Sính ngoại: Dân Việt đổ 11 tỷ USD mua xe nhập, ô tô cũ tiếp tục “đóng băng”
(Dân trí) - Trong tuần, thông tin gây chú ý cho người đọc nhiều nhất chính là việc người Việt tung ra khoảng 11 tỷ USD để mua nửa triệu xe ngoại trong 7 năm; trong khi thị trường xe trong nước tiếp tục “lặng bóng”, xe mới không còn được giảm giá, xe cũ tiếp tục đóng băng, ế ẩm.
Bình quân, mỗi năm người Việt trích 38.000 tỷ đồng mua xe ngoại
Từ năm 2011 đến 2017, dù kinh tế chưa thực sự phát triển mạnh, song lượng người dân Việt mua xe hơi nước ngoài đã tăng rất mạnh từ chỗ chỉ có khoảng 54.600 chiếc, đã tăng lên đỉnh điểm 125.000 chiếc năm 2015, giảm nhẹ xuống còn 97.200 chiếc năm 2017.
Dân Việt đổ 11 tỷ USD mua xe nhập, ô tô cũ tiếp tục “đóng băng”Dân Việt đổ 11 tỷ USD mua xe nhập, ô tô cũ tiếp tục “đóng băng”Tổng lượng xe nhập khẩu về Việt Nam trong 7 năm qua ước đạt khoảng 528.000 chiếc, đáng nói xe con dưới 9 chỗ ngồi và xe tải nhập khẩu về Việt Nam chiếm lượng lớn với trên 87% tổng lượng xe nhập nguyên chiếc.
Về diễn biến thị trường, từ năm 2011 đến tháng 7/2016, thị trường xe nhập vẫn có lợi thế phát triển mạnh mẽ khi chính sách thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) chưa được thay đổi theo Luật số 106 (được Quốc hội thông qua, có hiệu lực tháng 7/2016).
Sự thay đổi đáng chú ý từ tháng 7/2016 là các dòng xe bán tại thị trường Việt Nam có dung tích cao từ 3.0L trở lên thay vì hưởng mức thuế TTĐB thấp 45% đến 50% như trước đây, nay bị đẩy lên mức thuế suất từ 60%, 90% và 150%. Điều này khiến cho xu hướng nhập khẩu xe về Việt Nam năm 2017 giảm xuống, các loại xe theo tiêu chuẩn châu Âu, Mỹ, Trung Đông gặp khó khi về Việt Nam.
Hiện, ô tô nhập khẩu, đồ điện tử tiêu dùng, máy móc là những mặt hàng gây thâm hụt thương mại lớn cho Việt Nam, trong đó ô tô cá nhân không được khuyến khích nhập khẩu mà được hướng sang sử dụng ô tô trong nước để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp lắp ráp trong nước.
Cuộc chiến xe đa dụng "không hồi kết"
Nhìn vào thị trường xe hiện nay, người ta thấy phân khúc xe đa dụng MPV, Crossover hay SUV đang ngày càng có sự đa dạng về chủng loại, mẫu mã, chất lượng cũng như giá tiền.
Mức giá xe ở ngưỡng 700 triệu đến 800 triệu đồng hiện khá nhiều, các dòng xe cạnh tranh nhau nên ngày càng đưa giá xe xuống mức thấp hơn đối thủ và vét khách của các thị trường khác.
Trước đây, Innova thống trị phân khúc xe Crossover, thì nay nó bị cạnh tranh quyết liệt với các dòng xe SUV cỡ nhỏ khác về giá lẫn mẫu mã, tiện nghi. Nếu như Honda CRV từng được coi là tượng đài của xe SUV gia đình, doanh nhân thì nay nó bị cạnh tranh bởi các dòng xe thời thượng hơn như Fortuner, Mazda CX5, SantaFe...
Nếu như năm 2016 - 2017, Mazda CX5 nổi lên như một hiện tượng của dòng xe Crossover rất được lòng khách Việt, thì nay nó có thêm rất nhiều đối thủ mới như Tucson của Hyundai hay Chevrolet Trailblazer, Mitsubishia Outlander, Izuzu MUX, Nissan Xtrail…
Thị trường xe 5 chỗ, 7 chỗ của Ford Everet hay Toyota Fortuner đang ngày càng bị cạnh tranh, đe dọa bởi các dòng xe khác nhau. Mới đây sự xuất hiện của Chevrolet Trailblazer với giá khoảng 800 triệu đồng đã thổi sức nóng vào thị trường xe đa dụng vốn đã nhiều đối thủ cạnh tranh. Hay sắp tới, thông tin lan truyền có thể dòng xe Honda HRV nhập khẩu từ Thái Lan hay Toyota Rush nhập khẩu từ Indonesia có thể về nước, cuộc chơi xe đa dụng sẽ ngày càng gay cấn hơn nữa.
Hàn Quốc mới là nước xuất khẩu xe số 1 vào Việt Nam
Dường như năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, người ta dành quá nhiều bút mực để nói về xe Thái với cơn lốc "không thuế" về Việt Nam. Tuy nhiên, báo cáo bằng những con số của Tổng cục Hải quan chỉ rõ: Hàn Quốc mới là nước xuất khẩu xe hơi nhiều nhất vào Việt Nam.
Từ năm 2011 đến hết năm 2017, xe các loại của Hàn Quốc vào Việt Nam đạt khoảng 165.000 chiếc, chiếm hơn 31% tổng lượng xe nhập vào Việt Nam, trong khi đó hai thị trường có xe nhập nhiều nhất là Thái Lan cũng chỉ nhập vào Việt Nam 140.200 chiếc xe, xe Ấn Độ là 131.800 chiếc.
