SME chiếm 96% tổng khách hàng doanh nghiệp của Agribank
(Dân trí) - Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) chiếm 96% trong tổng số khách hàng doanh nghiệp đang vay vốn tại Agribank. Ngân hàng xác định đây là đối tượng ưu tiên và luôn dành những chính sách hỗ trợ, ưu đãi xuyên suốt.
Tham dự hội thảo "Tháo van tín dụng - khơi thông tăng trưởng" do báo Dân trí tổ chức ngày 17/11 tại TPHCM, ông Nguyễn Văn Bách - Trưởng ban Chính sách tín dụng của Agribank chia sẻ về tình hình tăng trưởng tín dụng 10 tháng đầu năm 2023 và các chương trình vay vốn ưu đãi hỗ trợ khách hàng, nhất là nhóm SME (doanh nghiệp vừa và nhỏ).
Lãi suất cho vay xuống thấp kỷ lục
Ông Bách cho biết, tính từ đầu năm đến đầu tháng 11, Agribank 7 lần giảm lãi suất cho vay. Theo đó, sàn lãi suất cho vay ngắn hạn giảm 1,3-4%/năm tùy từng lĩnh vực. Sàn lãi suất cho vay trung dài hạn giảm 0,3-1,5%/năm. Lãi suất cho vay của Agribank hiện thuộc nhóm thấp trên thị trường, bằng mức trước thời điểm Covid-19 diễn ra. "Chưa có lúc nào lãi suất cho vay lại thấp như lúc này", ông Bách nhấn mạnh.
Agribank với vai trò là ngân hàng thương mại Nhà nước, quy mô tín dụng lớn, dư nợ tín dụng hiện đạt khoảng 1,5 triệu tỷ đồng. Thời gian qua, ngân hàng đã giảm lãi suất trực tiếp với 440.000 tỷ đồng dư nợ hiện hữu, tổng số tiền lãi đã giảm khoảng 850 tỷ đồng và 1,7 triệu khách hàng được hưởng lợi.
Agribank đã triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP. Theo đó, Agribank phê duyệt cấp tín dụng 4 dự án nhà ở xã hội với tổng số tiền gần 2.000 tỷ đồng. Các chi nhánh Agribank đang tiếp cận 12 dự án nhà ở xã hội khác với tổng số tiền cấp tín dụng dự kiến gần 12.000 tỷ đồng.
Với chương trình cho vay đối với lĩnh vực lâm, thủy sản quy mô 15.000 tỷ đồng, Agribank tham gia 3.000 tỷ đồng. Đến 31/10, doanh số cho vay đạt gần 2.400 tỷ đồng với hơn 1.800 khách hàng và lãi suất giảm 1-2%.
Ngân hàng cũng tích cực triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31 của Chính phủ. Đến ngày 31/10, Agribank đã thực hiện hỗ trợ lãi suất với gần 10.000 lượt giải ngân, doanh số cho vay đạt trên 14.000 tỷ đồng.
Về việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, khách hàng bị ảnh hưởng của Covid-19 và gặp khó khăn trong việc sản xuất kinh doanh, ngân hàng cũng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng gặp khó khăn theo Thông tư 02 của NHNN. Đến 31/10, Agribank đã cơ cấu nợ hơn 34.000 tỷ đồng.
"Các doanh nghiệp không bán được hàng có thể không nhập đầu vào, còn ngân hàng thương mại không giải ngân được nhưng khách hàng đến gửi tiền không thể không nhận", ông Bách nói.
Như vậy, ngân hàng thương mại cũng rất áp lực khi chi phí vốn tăng mà không cho vay ra được.
Xác định rằng ngân hàng - khách hàng luôn là bạn đồng hành, trong năm 2023, Agribank liên tục triển khai 8 chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất hướng tới đối tượng khách hàng là doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực ưu tiên và tiêu dùng cá nhân với quy mô gần 200.000 tỷ đồng, mức lãi suất thấp hơn 2-3%/năm so với lãi suất cho vay thông thường. Riêng đối với khách hàng doanh nghiệp, Agribank triển khai 5 chương trình với quy mô 165.000 tỷ đồng.
Khách hàng SME được ưu tiên
Ông Bách nhấn mạnh, trong các chương trình ưu đãi của Agribank năm 2023, SME được áp dụng tại 4 chương trình với quy mô 145.000 tỷ đồng, mức lãi suất hỗ trợ tối đa 2%. Trong đó nhóm doanh nghiệp xuất khẩu là 25.000 tỷ đồng. Nhóm SME kinh doanh đa lĩnh vực cũng có 10.000 tỷ đồng.
Theo thống kê của Agribank, SME đang chiếm 96% tổng khách hàng doanh nghiệp của ngân hàng và chiếm 80% tổng dư nợ trong các dư nợ của nhóm khách hàng doanh nghiệp. Số liệu đó cho thấy khách hàng SME đang được ngân hàng quan tâm.
"Agribank luôn xác định tập khách hàng SMEs được ưu tiên và chúng tôi luôn có những chính sách ưu đãi, triển khai xuyên suốt", Trưởng ban Chính sách tín dụng Agribank nói.
Nhà băng này có chương trình tín dụng với nhóm khách hàng SME trị giá 10.000 tỷ đồng cho vay đa lĩnh vực, cho vay theo đối tượng, lĩnh vực riêng biệt để khách dễ tiếp cận. Với khách không có nhu cầu vốn lưu động mà đầu tư, ngân hàng cũng có gói 10.000 tỷ đồng với lãi suất rất ưu đãi tùy theo quy mô khoản vay, dành cho các dự án trung, dài hạn.
"Chúng tôi xác định rằng ngân hàng huy động về là để cho vay chứ không cất trong két. Với tinh thần như thế, Agribank đang thực hiện nhiều chương trình để thúc đẩy tín dụng, khơi thông nền kinh tế và được triển khai tại tất cả các chi nhánh Agribank trên toàn quốc", ông Bách tái khẳng định.
Hội thảo "Tháo van tín dụng - khơi thông tăng trưởng" do báo Dân trí tổ chức trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng 10 tháng khá chậm khi nền kinh tế có nhiều thách thức, doanh nghiệp khó khăn trong đơn hàng xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, sức hấp thụ vốn vay thấp.
Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại, chuyên gia kinh tế - tài chính, Hội doanh nhân trẻ TPHCM, doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề, sinh viên các trường đại học ở TPHCM. Các diễn giả đã chia sẻ nhiều góc nhìn về nền kinh tế, tình hình tăng trưởng tín dụng cũng như đề xuất một số giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.