Sếp doanh nghiệp Nhà nước lo mất “ghế” sau cổ phần hóa

(Dân trí) - Lý giải tiến độ cổ phần hóa chậm chạp, Bộ Tài chính cho biết, do nhận thức của một bộ phận cán bộ ở các cấp, các ngành và các doanh nghiệp vẫn còn chưa hiểu đúng ý nghĩa quan trọng của việc tái cơ cấu doanh nghiệp đối với phát triển kinh tế - xã hội; còn tư tưởng e ngại, lo lắng về vị trí và vai trò lãnh đạo sau cổ phần hóa.

Báo cáo về tình hình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), Bộ Tài chính cho biết, trong giai đoạn 2011 - 2015 đã sắp xếp được 558 doanh nghiệp (DN), trong đó cổ phần hóa được 478 DN.

Với những DNNN đã thực hiện cổ phần hóa, kết quả hoạt động kinh doanh của năm 2015 đều tăng hơn so với năm trước khi cổ phần hóa. Cụ thể, doanh thu tăng 29%; lợi nhuận trước thuế tăng 49%; nộp ngân sách tăng 27%; thu nhập bình quân của người lao động tăng 33%.

Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thực hiện thoái vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm (bất động sản, chứng khoán, tài chính-ngân hàng, bảo hiểm và quỹ đầu tư). Trong giai đoạn 2011- 2015, các đơn vị đã thoái được trên 11.000 tỷ đồng, thu về hơn 10.700 tỷ đồng.

Lý giải nguyên nhân số thu về giảm so với sổ sách, Bộ Tài chính cho biết, do Tập đoàn Dầu khí thoái 800 tỷ đồng và Tổng công ty Lương thực miền Nam thoái 1,3 tỷ đồng với giá 0 đồng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã phải thoái 800 tỷ đồng với giá 0 đồng
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã phải thoái 800 tỷ đồng với giá 0 đồng

Trong khi đó, giai đoạn này, SCIC đã tiếp nhận 57 DN, nâng tổng số DN SCIC tiếp nhận từ khi thành lập đến nay lên gần 1.000 DN với tổng giá trị vốn nhà nước hơn 8.700 tỷ đồng.

SCIC đã thực hiện bán vốn tại 368 DN, tổng giá trị thu về xấp xỉ 7.000 tỷ đồng, gấp 2,4 lần giá trị đầu tư, thặng dư bán vốn hơn 4.000 tỷ đồng.

Bộ Tài chính cũng cho biết, nửa đầu năm nay (tính đến ngày 10/6/2016) đã có 39 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, trong đó có 6 Tổng công ty (TCT) gồm: TCT Máy và Thiết bị công nghiệp, TCT Máy động lực và máy nông nghiệp; TCT Tư vấn xây dựng Việt Nam; TCT 36; TCT Lâm nghiệp và TCT Vật tư nông nghiệp.

Tổng giá trị thực tế của 39 DN đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa trên 27.000 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại DN hơn 21.600 tỷ đồng. Số lượng cổ phần bán đấu giá công khai từ 39 DN này xấp xỉ 3.900 tỷ đồng.

Cũng trong 6 tháng đầu năm nay, các đơn vị đã thoái được hơn 2.000 tỷ đồng vốn Nhà nước, thu về trên 4.100 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, tiến độ cổ phần hóa DNNN và thoái vốn đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh chính, trọng tâm là thoái vốn tại 5 lĩnh vực nhạy cảm còn chưa đạt được như kỳ vọng.

Phân tích nguyên nhân, Bộ Tài chính cho biết, do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới và những khó khăn của kinh tế trong nước, ảnh hưởng đến thị trường tài chính, thị trường chứng khoán làm cho nhu cầu sụt giảm. Do đó kế hoạch bán cổ phần ra công chúng của các DN cổ phần hóa không đạt được kế hoạch đề ra, tỷ lệ bán thành công chưa cao, nhiều DN sau bán cổ phần lần đầu vẫn còn số lượng vốn Nhà nước lớn.

Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận cán bộ ở các cấp, các ngành và các DN về chủ trương tái cơ cấu DN tuy đã có chuyển biến nhưng chưa hiểu đúng ý nghĩa quan trọng của việc tái cơ cấu DN đối với phát triển kinh tế - xã hội; còn tư tưởng e ngại, lo lắng về vị trí và vai trò lãnh đạo sau cổ phần hóa.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng cho biết, do đối tượng sắp xếp, cổ phần hóa hiện nay hầu hết là các DN có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp nên cần có nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý. Mặt khác, việc thực hiện cổ phần hóa, tái cơ cấu đối với các DN có quy mô vốn lớn cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị, đầu tư tốt nên cần nhiều thời gian để chuẩn bị.

Bích Diệp