“Gói 30.000 tỷ không ưu đãi quá nhiều cho doanh nghiệp”

(Dân trí) - Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng và các ngân hàng thương mại để có giải pháp kiểm soát tổng thể, đảm bảo cho vay đối với các doanh nghiệp tối đa bằng 30% tổng nguồn vốn cho vay trong gói 30.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) đã khẳng định như vậy khi nói về tỷ lệ cho vay doanh nghiệp và người dân trong phạm vi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng.

Trả lời câu hỏi: “Làm sao để kiểm soát được tỷ lệ 30% cho doanh nghiệp và 70% cho người dân một cách hiệu quả?” trong chương trình đối thoại trực tuyến của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ chiều 11/6, ông Nguyễn Viết Mạnh cho hay: Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng và các ngân hàng thương mại để có giải pháp kiểm soát tổng thể, đảm bảo cho vay đối với các doanh nghiệp tối đa bằng 30% tổng nguồn vốn cho vay trong gói 30.000 tỷ đồng.

“Không có chuyện trong gói này sẽ dành ưu đãi quá nhiều cho doanh nghiệp, sẽ đảm bảo kiểm soát được ở mức 30%. Chúng tôi đã có phương án để kiểm soát. Tuy nhiên, trong từng thời điểm, tỷ lệ này có thể thay đổi, nhưng tổng toàn bộ gói 30.000 tỷ đồng này chỉ có 9.000 tỷ đồng được dành cho vay doanh nghiệp”, ông Mạnh khẳng định.


Sẽ có nhiều người thu nhập thấp mua được nhà thời gian tới (ảnh minh họa).
Sẽ có nhiều người thu nhập thấp mua được nhà thời gian tới (ảnh minh họa).

Theo đánh giá của ông Nguyễn Viết Mạnh, gói tín dụng 30.000 tỷ cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội không phải là gói giải cứu thị trường bất động sản mà nằm trong tổng thể các giải pháp của Nghị quyết 02 về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh…

Do đó, “gói tín dụng 30.000 tỷ đồng chỉ là một trong những giải pháp tổng thể và nhắm tới những đối tượng theo chiến lược nhà ở. Hiện trong thị trường bất động sản, phân khúc dành cho người có nhu cầu ở thực sự còn đang thiếu nhưng lại dư phân khúc cao cấp, vì vậy, gói này sẽ tác động tích cực đến những người có thu nhập thấp có được chỗ ở phù hợp”, ông Mạnh nói.

Cũng theo ông Mạnh, hiện tại các ngân hàng đang tích cực chuẩn bị để có thể giải ngân vốn cho các hồ sơ vay vốn hợp lệ từ phía người dân. “Là chương trình tín dụng có ưu đãi về lãi suất nên việc đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng là phải rõ”, đại diện Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.

Khẳng định những quy định về cho vay có tài sản bảo đảm “không làm khó người dân” đại diện Ngân hàng Nhà nước nói: Về tài sản đảm bảo cho khoản vay, Thông tư 11 giao quyền cho các tổ chức tín dụng quyết định có thế chấp hay không. Bản thân Thông tư 11 cũng quy định cho phép các ngân hàng được nhận căn nhà mua làm tài sản đảm bảo.

“Hiện cả 5 ngân hàng thương mại triển khai gói hỗ trợ đều có quy định này, cho nên vấn đề này không làm khó cho người dân”, ông Mạnh cho biết.

Nhưng do gói tín dụng vay vốn 30.000 tỷ đồng có ưu đãi về thời gian và nguồn vốn, nên theo ông Mạnh “một trong những yêu cầu đầu tiên là nguồn vốn thông thường không có hạn chuẩn tín dụng, nghĩa là đảm bảo có thu nhập để trả nợ cho khoản vay. Nhà nước chỉ hỗ trợ nguồn vốn cho vay, còn trách nhiệm trả và thu nợ là của các ngân hàng cho vay. Không nên chỉ vì giải quyết vấn đề hôm nay mà lại vấp phải nợ xấu”.

Để tránh nợ xấu hình thành từ gói tín dụng 30.000 tỷ, ông Mạnh cho rằng: “Khi ngân hàng quyết định cho vay thì phải thẩm định kỹ, đủ điều kiện vay và khả năng trả nợ để tránh nợ xấu. Nên gói này không thể giải quyết cho tất cả các đối tượng thụ hưởng mà phải đủ điều kiện hoàn trả vốn cả gốc lẫn lãi thì mới được vay. Vì vậy, ngay khi thiết kế các điều kiện cho vay vốn, các ngân hàng phải đưa yếu tố thu hồi nợ lên hàng đầu để tránh nợ xấu sau này”.

Đứng về phía ngân hàng cho vay vốn, ông Trần Xuân Hoàng - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chia sẻ: Ngân hàng đang cố gắng tạo cơ chế quan hệ hợp tác ký hợp đồng 3 bên (ngân hàng - chủ đầu tư - người vay) chặt chẽ, đó là cơ sở pháp lý để ngân hàng đảm bảo chất lượng hoạt động.

“Tôi rất mong chủ đầu tư, cũng như người vay hết sức hỗ trợ về ký hợp đồng ba bên khi làm thủ tục vay. Và chắc chắn sau này, cơ quan nhà nước sẽ kiểm tra việc sử dụng nguốn vốn này có đúng không, có tiêu cực không, có cho vay đúng đối tượng hay không… Vì vậy, tất cả các quy trình chúng tôi làm phải hết sức chặt chẽ để quá trình giải ngân đúng quy định, vừa hỗ trợ tích cực cho người dân”, đại diện BIDV cho biết.

Nguyễn Hiền