Về chủng loại, xe con dưới 9 chỗ ngồi của Hàn Quốc nhập vào Việt Nam chỉ đứng sau lượng xe của Ấn Độ về Việt Nam với khoảng 84.200 chiếc, đứng thứ 2 trong nhóm 5 nước xuất khẩu xe lớn nhất vào Việt Nam. Hàn Quốc cũng là nhà nhập khẩu xe chuyên dụng lớn nhất vào Việt Nam.
Thực tế, với mối quan hệ thương mại thuận lợi, các hãng xe Hàn ở Việt Nam đang được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn như Hyundai, Kia đã và đang cạnh tranh sòng phẳng với các hãng xe Nhật, Đức và Mỹ ở thị trường Việt.
Hơn nữa, bên cạnh việc Hiệp định thương mại tự do Việt - Hàn được ký kết và thực hiện sẽ mở ra cơ hội giảm thuế cho xe từ Hàn vào Việt Nam thì các doanh nghiệp Việt làm đối tác lắp ráp xe Hàn như Thaco - Trường Hải, Thành Công, đặt ra cơ hội để Việt Nam sẽ trở thành thị trường lớn cho các loại xe Hàn.
Chưa một chiếc xe hơi Indonesia nào về được Việt Nam
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết: Tính đến ngày 26/4, chưa có chiếc xe ô tô nào của Indonesia được nhập về nước ta từ đầu năm đến nay. Như vậy, từ chỗ là nước xuất khẩu xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi nhiều thứ 2 vào Việt Nam, xe Indonesia đang mất hút trên thị trường cho dù lợi thế về thuế của các loại xe này tương đương với các hãng ở Thái Lan.
Như các tuần trước đó, xe hơi nhập về Việt Nam chủ yếu là xe dưới 9 chỗ ngồi với 487 chiếc, trị giá khoảng 9,3 triệu USD. Toàn bộ số xe được nhập về hai cảng chính là cảng Hải Phòng (250 chiếc) và cảng TP.HCM (230 chiếc).
Về xuất xứ loại xe dưới 9 chỗ ngồi, xe Thái vẫn chiếm chủ yếu, đạt 479 chiếc (chiếm 98,4%) tổng lượng xe dưới 9 chỗ nhập khẩu. Ô tô từ Thái Lan tiếp tục chiếm lĩnh thị trường Việt Nam.
Trong khi đó, hầu hết các dòng xe dưới 9 chỗ từ các thị trường khác không thể nhập vào được Việt Nam số lượng lớn như trước kia, trong đó đáng chú ý là xe từ Indonesia, nước từng đứng thứ 2 về lượng xe nhập vào Việt Nam và có lợi thế về bãi bỏ thuế quan tương đồng như Thái Lan khi tiếp cận thị trường Việt Nam.
Trước đó, năm 2017, xe dưới 9 chỗ ngồi nhập nguyên chiếc từ Indonesia và Ấn Độ chiếm lượng lớn trong tổng số xe con nhập khẩu về Việt Nam, Ấn Độ đứng đầu với hơn 55.100 chiếc; Indonesia đứng thứ 2 với hơn 13.400 chiếc, lượng nhập xe dưới 9 chỗ nhiều hơn khoảng 3.000 chiếc so với lượng xe dưới 9 chỗ ngồi của Thái nhập về Việt Nam.
Các chủng loại xe nhập từ Indonesia chủ yếu là Toyota, trong đó nhiều nhất là dòng xe SUV ăn khách Fortuner khi liên doanh Toyota Việt Nam từ bỏ mảng lắp ráp loại xe này tại Vĩnh Phúc để nhập nguyên chiếc từ Indonesia.
Theo nhiều đồn đoán, Toyota đang đẩy nhanh việc nhập khẩu xe hơi vào Việt Nam, trong đó hé lộ thông tin xe cỡ nhỏ Toyota Rush sẽ được nhập về để cạnh tranh với các dòng xe đa dụng cỡ nhỏ, giá rẻ đang có sức hút lớn trên thị trường như Mazda CX%, Honda CRV…
Xe sang cũ "ế sưng" vì hàng loạt thông tin bất lợi từ thị trường
Mặc dù nhiều mẫu xe sang qua sử dụng đã giảm giá đến 50% thậm chí nhiều đại lý cho biết có những chiếc xe sang đời cũ giảm giá kịch sàn chỉ còn 200 đến 300 triệu đồng song vẫn rất ít xe được mua. Thậm chí nhiều chủ đại lý còn quyết bỏ mảng xe sang cũ để chuyển sang xe giá rẻ cho dù có chục năm gắn bó.
Các thông tin bất lợi từ thị trường, chính sách như Thông tư 20, sau đó là Dự thảo Nghị định 116, rồi đến Nghị định 116 (có hiệu lực tháng 10/2017) đã chính thức "chặn đứng" các dòng xe cũ nhập khẩu về Việt Nam cùng lúc các dòng xe mới cũng khó khăn khi về được Việt Nam.
Ngoài các chính sách được luật hoá, quy định hoá, nhiều cách quản lý xe diện biếu tặng, xe ngoại giao của các đối tượng miễn trừ cũng bị siết chặt hơn, khiến thị trường xe cũ ngày càng trở nên ngặt nghèo hơn bao giờ hết, xe sang chuyển bằng đường biếu tặng, miễn trừ ngoại giao hết đất sống từ năm 2018.
Theo nhiều đại lý kinh doanh xe hơi, việc thị trường đa dạng xe mới khiến cơ hội của người mua xe ngày càng rộng mở và việc sở hữu xe ngày càng dễ dàng hơn. Chính vì điều này các loại xe cũ ngày càng khó khăn trong cuộc cạnh tranh về giá và khách hàng.
Nguyễn Tuyền
(Tổng hợp)