SJC có quyền tổng giám đốc mới sau tin 6 nhân sự tại đơn vị bị khởi tố
(Dân trí) - Theo thông tin giới thiệu, ông Đào Công Thắng chính thức giữ chức quyền Tổng giám đốc SJC. Diễn biến nhân sự diễn ra trong bối cảnh 6 nhân sự tại SJC vừa bị khởi tố.
SJC có quyền tổng giám đốc mới
Mới đây, website chính thức của Công ty TNHH Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) vừa cập nhật thông tin mới về biến động nhân sự tại doanh nghiệp này.
Theo thông tin cập nhật, ông Đào Công Thắng hiện giữ chức quyền Tổng giám đốc. Trước đó, theo báo cáo tài chính năm 2023, ông Thắng giữ chức vụ Phó tổng giám đốc, và được tái bổ nhiệm từ 30/7/2019. Ông Thắng lần đầu được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc SJC vào tháng 4/2014.
Tuy nhiên, trên website của SJC chưa công bố văn bản chính thức về việc bổ nhiệm quyền tổng giám đốc mới. Đơn vị này hiện chỉ thay đổi tên, chức danh tại phần giới thiệu sơ đồ tổ chức của doanh nghiệp.
Trước ông Thắng, chức vụ Tổng giám đốc SJC do bà Lê Thúy Hằng nắm giữ. Bà Hằng chính thức nhận chức Tổng giám đốc SJC vào tháng 12/2019.
Còn theo thông tin từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp tính đến ngày 25/12, người đại diện pháp luật đang là bà Lê Thúy Hằng.
Diễn biến nhân sự mới của SJC diễn ra trong bối cảnh Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an, cho biết Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án tham ô tài sản và lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC.
Nội dung nói trên được Thiếu tướng Tuyên nêu tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 9/11. Theo Thiếu tướng Tuyên, quá trình điều tra, ngày 16/9, Bộ Công an đã khởi tố 6 bị can về các tội Tham ô tài sản và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Điều tra ban đầu xác định, các bị can đã lợi dụng việc mua bán vàng bình ổn giá, lập khống chứng từ sổ sách, chiếm đoạt tài sản. Bộ Công an đang tập trung củng cố tài liệu chứng cứ, mở rộng điều tra, thu hồi triệt để tài sản bị chiếm đoạt.
SJC hiện kinh doanh ra sao?
Theo báo cáo tài chính đến hết năm 2023, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh vàng năm 2023 của SJC đạt 28.408 tỷ đồng, tăng gần 5% so với năm 2022. Nếu tính doanh thu từng ngày, mỗi ngày đơn vị này thu gần 78 tỷ đồng.
Dù ghi nhận doanh thu "khủng" nhưng giá vốn hàng bán hàng của SJC đã chiếm tỷ lệ 99% doanh thu, ghi nhận tại mức 28.166 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận gộp chỉ có hơn 241,6 tỷ đồng (thấp hơn 8 tỷ đồng so với năm 2022), tương đương biên lãi gộp 0,85%.
Khoảng cách chênh lệch lớn giữa lợi nhuận và doanh thu diễn ra ở SJC trong nhiều năm qua. Giá vốn cao là nguyên nhân ăn mòn lợi nhuận doanh nghiệp, chiếm tỷ trọng lớn so với doanh thu, thường khoảng 98-99%.
Năm 2023, công ty báo lãi trước thuế đạt 88 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2022 - mức lợi nhuận cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận gần 61 tỷ đồng, tăng 24%. So với kế hoạch đề ra, công ty này thực hiện hơn 93% chỉ tiêu doanh thu, vượt 7,4% về lợi nhuận.
Năm nay, SJC đặt mục tiêu sản xuất 31.692 lượng vàng miếng, gần 445.000 món nữ trang. Kế hoạch tổng doanh thu dự kiến là 30.145 tỷ đồng với lợi nhuận sau thuế hơn 70 tỷ đồng, lần lượt tăng 6% và 15% so với thực hiện năm trước. Nếu kế hoạch này đạt được, công ty sẽ có năm doanh thu kỷ lục còn lợi nhuận cao nhất kể từ năm 2018 đến nay.
SJC được biết là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, trực thuộc UBND TPHCM. Theo kế hoạch về sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước, SJC sẽ do Nhà nước nắm 100% vốn đến hết năm 2025. Vì vậy, công ty sẽ không thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn cho đến thời điểm đó.