Siết xe quá tải, xăng tăng giá… hàng hóa đua nhau tăng giá kép
(Dân trí) - Giá cước vận tải trong những ngày gần đây đã tăng đột biến từ 50 - 150% sau khi có quyết định siết xe quá tải và xăng tăng giá. Nhiều mặt hàng thiết yếu nhờ thế cũng đua nhau tăng giá.
Hàng hóa tăng giá kép
Theo khảo sát trên thị trường các mặt hàng xây dựng như: xi măng, sắt thép, gạch ngói đã rục rịch tăng giá còn các mặt hàng tiêu dùng gạo, rau củ, hoa quả, đường… đang tăng giá rất nhanh.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Cụ thể, tại các cửa hàng, chợ đầu mối, chợ lẻ tại Hà Nội giá cả đã bắt đầu tăng. Tại chợ đầu mối Long Biên, giá các loại hoa quả tăng đột biến từ 5000 – 10.000 đồng/kg, dưa hấu tăng 6.000 – 8.000đồng/kg, xoài tăng 5.000 – 8.000 đồng/kg, các loại chôm chôm, bơ cũng tăng 5.000 – 10.000 đồng/kg… Các loại rau củ như: khoai tây, cà rốt, táo, lê, nho xanh,…vận chuyển từ Trung Quốc cũng tăng từ 3.000 – 6.000 đồng/kg.
Theo anh Hiển (quê Yên Mỹ, Hưng Yên), một chủ đại lí dưa hấu tại chợ đầu mối Long Biên, giá hoa quả nói chung và giá dưa hấu nói riêng tăng bởi đây chủ yếu là các loại hoa quả nhập từ các tỉnh miền Nam, Trung Quốc vận chuyển đường dài nên bị siết vận tải rất chặt. Chính vì vậy, cước phí vận chuyển mới tăng đột biến. Anh Hiển cho hay, giá cước vận chuyển từ Sài Gòn ra Hà Nội trước đây được tính trung bình từ 1,7 – 2,3 triệu đồng/ tấn nhưng nay giá cước đã tăng lên tới 4, 5 – 5 triệu đồng/tấn.
“Siết xe quá tải, giá xăng dầu tăng làm cho cước vận tải tăng khiến hàng loạt các tiểu thương như chúng tôi sống dở chết dở. Nếu cố nhập hàng thì phải tăng giá bán mà tăng giá đồng nghĩa với tự giết mình lúc này khi lượng mua chắc chắn sẽ giảm vì giá quá đắt”, anh Hiển chia sẻ. Theo anh, trước đây xe 3,5 tấn nhưng lúc nào cũng chở trên 10 tấn nay chỉ siết đúng 3,5 tấn nên giá cước đắt lên gấp đôi, gấp 3.
Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp, tiểu thương đã chấp nhận tăng giá cước vận tải bằng cách đẩy giá bán lên cao để bù lại.
Người tiêu dùng phải gánh hậu quả khi siết chặt xe quá tải. Giá cả các loại hàng hóa: gạo, hoa quả, rau củ liên tục tăng trong mấy ngày gần đây.
Chị Thư, một chủ cửa hàng gạo tại ngõ 175 phố Xuân Thủy cho hay: “Không phải khan hiếm gạo, kho gạo mỗi ngày vẫn nhập 3 – 5 tấn như bình thường. Mấu chốt của tăng giá là giá cước vận chuyển và xăng dầu tăng. Chúng tôi không dám tăng giá ngay mà chọn giải pháp tăng dần dần cho người tiêu dùng bớt sốc nặng”.
Theo chị Thư, giá cước vận chuyển đã tăng trên 100% đáng lẽ kho gạo của chị phải tăng giá lên 3.000 đồng/kg mới cân bằng như lúc cước chưa tăng. Tuy nhiên, chị Thư nói sức mua của người dân đang giảm sút mà bây giờ tăng luôn 3.000 đồng họ sẽ không chịu nổi nên kho gạo chấp nhận tăng giá dần dần với mỗi lần tăng là 1.000 đồng/kg cho tất cả các loại gạo.
Tương tự, đường kính cũng tăng từ 500 – 1.000 đồng/kg. Riêng các mặt hàng nước ngọt, nước có ga cũng rục rịch tăng từ 5.000 – 10.000 đồng/thùng. Các loại mặt hàng khô, thực phẩm tươi sống, xi măng, sắt thép… cũng bắt đầu rủ nhau tăng giá! Trong đó các loại vật liệu xây dựng tăng trung bình từ 15 – 20%.
“Người tiêu dùng phải gánh”
Giá hàng hóa tăng, các bà nội trợ lại đau đầu vắt óc bởi các bài toán tiết kiệm khi chính mình là người trực tiếp lãnh hậu quả nặng nề nhất từ việc giá cước vận chuyển và xăng dầu.
Bất ngờ vì nhiều mặt hàng tăng giá cùng lúc, chị Thanh Vân (Xuân Thủy, Hà Nội) thẫn thờ: “Bình thường chợ đầu mối dịch vọng giá là ổn định và rẻ nhất nay cũng bắt đầu tăng giá. Cầm 100.000 đồng đi chợ mà chẳng mua được gì. Cũng biết là cước vận tải tăng là chính đáng nhưng giờ trăm thứ tăng giá thế này trong khi lương còm cõi thì chẳng biết phải tiết kiệm đến mức nào nữa”.
Chị Phương, một công nhân may đang đi chợ Thanh Liệt thật thà: “Mấy ngày nay đi chợ cứ đụng vào cái gì cũng tăng giá, từ rau củ đến thịt cá, gạo. Thật sự tôi chưa bao giờ cảm thấy sợ đi chợ như thế này, mỗi lần nghe thấy tăng giá chỉ nghĩ thôi đã bủn rủn hết chân tay”.
Trao đổi với PV, anh Lưu (công ty TNHH DV vận tải Thái Hùng) cho rằng quyết định siết cước vận chuyển là đúng đắn nhưng đã ảnh hưởng vô cùng lớn đến các công ty vận chuyển, hoạt động vận chuyển giảm sút rõ rệt.
Theo anh Lưu, cước vận chuyển đường bộ tăng là điều không thể thay đổi được nữa! Đây là lúc các tiểu thương cần tỉnh táo để sắp xếp và lựa chọn loại hình vận tải: đường sắt, đường biển…để giảm giá cước xuống đảm bảo hoạt động kinh doanh và gỡ khó cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, vận chuyển bằng đường biển, đường sắt chậm hơn nhiều so với đường bộ cũng là một thách thức lớn!
Theo các chuyên gia nhận định, các doanh nghiệp, tiểu thương cần hết sức thận trọng trong việc tăng giá trong thời điểm hiện nay nếu không sẽ bị phản ứng ngược. Với các mặt hàng bán chậm, ế ẩm thì không nên tăng giá bởi nếu tăng sẽ dẫn đến việc người tiêu dùng tẩy chay, sức mua ngày càng yếu đi.
Các chuyên gia cũng cho rằng các doanh nghiệp, tiểu thương cần tính đến việc thay đổi loại hình vận chuyển lâu dài phù hợp với từng loại mặt hàng để tránh gây hiệu ứng tăng giá đồng loạt cùng lúc khiến người tiêu dùng sốc!.