Sếp 9X nổi danh: Nắm đội bóng hùng mạnh, chủ tịch công ty nghìn tỷ

Sinh năm 95 đang làm chủ tịch công ty nghìn tỷ, những người trẻ đang khởi nghiệp và khẳng định bản thân.

Con trai bầu Hiển làm bất động sản

Ông Đỗ Vinh Quang, sinh năm 1995, con trai thứ của ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) đang là Chủ tịch HĐQT CTCP Thương mại Dịch vụ Tràng Thi. Chức vụ này được ông Quang đảm nhiệm từ tháng 11/2020.

Công ty này tổ chức ĐHĐCĐ bất thường xin ý kiến việc chào bán 40,5 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu giá bán 30.000 đồng/cp, và được thông qua. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý 1 - 2/2021, số tiền thu về 1.215 tỷ đồng.  

Tên tuổi của ông Đỗ Vinh Quang mới chỉ được nhắc đến nhiều hơn trong giới kinh doanh trong hơn một năm trở lại đây.  Đầu tháng 2/2020, ông Đỗ Vinh Quang gây xôn xao trên thị trường chứng khoán khi bỏ ra khoảng 270 tỷ đồng mua vào 35,9 triệu cổ phiếu Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), lượng cổ phiếu tương đương 2,98% vốn cổ phần. 

Sếp 9X nổi danh: Nắm đội bóng hùng mạnh, chủ tịch công ty nghìn tỷ - 1
Đỗ Vinh Quang
 

Đây là nhà băng mà bố ông Quang - bầu Hiển làm Chủ tịch HĐQT; anh trai - ông Đỗ Quang Vinh, sinh năm 1989, làm Phó giám đốc khối ngân hàng bán lẻ. Cổ phiếu SHB bước vào giai đoạn tăng giá mạnh ngay sau đó, cộng thêm việc được mua 9 triệu đơn vị phát hành mới giá ưu đãi giúp cho ông Quang tạm lãi 600 tỷ đồng chỉ sau hai tháng. 

Cuối tháng 10 năm ngoái, ông Quang đảm nhiệm vị trí Chủ tịch CLB Bóng đá Hà Nội, "gà cưng" của bầu Hiển. Doanh nhân sinh năm 95 trở thành Chủ tịch một CLB bóng đá trẻ nhất Việt Nam. 

CEO F88: Ngày xưa khách đến cầm đồ phải bịt mặt

Một Startup đình đám trong thời gian gần đây, Phùng Anh Tuấn, CEO của CTCP F88 cho hay, ngày xưa khách đến cầm đồ phải bịt mặt, ngó trước ngó sau, tâm lý lo lắng. Giờ khách hàng rất thoải mái, mình thể hiện trong chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng, khách không chỉ để vay tiền, chúng tôi còn cung cấp dịch vụ thanh toán điện nước, bảo hiểm... 

Các cô chú ở đầu ngõ các phòng giao dịch thấy rằng, hóa ra àm cầm đồ nhưng rất thân thiện thế. Hay chúng tôi làm những chương trình cộng đồng, tổ chức phát quà cho trẻ em ở tổ dân phố hoặc các chương trình thiện nguyện trên toàn quốc. .để người dân xung quanh và khách hàng dần thay đổi quan niệm về ngành này.,

Startup này đặt mục  tiêu sẽ lên sàn năm 2021 khi quy mô đạt 300 phòng giao dịch. HĐQT nhận thấy rằng quy mô 300 còn nhỏ, do đó chúng tôi đặt mục tiêu khi quy mô 1.000 phòng giao dịch mới tính đến chuyện IPO, như vậy thời điểm niêm yết sẽ vào khoảng cuối 2022 hoặc 2023.

Sếp Con Cưng: Giông bão cũng sẽ có những cơ hội

Ông Lưu Anh Tiến, Tổng giám đốc Con Cưng cho biết, khi đại dịch ập đến, doanh nghiệp đã đi tìm đọc lại lịch sử các trận dịch trước. Họ nhận ra trong cơn giông bão cũng sẽ có những cơ hội.

Thực tế, đồ trẻ em là một nhu yếu phẩm. Giai đoạn giãn cách xã hội, nhu cầu về ngành hàng mẹ và bé tăng mạnh. 

"Lúc đó, chúng tôi chỉ làm hai việc là luôn có đủ hàng hóa và tiếp cận các kênh trực tuyến, tuyên truyền với các ông bố bà mẹ rằng không cần phải tích trữ, chỉ cần đặt hàng là 30 phút chúng tôi giao đến", ông Tiến chia sẻ.

Với góc nhìn của ông Lưu Anh Tiến, thương hiệu là một khái niệm mang ý nghĩa hai chiều, từ cả doanh nghiệp và khách hàng. Trong đó, để tạo dựng một thương hiệu tốt không chỉ có sản phẩm chất lượng tốt thông qua quy trình, công nghệ, mà còn là thông điệp tạo sự thiện cảm, tương tác cùng khách hàng.

Đại dịch Covid-19 qua đi sẽ là lúc các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ nói riêng nhìn nhận lại các bài toán còn dang dở, từ quy trình, chất lượng dịch vụ cho tới hệ thống nhân sự...

