Shiseido: Đẹp là có quyền

Các nhà phân phối trong nước đi một chặng đường dài hơn 15 năm, để nhận ra phía cuối con đường là hai chữ dở dang.

Shiseido: Đẹp là có quyền   - 1
Các nhà phân phối cho rằng, Shiseido cố tình kinh doanh thua lỗ để làm cho nhà đầu tư nản lòng mà rút khỏi hệ thống Thủy Lộc.
 
Hệ thống phân phối sản phẩm Shiseido đã phải đóng cửa trong sự ấm ức của các cổ đông góp vốn phía Việt Nam. Để Shiseido (Nhật) là thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng tại Việt Nam, công lao không nhỏ thuộc về các nhà phân phối. Đứng đầu là Công ty Thủy Lộc, nhà phân phối độc quyền cho Shiseido.

 

15 năm qua, Thủy Lộc đã kêu gọi nhiều nhà đầu tư khác góp vốn để xây dựng nên một hệ thống phân phối Shiseido toàn quốc với 40 cửa hàng. Phụ nữ Việt Nam thích mua mỹ phẩm qua giới thiệu của người quen, nên rõ ràng sự tham gia của các nhà đầu tư bên cạnh vốn, còn có cả mạng lưới quan hệ, giúp xây dựng niềm tin đối với sản phẩm này. Công của nhà phân phối là vậy, nên khi Shiseido cho đóng cửa toàn bộ hệ thống phân phối của Thủy Lộc và các nhà đầu tư Việt Nam, dư luận đã có không ít băn khoăn.

 

Ngày 8/2/2012, trước báo giới, ông Tatsuki Nagao, Tổng Giám đốc Công ty Mỹ phẩm Shiseido Việt Nam, cho biết: “Chúng tôi không hề mong muốn chấm dứt mối quan hệ với Thủy Lộc, nhưng không còn chọn lựa nào khác vì lý do tranh chấp”.

 

Cách đây hơn 15 năm, giữa rất nhiều sự lựa chọn, Shiseido đã chọn Thủy Lộc làm nhà phân phối độc quyền của mình. Giờ đây, Shiseido lại không còn sự lựa chọn nào khác ngoài nói lời chia tay. Điều gì đã xảy ra khiến cho 2 đối tác lâu năm này không thể tìm đến một giải pháp mềm mỏng hơn?

 

Theo ông Tatsuki, chính Thủy Lộc cũng không còn toàn tâm toàn ý cho thương hiệu Shiseido nữa mà ưu tiên tập trung vào các hoạt động kinh doanh khác như bất động sản và các sản phẩm khác.

 

Trong khi đó, lại có quan điểm cho rằng sự việc trên nằm trong kế hoạch thôn tính của Shiseido. Trên trang web của Shiseido có thông tin đến năm 2014, công ty này sẽ sở hữu toàn bộ hệ thống phân phối tại khu vực châu Á.

 

Vào năm 2008, nhận thấy tiềm năng từ thị trường Việt Nam, Shiseido cho xây nhà máy sản xuất mỹ phẩm công suất nhỏ tại Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Nhà máy này sẽ sản xuất các mặt hàng mỹ phẩm cho nam giới xuất khẩu và tạo tiền đề cho việc mở rộng sản xuất các sản phẩm cho nữ giới bán tại thị trường Việt Nam.

 

Cùng với đó, từ một nhà cung cấp, Shiseido muốn chủ động luôn cả việc phân phối sản phẩm của mình. Đến năm 2010, Công ty Shiseido Cosmetics Vietnam, đơn vị 100% vốn đầu tư của nước ngoài đã mua lại tài sản và ký kết hợp đồng tư vấn quản lý các cửa hàng của Thủy Lộc.

 

Nói là tư vấn, nhưng Shiseido là đơn vị đứng ra quản lý các cửa hàng này. Shiseido chạy song song các cửa hàng do mình sở hữu hoàn toàn và các cửa hàng thuộc hệ thống Thủy Lộc.

