TPHCM:
Sếp lớn, sếp nhỏ theo chân siêu lừa Huyền Như hầu tòa
(Dân trí) - Phiên tòa sơ thẩm xét xử “đại án” Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng sẽ diễn ra từ 6 - 25/1/2014. Vụ đại án thứ 3 được xét xử tại TPHCM này có 23 bị cáo, bị VKSND Tối cao truy tố với 6 tội danh.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: Tạm khoanh hàng trăm tỷ đồng nợ thuế của Nissan |
Cầm đầu vụ án tham nhũng này là bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như (SN 1978, nguyên Quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, Ngân hàng Vietinbank chi nhánh TPHCM). Huyền Như bị truy tố 2 tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Bị cáo Võ Anh Tuấn, nguyên cán bộ văn phòng Vietinbank chi nhánh TPHCM, bị truy tố tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Trong vụ đại án này, có 13 bị cáo nguyên là trưởng, phó phòng, cán bộ, nhân viên của phòng giao dịch Điện Biên Phủ, phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng, phòng giao dịch Võ Văn Tần và Vietinbank chi nhánh Nhà Bè. Bị cáo Huỳnh Mỹ Hạnh (SN 1972, nguyên Phó Giám đốc Công ty CP đầu tư Hoàng Khải, chị ruột của Huỳnh Thị Huyền Như) bị truy tố tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Ngoài 23 bị cáo bị truy tố được triệu tập đến tòa, còn có 15 nguyên đơn dân sự và người bị hại, 25 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Có gần 40 luật sự thuộc nhiều đoàn luật sư trong cả nước tham gia bào chữa cho các bị cáo và bảo vệ quyền lợi cho các cá nhân, công ty bị hại trong vụ án.
Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, từ năm 2007, Huỳnh Thị Huyền Như, lúc đó là cán bộ tín dụng Ngân hàng Vietinbank chi nhánh TPHCM, đã vay cá nhân trên 200 tỷ đồng của nhiều ngân hàng, tổ chức, cá nhân với lãi suất cao để kinh doanh bất động sản tại TPHCM, TP Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Nam, An Giang. Đến năm 2010, do kinh doanh thua lỗ và phải trả lãi suất cao, nên mất khả năng thanh toán.
Nắm được nghiệp vụ ngân hàng, cộng với chức quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, có thẩm quyền phê duyệt lệnh chuyển tiền của chủ tài khoản từ ngân hàng đi các đơn vị, doanh nghiệp theo quyết định của chủ tài khoản với mức 50 tỷ đồng một lệnh. Trong thời gian từ tháng 3/2010 đến tháng 9/2011, Huyền Như đã giả danh Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh TPHCM để huy động tiền.
Để thực hiện mục đích của mình, Huyền Như đã thuê người đàn ông trên đường Phạm Hồng Thái, gần công viên 23/9, quận 1 làm giả 8 con dấu đứng tên các cơ quan, đơn vị gồm: Vietinbank chi nhánh Nhà Bè, công ty Phúc Vinh, Thịnh Phát, Hưng Yên, An Lộc, Đức Minh Quang, Bảo hiểm toàn cầu, Saigonbank - Berjaya.
Tuyệt chiêu huy động vốn với mức hưởng lãi suất chênh lệnh cao bằng việc sử dụng con dấu giả, tài liệu giả của ngân hàng và một số cá nhân đơn vị, Huyền như đã dễ dàng đưa các con mồi vào bẫy đã giăng sẵn. Một số ngân hàng thông qua các cá nhân và công ty tư nhân để gửi tiền vào Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và Vietinbank chi nhánh TPHCM đã bị Huyền Như lừa mất trắng cả nghìn tỷ đồng.
Như vậy, Huyền Như sử dụng các con dấu giả này làm giả các chứng từ, hợp đồng và trả lãi suất cao để huy động tiền của các tổ chức cá nhân rồi chiếm đoạt của 9 công ty, 4 ngân hàng và 3 cá nhân tổng số tiền là 3.982 tỷ đồng. Số tiền chiếm đoạt được, Như trả tiền vay lãi nặng cho 14 cá nhân, trả tiền chênh lệch ngoài hợp đồng cho 9 cá nhân, trả nợ gốc, nợ lãi…
Kết quả điều tra cũng xác định, Huyền Như thực hiện trót lọt tội phạm có phần giúp sức của một số bị cáo, trong đó, trợ thủ đắc lực nhất là Võ Anh Tuấn, (nguyên cán bộ văn phòng Vietinbank chi nhánh TPHCM), Huỳnh Hữu Danh (nguyên nhân viên ngân hàng VIB TPHCM), Pham Anh Tuấn (nguyên Giám đốc công ty cổ phần vận tải dầu khí Thái Bình Dương)…
Theo đó, bị cáo Võ Anh Tuấn là cánh tay đắc lực của Huyền Như. Trong quá trình huy động tiền của ngân hàng MSB, công ty cổ phần vận tải dầu khí Thái Bình Dương, Ngân hàng ACB, ngân hàng Navibank đều có sự tham gia của Tuấn.
Trong lúc gặp gỡ giao dịch với ngân hàng Navibank, Tuấn để Huyền Như tự giới thiệu là nhân viên của mình, tạo điều kiện cho bị cáo Như thực hiện việc mạo danh Vietinbank chi nhánh Nhà Bè huy động và chiếm đoạt gần 1.600 tỷ đồng.
Bị cáo Huỳnh Hữu Danh, làm thủ tục hồ sơ cho 12 cá nhân do Huyền Như giới thiệu đến VIB TPHCM vay tổng số tiền 480,3 tỷ đồng. Bị cáo Danh đã không làm đúng trách nhiệm kiểm tra, thẩm định tài sản đảm bảo, tin tưởng các xác nhận phong tỏa tài sản đảm bảo cho do Huyền Như chuyển cho, dẫn đến việc bị cáo Như lừa đảo vay tiền của VIB TPHCM rồi chiếm đoạt 180 tỷ đồng.
Bị cáo Phạm Anh Tuấn, đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thỏa thuận hiện việc ký 15 hợp đồng ủy thác đầu tư gửi tổng số tiền gần 1.500 tỷ đồng là số tiền vốn đóng tàu để lấy lãi suất cao; hợp đồng ký gửi tiền với Vietinbank chi nhánh Nhà Bè, nhưng lại thực hiện việc chuyển tiền vào công ty cổ phần đầu tư và phát triển Hoàng Khải mà không có sự kiểm tra; hưởng lợi cá nhân hơn 121 tỷ đồng chênh lệch ngoài hợp đồng; dẫn đến bị Huỳnh Thị Huỳnh Như lừa đảo chiếm đoạt mất 80 tỷ đồng.