Shark Thủy chấp nhận bán cổ phiếu Apax Holdings ở vùng đáy
(Dân trí) - IBC là cổ phiếu dịch vụ tài chính giảm mạnh nhất HoSE sáng nay giữa bối cảnh thị trường chung bất lợi, đồng thời Egroup chuẩn bị bán ra 6 triệu cổ phiếu để cơ cấu tài chính.
Thị trường chứng khoán mở phiên giao dịch đầu tuần không mấy thuận lợi khi hầu hết chỉ số trên thị trường đều rơi vào trạng thái điều chỉnh, thanh khoản co hẹp cho thấy sự thận trọng của nhà đầu tư.
VN-Index tạm đóng cửa phiên sáng giảm 13,95 điểm tương ứng 1,34% còn 1.031,19 điểm; VN30-Index giảm 18,4 điểm, tương ứng 1,76% còn 1.029,31 điểm. HNX-Index giảm 1,38 điểm, tương ứng 0,68% còn 203,09 điểm; UPCoM-Index giảm 0,23 điểm, tương ứng 0,3% còn 76,2 điểm.
Thanh khoản trên HoSE thu hẹp chỉ còn đạt 216,17 triệu cổ phiếu, tương ứng 3.683,92 tỷ đồng và trên HNX là 24,46 triệu cổ phiếu, tương ứng 356,98 tỷ đồng.
Thị trường đang bị bao trùm bởi sắc đỏ. Trên sàn HoSE mặc dù chỉ có 5 mã giảm sàn nhưng số mã giảm giá hoàn toàn áp đảo, lên tới 293 mã so với 68 mã tăng. Trên HNX có 100 mã giảm giá (10 mã giảm sàn), nhiều gấp gần 3 lần số mã tăng giá; trên UPCoM là 130 mã giảm so với 66 mã tăng. Tổng số mã giảm trên cả 3 sàn là 523 mã so với 173 mã tăng giá.
VHM và PLX là hai mã hiếm hoi trong rổ VN30 tăng giá, mức tăng lần lượt là 1,2% và 1,1%. Nhiều mã điều chỉnh mạnh như HDB giảm 4,1%; VJC giảm 4%; PDR giảm 3,7%; VRE giảm 3,2%; MSN giảm 3,2%; MWG giảm 2,7%; VIC giảm 2,6%; TPB giảm 2,2%; SSI giảm 2,2%; NVL giảm 2,2%... Trong rổ này, VIC, VCB, MSN, BID là những mã cổ phiếu có ảnh hưởng tiêu cực nhất đến VN-Index.
Nhóm nhạy cảm nhất với thị trường là cổ phiếu dịch vụ tài chính đồng loạt giảm khá mạnh. VRE giảm 3,2%; VIX giảm 3,2%; VND giảm 2,3%; ORS giảm 2,3%; SSI giảm 2,2%; VCI giảm 2%...
Cổ phiếu IBC của Apax Holdings có mức giảm mạnh trong nhóm ngành này trên HoSE, mức giảm là 4,1% còn 2.560 đồng/cổ phiếu.
Vừa mới đây, với "nhu cầu cơ cấu tài chính", Công ty cổ phần Tập đoàn giáo dục Egroup thông báo đăng ký bán 6 triệu cổ phiếu IBC của Apax Holdings, tương đương 7,22% vốn điều lệ. Sở hữu của Egroup tại Apax Holdings theo đó sẽ giảm còn hơn 28,9 triệu cổ phiếu, tương đương 34,81% vốn điều lệ.
Giao dịch nói trên dự kiến thực hiện từ ngày 23/3 đến 21/4 theo phương thức giao dịch thỏa thuận và/hoặc giao dịch khớp lệnh.
Theo kế hoạch của Apax Holdings, kế hoạch tái cấu trúc trên toàn hệ thống của tập đoàn này dự kiến kết thúc ngay trong quý I này. Doanh nghiệp của ông Nguyễn Ngọc Thủy (shark Thủy) cho biết, giai đoạn này sẽ tập trung vào các mảng lõi là giáo dục với các hệ thống tiếng Anh, hệ thống mầm non với thương hiệu lớn nhất là Apax Leaders, Steame Garten...
Phía shark Thủy cho biết, doanh nghiệp của ông đang tiến hành gọi vốn từ các quỹ đầu tư để giảm vốn vay, tăng vốn chủ sở hữu, đồng thời hợp tác kinh doanh với các nhà đầu tư. Các nhà đầu tư tham gia đầu tư tài chính, kiểm soát hiệu quả và Apax Holdings chịu trách nhiệm vận hành. Hiện nay đã đưa ra các phương án đầu tư phù hợp và kết quả nhận được khá tích cực.
Trở lại với thị trường chứng khoán, cổ phiếu ngân hàng nhuốm đỏ bảng điện tử, trong đó, HDB, TPB, STB, SHB, VPB, CTG có mức giảm đáng kể nhất. Cổ phiếu bất động sản cũng gặp bất lợi, bị bán mạnh. FDC giảm sàn, ITA giảm 4,5%; VRC giảm 4,3%; NVT giảm 3,8%; PDR giảm 3,7%; VRE giảm 3,2%; CKG giảm 3,1%; KDH giảm 2,8%... SC5 là cổ phiếu xây dựng và vật liệu thiệt hại nặng nhất trên sàn HoSE: giảm sàn, còn lại NAV giảm 6,5%, CVT giảm 3,7%; TTB giảm 33,%; EVG giảm 3%.
Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận cổ phiếu tăng giá. Trong nhóm bất động sản có SGR tăng 2,2%; LGL tăng 1,8%; VHM tăng 1,2%; TCH tăng 1,1%; NBB, SJS, DRH tăng; nhóm xây dựng và vật liệu có CII tăng 4,3%; HHV tăng 0,8%, TCR, MDG, DHA, HID, NNC tăng giá.