1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

"Siêu hiệp định" có hiệu lực ý nghĩa ra sao đối với các nước thành viên?

Nhật Linh

(Dân trí) - Là thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có hiệu lực sẽ mở đường cho chuỗi cung ứng châu Á - Thái Bình Dương linh hoạt hơn.

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), hiệp định thương mại được ký kết bởi 15 quốc gia, chiếm 1/3 dân số thế giới và khoảng 30% nền kinh tế toàn cầu, bao gồm Trung Quốc nhưng không có Mỹ, đã chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2022.

Nói với chương trình "Squawk Box Asia" của CNBC, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore - Gan Kim Yong nhấn mạnh, hiệp định RCEP sẽ thúc đẩy hợp tác và hội nhập trong khu vực.

"Đối với các doanh nghiệp, tôi nghĩ rằng họ có thể được hưởng rất nhiều lợi ích. Đầu tiên là về thuế quan, các doanh nghiệp có thể được hưởng tới 92% khi cắt giảm thuế quan", ông Gan nói và cho rằng thỏa thuận thương mại cũng sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận thị trường.

Siêu hiệp định có hiệu lực ý nghĩa ra sao đối với các nước thành viên? - 1

"Ở một mức độ nào đó, RCEP tạo điều kiện thuận lợi đáng kể cho logistic và phân phối cũng như khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng", Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore nói (Ảnh: Getty).

RCEP được coi là thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới, được ký kết bởi 10 quốc gia thành viên ASEAN và 5 đối tác thương mại lớn gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Các quốc gia này tạo ra một thị trường gồm 2,2 tỷ dân và 26.200 tỷ USD sản lượng toàn cầu.

Theo Bộ trưởng Singapore, hiệp ước sẽ cho phép minh bạch hơn và tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu dịch vụ trong các lĩnh vực như dịch vụ chuyên nghiệp, máy tính và dịch vụ kinh doanh cũng như logistic và phân phối. Các nhà đầu tư cũng được hưởng lợi nhờ các khoản đầu tư của họ được chắc chắn hơn.

"RCEP là một tín hiệu quan trọng đối với phần còn lại của thế giới rằng các quốc gia thành viên coi hội nhập và hợp tác là một hướng đi quan trọng để tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khu vực. Vì vậy, họ tin tưởng vào một hệ thống thương mại đa phương dựa trên các quy tắc", ông nói.

Riêng đối với Singapore, nước này đang có kế hoạch tham gia cùng các lãnh đạo doanh nghiệp, hội đồng kinh doanh và nhiều cơ quan ban ngành khác để chia sẻ cách thức mà các doanh nghiệp có thể tận dụng RCEP.

"Đó là một cuộc hành trình và hành trình này đầu tiên cần phải chia sẻ và đào tạo nhiều", ông nói và cho rằng "còn rất nhiều việc phải làm, nó không đơn giản chỉ là ký kết và đưa hiệp định đi vào hiệu lực".

RCEP có ý nghĩa gì đối với khu vực châu Á?

Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore cho rằng, hiệp định RCEP sẽ mở đường cho các nước thành viên thảo luận các để làm cho chuỗi cung ứng châu Á - Thái Bình Dương linh hoạt hơn. Đồng thời, thỏa thuận này cũng đơn giản hóa các thủ tục hải quan và thông quan hàng hóa cùng nhiều điều khoản khác.

"Ở một mức độ nào đó, RCEP tạo điều kiện thuận lợi đáng kể cho logistic và phân phối cũng như khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng", ông nói nhưng thêm rằng để đảm bảo chuỗi cung ứng tiếp tục hồi phục, các nước thành viên phải cùng nhau tìm kiếm giải pháp.

Chuỗi cung ứng toàn cầu đã bị gián đoạn trong năm 2020 do đại dịch Covid-19, khiến nhiều ngành công nghiệp trên khắp thế giới phải đóng cửa. Năm ngoái, khi các nước dần dỡ bỏ các hạn chế, nền kinh tế phục hồi nhanh trở lại khiến nhu cầu tăng đột biến. Điều đó dẫn đến sự hỗn loạn cho các nhà sản xuất và phân phối hàng hóa khi sản xuất không kịp cung ứng hoặc một số nguồn cung không nhiều như trước đại dịch. Một số lý do như thiếu lao động, khan hiếm các thành phần chính và nguyên liệu thô đã góp phần làm cho chuỗi cung ứng toàn cầu thêm tê liệt.

Ngoài ra, với biến thể mới Omicron đang lây lan nhanh chóng trên toàn cầu, rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng ngày càng tăng nếu các nước buộc phải đóng cửa một lần nữa.