1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Số liệu gây choáng: Hàng chục nghìn tấn gà thải nhập vào Việt Nam mỗi tháng

Phương Liên

(Dân trí) - Ngành chăn nuôi gia cầm nước ta đang đối diện nhiều khó khăn. Mỗi tháng, theo thống kê của VIPA, hàng chục nghìn tấn gà thải, thậm chí cả sản phẩm chứa chất gây ung thư, được nhập lậu qua biên giới.

Hàng chục nghìn tấn gà thải được nhập lậu?

Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA) vừa gửi kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng các bộ, ngành liên quan xem xét các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi gia cầm.

Theo số liệu thống kê của VIPA, mỗi tháng có hàng chục nghìn tấn gà sống đẻ thải loại được nhập lậu qua biên giới vào nước ta. Tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam tiếp tục diễn ra phức tạp tại các địa phương chung biên giới với các nước, đặc biệt là tại các tỉnh miền Trung và miền Nam.

Đây không những là một trong các nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm các chủng vi rút cúm gia cầm thể độc cực cao và các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác vào Việt Nam mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi gia cầm trong nước.

Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều phụ phẩm chăn nuôi giá rất rẻ như chân, đầu, cổ, cánh, da, lòng mề gia cầm… Đặc biệt gà đẻ loại thải đông lạnh đã bỏ đầu, bỏ chân và nội tạng vốn không được sử dụng làm thực phẩm cho người tại các nước phát triển vẫn được nhập khẩu với khối lượng rất lớn vào thị trường Việt Nam.

Số liệu gây choáng: Hàng chục nghìn tấn gà thải nhập vào Việt Nam mỗi tháng - 1

Mỗi tháng có hàng chục nghìn tấn gà thải được nhập lậu qua biên giới vào Việt Nam (Ảnh: MXH).

Theo số liệu của VIPA, trong 5 năm gần đây, sản lượng thịt gà nhập khẩu hàng năm tăng liên tục, ước tính chiếm 20-25% tổng sản lượng thịt gà tiêu thụ ở Việt Nam.

Nếu tình trạng này không được kiểm soát thì không những sản xuất gia cầm trong nước ngày càng khó khăn hơn mà còn có thể gây hậu quả cho sức khỏe của người tiêu dùng nước ta.

Nhập khẩu sản phẩm có chứa chất gây ung thư

Cũng theo đại diện VIPA, so với các nước có nền chăn nuôi phát triển, các quy định kỹ thuật về nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi của nước ta chưa rõ ràng và thiếu chặt chẽ.

Chẳng hạn, kể từ năm 2014, việc sử dụng Ractopamine, Cysteamine làm chất kích thích sinh trưởng, tạo nạc cho vật nuôi đã bị cấm tại 160 quốc gia trên thế giới vì nguy cơ gây ung thư cho người sử dụng.

Tuy nhiên, nghịch lý là hàng năm Việt Nam vẫn nhập khẩu một lượng lớn thịt lợn, bò và gà từ một số quốc gia được phép sử dụng 2 chất trên cho gia súc, gia cầm.

Trong khi đó, để xuất khẩu được sản phẩm chăn nuôi, các doanh nghiệp Việt Nam phải chịu rất nhiều rào cản kỹ thuật nghiêm ngặt từ các nước nhập khẩu, khiến các sản phẩm chăn nuôi của nước ta đang bị yếu thế và thiệt thòi ngay tại thị trường trong nước.

Do ảnh hưởng tiêu cực kéo dài của dịch Covid-19, chi phí vật tư đầu vào tăng cao kỷ lục, thị trường tiêu không ổn định và giá sản phẩm đầu ra giảm sâu. Có thời điểm giá bán một số sản phẩm gia cầm chỉ bằng 2/3 giá thành sản xuất, khiến ngành gia cầm đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức.

Điều này khiến nhiều doanh nghiệp và trang trại chăn nuôi gia cầm đối diện với nguy cơ phá sản, hàng nghìn cơ sở chăn nuôi gà, vịt phải giảm quy mô sản xuất, hoặc phải tạm ngừng hoạt động do thua lỗ kéo dài.

Doanh nghiệp chăn nuôi đứng trước nguy cơ phá sản

Trao đổi với Dân trí, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, cho biết các sản phẩm chăn nuôi trong nước, đặc biệt là các loại thịt lợn và gia cầm đều bán dưới giá thành sản xuất khiến người chăn nuôi thua lỗ nặng. Tình trạng này khiến nhiều doanh nghiệp phá sản, người chăn nuôi vỡ nợ, bỏ trống chuồng.

Ngoài sức mua giảm, việc nhập khẩu ồ ạt các loại thực phẩm, nhất là thực phẩm động lạnh giá rẻ vào Việt Nam cũng là nguyên nhân gây ảnh hưởng lớn đến thị trường chăn nuôi trong nước. "Hầu hết các bếp ăn công cộng như trường học, bệnh viện, khu công nghiệp… đều muốn tìm đến các nguồn thực phẩm đông lạnh nhập khẩu với mức giá rẻ bằng một nửa so với sản phẩm cùng loại trong nước"

Qua đó, ông Dương cho rằng nếu vấn đề này không được kiểm soát thì không những ảnh hưởng bất lợi cho người chăn nuôi trong nước mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng. Không chỉ vậy, về lâu dài còn ảnh hưởng đến vấn đề an ninh dinh dưỡng của đất nước, vì người sản xuất chăn nuôi sẽ không thể trụ được với thị trường. "Việt Nam, một nước nông nghiệp nhưng không lâu nữa sẽ là nước nhập thịt", ông nhấn mạnh.

Số liệu gây choáng: Hàng chục nghìn tấn gà thải nhập vào Việt Nam mỗi tháng - 2

Ngành chăn nuôi trong nước đang gặp nhiều khó khăn (Ảnh: Nguyễn Cường).

Để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng cho các doanh nghiệp chăn nuôi trong nước và không tạo ra nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng, hiệp hội kiến nghị Chính phủ kịp thời ban hành văn bản cấm nhập khẩu các sản phẩm thịt từ các nước sử dụng chất kích thích sinh trưởng Ractopamine, Cysteamine.

Đồng thời, phía hiệp hội này kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các bộ, ngành liên quan cần triển khai ngay các biện pháp phi thuế quan để bảo vệ sản xuất và sức khỏe người tiêu dùng nước ta. Theo đó, sớm xây dựng các hàng rào kỹ thuật một cách hợp lý và phù hợp với thông lệ quốc tế nhằm hạn chế tình trạng nhập siêu gia cầm, sản phẩm gia cầm như thời gian vừa qua.

Bên cạnh đó, để tình trạng trên không tái diễn, VIPA đề nghị các bộ ngành cùng các địa phương thường xuyên, liên tục tổ chức kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm và sản phẩm gia cầm qua biên giới.