dùng đối với ngành khi mới năm ngoái, đơn vị đưa báo cáo trên ghi nhận trên mạng xã hội vẫn có 66% thảo luận tích cực về uy tín của bảo hiểm nhân thọ.

Doanh nghiệp bảo hiểm truyền thông chưa đúng trọng tâm?

Trong bối cảnh uy tín bị sụt giảm, cách truyền thông và tư vấn cho khách hàng của các công ty bảo hiểm nhân thọ dường như chưa giải đáp được những e ngại và hiểu lầm của khách hàng. 

Theo thống kê, trong năm 2022, các công ty bảo hiểm nhân thọ đã tung đến 10 chiến dịch truyền thông xoay quanh chủ đề khơi gợi cảm xúc, tình yêu thương gia đình. Cùng lúc đó, chỉ có vỏn vẹn 3 chiến dịch tập trung giúp khách hàng hiểu đúng và đủ về lợi ích thực tế của bảo hiểm nhân thọ.