Nhưng dù giông bão có kéo tới rồi qua, dù kết quả kinh doanh có khi thăng trầm, thì vẫn còn đó một yếu tố bất biến, gắn liền với doanh nghiệp, chính là thương hiệu.

Shark Hưng: Startup nhìn nhà đầu tư như cây xăng không mất tiền

Nhận định về Startup, Sharrk Phạm Thanh Hưng - Phó Chủ tịch Cen Group cho biết gặp phải không ít vấn đề. "Chúng tôi thực sự chưa lên cùng một con thuyền. Các startup nhìn nhà đầu tư như cây xăng không mất tiền. Các bạn nghĩ tiền cho khởi nghiệp giống nhiên liệu cho xe, hết lại đổ, mà không biết đi đến đâu", ông Hưng cho biết.

Sếp 9X nổi danh: Nắm đội bóng hùng mạnh, chủ tịch công ty nghìn tỷ - 2
Sharrk Phạm Thanh Hưng
 

Một điểm yếu của các startup ở Việt Nam là khả năng quản trị. Ông Hưng dẫn chứng thống kê, trong và ngoài chương trình Shark Tank, tỷ lệ các nhà sáng lập có yếu tố nước ngoài (gồm học, làm việc hay sinh ra ở nước ngoài) chiếm phần lớn. "Tại sao các bạn học trong nước ít khởi nghiệp hơn và thất bại nhiều hơn?", ông Hưng đặt câu hỏi.

Ông Hưng cho rằng, nhiều doanh nhân Việt còn cả tin vào những lời nói và hứa hẹn của đối tác. Song theo ông Hưng, đến lúc soạn hợp đồng chưa chắc đã tin, chỉ khi tiền về tài khoản mới chắc chắn thỏa thuận thành công. "Trong nhiều trường hợp, có hợp đồng cũng chưa chắc thành hiện thực, vì người ta có thể hủy hợp đồng bất cứ lúc nào", ông Hưng đưa ra lời khuyên.

Một điểm yếu của giới khởi nghiệp Việt mà ông Hưng đề cập tới là tính trung thực. "Đáng tiếc là các bạn không thành thật với nhà đầu tư, với khách hàng. Lớn hơn nữa là không thành thật với nhân viên, cuối cùng là không thành thật với chính bản thân mình. Điều đó làm bạn không thể nào đi xa được", ông Hưng nói.

Ông đưa ra lời khuyên với startup là nên rũ bỏ "áo phong trào" để tập trung vào tính thực chất và hiệu quả. Nhiều số liệu cho thấy phong trào khởi nghiệp ở Việt Nam rất cao. Khảo sát khoảng 2.000 bạn trẻ, 1/4 muốn khởi nghiệp sau khi tốt nghiệp đại học, cao gấp đôi so với Mỹ. Tuy nhiên theo ông Hưng, khởi nghiệp là một con đường, song không phải là duy nhất để thành công. Người trẻ nên bình tĩnh, cẩn trọng để bớt vấp ngã.

"Giai đoạn khởi đầu của phong trào khởi nghiệp đã qua đi và bây giờ chúng ta sang giai đoạn hai - giai đoạn sàng lọc thực chất và hiệu quả hơn", ông Hưng nhận định.

Shark Nguyễn Hòa Bình: Startup kiểu "con gián"

Nhận định về Startup, ông Bình cho rằng, trong lĩnh vực start-up, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ, có hai trường phái. Thứ nhất là "Burn to Grow" - đốt tiền để tăng trưởng, trường phái thứ hai là "Growth hacking" - không tập trung xây dựng các startup kỳ lân (unicorn) mà phát triển startup kiểu "con gián". Đó là mô hình mà trong bất kỳ điều kiện nào startup cũng tồn tại được. Họ tìm đến những thị trường ngách và có thể trở thành một "con gián to".

Sếp 9X nổi danh: Nắm đội bóng hùng mạnh, chủ tịch công ty nghìn tỷ - 3
Shark Bình
 

Khi nhiều nhận định, đầu tư Startup như đốt tiền, ông Bình nhận định: Đừng nghĩ rằng có cuộc chơi nào là đốt tiền hay cuộc chơi nào không. Ví dụ thương mại điện tử, ta vẫn có thể chọn các mô hình hay cách làm kiếm được tiền luôn chứ không phải là đốt tiền. Fintech cũng vậy mà gọi xe công nghệ cũng thế. Thế nên việc đốt tiền hay là kiếm tiền chỉ là trường phái khác nhau thôi.

Cùng trong một chiến trường sẽ có hai cách chiến đấu. Một cách dùng chiến thuật biển người giống Trung Quốc ngày xưa, quân rất đông, bắn thoải mái, quân đông quá, địch không chịu được là thua. Nhưng cũng có cách đánh thứ hai, ta không "nướng quân" như thế mà đánh theo kiểu đặc công, dùng một vài người thôi nhưng luồn sâu đánh hiểm. Tương tự, cùng một mục tiêu như là fintech, thương mại điện tử hay gọi xe công nghệ thì cũng có nhiều cách đánh khác nhau.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm