1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Sếp Viglacera: Muốn sờ được gói 30.000 tỷ thì phải xem là ai

Tôi nghĩ là ngân hàng họ cho vay thì cũng giống như bạn thôi. Bạn cho ai vay tiền thì bạn cũng phải xem là người ta có trả được hay không. Chứ còn không trả được thì một là bạn cho luôn, hai là bạn phải nghĩ ra lý do gì đấy.

Ông Luyện Công Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Viglacera cho biết.

 

Doanh nghiệp vay vốn 30.000 tỷ dễ hơn người dân

 

Được biết, Viglacera là một trong những đơn vị tham gia xây dựng NOXH để cung cấp cho người thu nhập thấp. Vậy hiện nay đã có bao nhiêu khách hàng là người thu nhập thấp, đối tượng của gói 30.000 tỷ tìm đến và ký hợp đồng với Viglacera, thưa ông?

 

Hiện nay chúng tôi đang muốn mở thêm đối tượng, vì người nghèo lấy đâu ra tiền. Đối với một số hợp đồng cũ, người dân có một ít tiền dành dụm hoặc vay mượn thêm của anh chị em, nhưng vẫn phải vay với lãi suất cao, gói 30.000 tỷ chỉ cho vay những hợp đồng mới, từ ngày 7/1/2013 thôi.

 

Còn đối với những hợp đồng mới, hôm thứ 2 vừa qua tôi hỏi mới chỉ có 4 người được vay từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ thôi. Bởi vì thủ tục cũng không phải là đơn giản, bao gồm rất nhiều thứ. Ngân hàng thì lúc nào cũng muốn phải có gì đó đảm bảo, mà đã là người nghèo thì đảm bảo đó lại càng khó hơn.

 

Người dân tiếp cận nguồn vốn 30.000 tỷ rất khó khăn. Còn với DN BĐS như Viglacera thì việc làm hồ sơ vay vốn ưu đãi có khó khăn gì không, thưa ông?

 

Doanh nghiệp thì vay dễ hơn, bởi vì mọi thứ chúng tôi đều có sẵn nên người ta nhìn thấy là có thể cho vay ngay. Mặt bằng, đất sạch... và trên cơ sở những dự án chúng tôi chuyển từ nhà ở thương mại sang là đã có sẵn hết rồi.

 

Chúng tôi đã được giải ngân một phần bởi vì việc giải ngân cũng cần nhiều thủ tục. Triển khai các dự án đến đâu thì người ta giải ngân đến đấy. Phải có hóa đơn chứng từ, làm đến đâu, khối lượng như thế nào... và nhiều thứ liên quan khác. Tất nhiên về hợp đồng nguyên tắc thì có rồi. Nhưng muốn giải tiền thật thì còn phải theo tiến độ, chứ không phải là vay được một cái rồi chuyển luôn vào tài khoản. Không có chuyện đó đâu, từ xưa lắm rồi.

 

Bây giờ các Bộ ngành còn phải xem là có đúng không, có làm không, làm đến đâu rồi, chứng từ hóa đơn đâu, mang đến đây. Mọi thứ đều rất chặt chẽ.

 

Có một số ý kiến cho rằng DN BĐS phía Bắc có vẻ được ưu ái hơn khi vay vốn rất dễ dàng, trong khi đó ở miền Nam thì lại rất khó khăn. Ông có nhận xét gì về ý kiến này?

 

Không phải như vậy. Vì việc cho vay người ta phải nhìn thấy một thực tại là phải có một cái gì đó. Hay nói cách khác, bản chất là phải có tài sản thế chấp. Như đơn vị của chúng tôi, đã có mặt bằng sạch cũng có nghĩa là chúng tôi đã có sự đầu tư ở đây rất nhiều. Đền bù, giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng... đều là tiền chúng tôi bỏ vào đấy. Nên các ngân hàng chỉ bỏ thêm vào thôi. Chứ cho vay thì vẫn trên nguyên tắc là đối ứng. Các dự án tối thiểu phải có 20 - 30%, chứ nếu không có đồng nào và bây giờ vẫn là cánh đồng, là chủ trương thì chắc chắn là cực kỳ khó vay.

 

Có thể thành phố đã duyệt nhưng nếu ở đấy vẫn chỉ là cánh đồng thì liệu có giải phóng được mặt bằng không? Có thể thành phố đã quyết định rồi đấy nhưng thực tế chưa chắc đã làm được, đã giải phóng mặt bằng được. Nên nhiều thứ nó kéo lại thì cũng chết.

 

Còn với chúng tôi thì mọi thứ đều đã có sẵn rồi nên nó dễ hơn. Chứ còn làm một dự án mới thì cũng không hẳn. Bởi nếu so sánh giữa một bên là cánh đồng, còn một bên là đã có mặt bằng sạch chỉ việc khởi công thì rất khác nhau.

 

Tiếp đó là còn phải xem trước đây ngân hàng cho vay DN có thực hiện hết các cam kết hay không. Trước đây DN vay mà toàn khất thì ngân hàng họ cũng hoảng. Thực ra nguồn vốn của ngân hàng bây giờ cũng không hẳn dồi dào nên họ càng phải đi tìm những nơi cho vay có uy tín, tạo được sự yên tâm, chứ nếu không họ cũng không dám cho vay, kể cả khi tất cả các thủ tục đều đầy đủ.

 

Ông Luyện Công Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Viglacera
Ông Luyện Công Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Viglacera

 

Muốn cho vay tiền thì phải xem đấy là ai

 

Đại diện một DN BĐS của TP. HCM cho rằng, trong khi ở TP.HCM đề xuất đến 40 dự án thì đều chưa được duyệt, còn ở miền Bắc thì các DN được duyệt cho vay rất nhanh, rất dễ dàng. Ông có đánh giá gì về điều này?

 

Cái này nó còn liên quan đến từng địa phương nữa. Nhưng ngoài Bắc được duyệt cũng đâu phải là nhanh? Phía Bắc cũng phải làm đầy đủ các thủ tục, chứ đâu nhanh được.

 

Để được làm những dự án này thì chúng tôi cũng có sự chuẩn bị từ lâu rồi. Khi vừa mới có chủ trương là chúng tôi đã chuyển dự án sang NOXH, từ đầu năm cơ, chứ không phải bây giờ có quyết định mới làm.

 

Khi vừa có chủ trương là chúng tôi đã báo cáo với thành phố từ cuối năm 2012. Đều phải báo cáo trước.

 

Có phải vì các DN phía Bắc gần Trung ương nên nhiều vấn đề được biết trước, được chuẩn bị trước và có lợi thế hơn không, thưa ông?

 

Không phải như vậy. Có khi ở Hà Nội còn khó hơn TP.HCM ấy chứ. Tôi cũng làm trong TP.HCM mãi rồi, làm trong TP.HCM có khi còn dễ hơn, ngoài Hà Nội làm chặt chẽ lắm. Cứ nhìn bảng xếp hạng 63 tỉnh thành là biết ngay. Cứ ông nào càng gần Trung ương thì làm càng khó hơn.

 

Nhiều người đặt ra câu hỏi rằng: Các DN được xét duyệt cho vay 9.000 tỷ (30% của gói tín dụng 30.000 tỷ) thì hầu hết là các DN của Bộ, của ngành, nên chắc là được ưu tiên. Xin ông cho biết quan điểm của mình về vấn đề này?

 

Cái này tôi nghĩ là chẳng may nó vào các DN của Bộ, ngành thôi. Ngẫu nhiên thôi. Tại vì có thể là nhiều DN có điều kiện nhưng chưa chắc đã làm được. Tôi nghĩ là ngân hàng họ cho vay thì cũng giống như bạn thôi. Bạn cho ai vay tiền thì bạn cũng phải xem là người ta có trả được hay không. Chứ còn không trả được thì một là bạn cho luôn, hai là bạn phải nghĩ ra lý do gì đấy.

 

Còn các DN BĐS của Bộ hay của ngành có lợi thế hơn hay không thì tôi chưa nhìn thấy. Tôi nghĩ là bình thường như nhau hết thôi, còn tôi không cho là dễ hơn. Khó hơn thì không dám khẳng định, nhưng dễ hơn thì chắc là không có.

 

Vậy riêng với Viglarace thì liệu có dễ hơn không, thưa ông?

 

Dễ hơn hay không thì tôi chưa biết, vì tôi tập trung đi làm việc của tôi, tôi đi làm thì tôi thấy như thế. Còn những DN khác thì tôi cũng không biết họ làm kiểu gì, năng lực của họ như thế nào, các điều kiện của họ ra sao. Cái đấy tôi không nắm được.

 

Tôi chỉ thấy một vấn đề là khách hàng ở chỗ chúng tôi đi vay thì tương đối khó khăn. Bởi vì ngân hàng vẫn lo ngại việc thu nợ và rủi ro.

 

Hiện nay, số lượng hàng tồn kho của chúng ta còn khá lớn, vẫn chưa giải quyết được. Vậy việc các DN BĐS tiếp tục xây dựng thêm NOXH thì liệu có xảy ra nguy cơ tồn kho một số lượng BĐS tiếp theo nữa không, thưa ông?

 

Ở Hà Nội tồn kho 10.000 căn, nhưng căn hộ thành phẩm, có thể ở được thì rất ít, chỉ khoảng 3.000 căn. Con số kia là có thể cộng gộp luôn cả những căn hộ trong dự án, chưa được hình thành.

 

Nếu có những căn hộ vào ở ngay thì tôi nghĩ vẫn có thể túc tắc làm được. Nhưng nếu khách hàng đến mà chưa có gì cả thì sẽ rất khó bán cho khách. Còn bán theo kiểu vừa mới xây móng xong thì sẽ rất khó, cực kỳ khó. Nên mới phải xây dựng thêm.

 

Xin chân thành cảm ơn ông!

 

Theo Duyên Duyên

Đất Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm