Sếp lớn DNNN thôi chức: Khó hạ cánh an toàn?
Đối với DNNN kinh doanh lẹt đẹt, cho thôi chức, thay người mới là chưa đủ. Cần phải thay đổi cơ chế chính sách quản lý.
Thời gian qua, lãnh đạo cấp cao ở nhiều tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ Công Thương đã thôi chức như Tổng công ty giấy Việt Nam, Tổng công ty Bia rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco), Tập đoàn Dầu khí (PVN)... trong bối cảnh những người này có liên quan hoặc chịu trách nhiệm về việc để cho nhiều đơn vị trong ngành làm ăn thua lỗ trong thời gian dài.
Bàn về hiện tượng này, PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, những lãnh đạo doanh nghiệp nói trên nghỉ là đúng và có thể cắt nghĩa theo hai cách:
Thứ nhất, tình thế buộc các lãnh đạo cấp cao này phải nghỉ.
Thứ hai, muốn cải cách các doanh nghiệp nhà nước nói trên phải là một người khác, còn để người cũ ngồi đó thay đổi thì họ không làm được.
"Những người này làm tiếp chắc chắn không thể được vì xã hội không chấp nhận và bản thân cơ quan quản lý cũng đã thấy "ngượng", phải để họ nghỉ. Trước đây người ta có thể xử lý bằng cách cho nghỉ ở doanh nghiệp rồi đưa về Bộ làm chuyên viên ngồi ăn lương, nhưng giờ biên chế của Bộ cũng không dễ dàng để nuôi quá nhiều người như thế nữa.
Chính vì thế, việc lãnh đạo cấp cao ở một số tập đoàn, tổng công ty xin thôi chức có lợi cho các doanh nghiệp này. Phải thay người mới vì cơ chế mới, cung cách mới không thể làm theo kiểu cũ - dùng nhiều cách để xin dự án nọ, dự án kia, tiêu tiền vô tội vạ", PGS.TS Nguyễn Văn Nam nhấn mạnh.
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại tin rằng việc thôi chức chưa chắc đã là cách để các sếp lớn DNNN "hạ cánh an toàn".
"Ngày xưa mới có chuyện đó, còn bây giờ có lẽ khó bởi đa phần nếu cơ quan chức năng điều tra ra các vụ án thì dù đã nghỉ hưu, những người đó vẫn bị xử lý.
Những vụ đại án, gây thất thoát lớn đang dần được đưa ra ánh sáng và khi ấy các nguyên lãnh đạo có liên quan, có trách nhiệm trong việc gây thất thoát đó cũng không thoát được", PGS.TS Nguyễn Văn Nam nhận định.
Nhìn lại những chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công Thương, đặc biệt là về vấn đề nhân sự, kể cả nhân sự tại các công ty cấp 2, cấp 3 thuộc tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ, PGS.TS Nguyễn Văn Nam cho rằng đã đến lúc lãnh đạo Bộ không thể làm khác.
"Vấn đề bổ nhiệm nhân sự ở Bộ Công Thương dưới thời ông Vũ Huy Hoàng đã xảy ra nhiều sai sót, đặc biệt có tình trạng bổ nhiệm người thân vào các vị trí chủ chốt của doanh nghiệp.
Đến bây giờ, lãnh đạo Bộ Công Thương, không còn cách nào khác, phải chứng tỏ cho dư luận thấy Bộ đang thay đổi và quyết liệt chống tham nhũng. Tuy nhiên, từ quyết tâm đến thực hiện vẫn còn khoảng cách, phải chờ xem Bộ thay đổi như thế nào.
Việc cho thôi chức lãnh đạo cấp cao một số tập đoàn, tổng công ty, Bộ Công Thương đang chứng minh mình không theo nếp cũ nữa. Đây cũng có thể hiểu là quyết tâm làm trong sạch DNNN của Bộ nhưng có trong sạch được hay không thì còn phụ thuộc vào cơ chế chính sách sau này.
Bởi trước nay, những người tham nhũng được, vẽ trò nọ trò kia để lấy tiền của dân là do cơ chế chính sách của Việt Nam còn lỗ hổng. Chẳng hạn, hàng loạt dự án BOT giao thông đều là chỉ định thầu, ấy là do cơ chế chính sách cho phép như thế", vị chuyên gia phân tích.
Ông Nam khẳng định, việc thay đổi nhân sự không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như quá trình cổ phần hóa của doanh nghiệp, thậm chí còn làm cho nó tốt lên, được đẩy nhanh hơn nữa. Sếp lớn của các doanh nghiệp rút lui trong điều kiện họ có liên quan hoặc chịu trách nhiệm về việc để cho nhiều đơn vị trong ngành làm ăn thua lỗ trong thời gian dài, do đó người lên thay sẽ phải cảnh giác.
"Chọn người lên thay thế ra sao còn tùy thuộc vào lãnh đạo Bộ Công Thương. Nếu chọn người có năng lực thì họ sẽ làm thật, cải cách thật và đem lại hiệu quả. Còn nếu chọn người thân không có năng lực vào vị trí chủ chốt của doanh nghiệp thì sẽ lại theo nếp cũ. Cơ chế thay đổi hay không chính là ở chỗ này", PGS.TS Nguyễn Văn Nam nhấn mạnh.
Từ đây, vị chuyên gia lưu ý, đối với những DNNN có kết quả sản xuất kinh doanh lẹt đẹt, việc cho thôi chức lãnh đạo là chưa đủ, đó mới là một mặt của vấn đề.
"Như đã nói, phải thay đổi cơ chế chính sách, Nhà nước quản lý thế nào, doanh nghiệp tự chủ ra sao, kinh doanh thế nào..., tất cả phải thay đổi hết. Phải đặt nặng vấn đề tự chủ của các doanh nghiệp, kể cả vốn liếng cũng phải lo huy động mà làm, không thể cứ xin Nhà nước như trước", ông Nam nói.
Theo Thành Luân
Báo Đất Việt