 

Khi Shiseido có thể tự mở cửa hàng, từ đó nâng cao khả năng kiểm soát, cắt giảm chi phí thì vai trò của nhà phân phối mờ nhạt dần. Các nhà phân phối cho rằng, bên cạnh việc nâng cao vị thế của mình, Shiseido đang cố tình kinh doanh thua lỗ các cửa hàng thuộc hệ thống Thủy Lộc để làm nhà đầu tư Việt Nam nản lòng mà rút lui.

 

Năm 2010, kể từ khi Shiseido nắm quyền quản lý hệ thống phân phối của Thủy Lộc, kết quả kinh doanh của các cửa hàng này trượt dài, thậm chí có cửa hàng chỉ mới 6 tháng đầu năm lỗ đến 377 triệu đồng, điều chưa từng xảy ra trước đó. Chính vì thua lỗ nên 13 nhà đầu tư vào hệ thống phân phối của Thủy Lộc có nguy cơ mất vốn. Trong khi đó, doanh số của các cửa hàng 100% vốn Shiseido lại tăng trưởng từ 30-50%. Bất bình trước sự chênh lệch, các nhà đầu tư đòi Shiseido phải công bố thông tin hoạt động kinh doanh. Nhưng đối với Shiseido, dường như im lặng là vàng.

 

Không chịu ngồi yên, vào tháng 10/2011, các nhà đầu tư trong nước đâm đơn kiện Shiseido. Các tờ báo mạng đăng tải hình ảnh nhiều nhà đầu tư bức xúc cầm biểu ngữ ghi bằng 2 thứ tiếng Việt-Nhật có nội dung xung quanh việc Shiseido quản trị điều hành yếu kém gây thiệt hại ước tính 97 tỉ đồng cho nhà đầu tư trong nước.

 

Theo Shiseido, đó là do những nhà đầu tư này chỉ là đối tác làm ăn thỏa thuận với Thủy Lộc. Rất khó để xác định mối quan hệ của họ với Thủy Lộc và Shiseido không có trách nhiệm giải quyết quyền lợi cho họ. Shiseido tiếp tục hoạt động bình thường. Các nhà đầu tư khi đó thấy mình có nguy cơ mất vốn, gây sức ép lên Thủy Lộc, Thủy Lộc lại gây sức ép lên Shiseido.

 

Tháng 1/2012, sự việc lên đến đỉnh điểm khi Shiseido kiện Thủy Lộc ra tòa án quốc tế vì lý do không thực hiện đúng hợp đồng chuyển giao quyền điều hành như đã ký kết hồi năm 2010. Kéo theo đó, nguyên cả hệ thống phân phối sản phẩm Shiseido của Thủy Lộc bị buộc phải đóng cửa, hàng hóa, tài khoản bị phong tỏa.

 

Tạm bỏ qua một bên chuyện ai đúng ai sai sang một bên, có thể thấy cùng là đi kiện nhưng Shiseido đã nhanh chóng đạt được một số mục đích. Nhà đầu tư đi kiện Shiseido chưa được kết quả gì trong khi Shiseido đâm đơn lên tòa án quốc tế thì ngay lập tức hệ thống phân phối của Thủy Lộc bị tê liệt. Các chi nhánh bán hàng Shiseido không thuộc sở hữu của Shiseido và Thủy Lộc cũng bị phong tỏa.

 

Không biết sự việc đến khi nào mới được giải quyết ổn thỏa, nhưng có khoảng 200 lao động của hệ thống phân phối Thủy Lộc phải chờ lương và nhiều cơ sở kinh doanh có vốn của nhiều nhà đầu tư trong nước phải đóng cửa im ỉm nhìn một đống mỹ phẩm đang tiến gần đến ngày hết hạn. Còn Shiseido Cosmetics Vietnam? Công bố đại lý Shiseido do mình làm chủ, hoạt động bình thường, như chưa hề có cuộc chia ly...

 

Theo Quân Phan

Nhịp Cầu Đầu tư