"Sẽ xử lý nghiêm các hành vi tham ô, trục lợi"

(Dân trí) - Tại hội nghị tư vấn các nhà tài trợ, Thứ trưởng Cao Viết Sinh Bộ KH-ĐT khẳng định, sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tham ô, trục lợi, lãng phí, thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

Bộ KHĐT: Sẽ xử lý nghiêm các hành vi tham ô, trục lợi

Phiên họp không chính thức trước Hội nghị tư vấn các nhà tài trợ (CG) giữa kỳ 2012 tại Đông Hà, Quảng Trị chiều 4/6 (ảnh: B.D).

Vấn đề về minh bạch trong quản trị và sử dụng nguồn vốn viện trợ, đầu tư từ các đối tác nước ngoài hầu như không năm nào không xuất hiện trong chương trình nghị sự của các Hội nghị tư vấn các nhà tài trợ (CG) cho Chính phủ.

Tuy nhiên CG giữa kỳ năm nay, vấn đề này càng trở nên nhạy cảm và “nóng” hơn do vụ việc Đại sứ quán Đan Mạch thông báo dừng 3/4 dự án ODA với Việt Nam do có nghi ngờ về “gian lận”.

Phát biểu ở phiên thảo luận không chính thức chiều nay (4/6), Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh cho biết, trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam sẽ tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát để nâng cao hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ cho người nghèo, vùng chịu thiên tai.

Trước hội nghị, người đại diện cho cơ quan chủ quản đầu tư quốc gia khẳng định, sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tham ô, trục lợi, lãng phí, thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

Ông cũng cho biết, để “cởi nút thắt” cho các luồng vốn ODA, FDI vào trong nước, Việt Nam cũng sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi hoặc xóa bỏ các rào cản đầu tư bất hợp lý, tạo mọi điều kiện thuận lợi về hạ tầng, mặt bằng, nguồn nhân lực, thủ tục hành chính…, từ đó, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, khuyến khích đầu tư của các thành phần kinh tế trong nước và đầu tư từ ngước ngoài.

Tham nhũng khiến các Chính phủ e ngại khi cung cấp ODA cho Việt Nam

Góp phần vào tham luận, báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) – một trong những nhà tài trợ đa phương lớn nhất cho Việt Nam cũng nhấn mạnh về tín nhiệm của ngân sách nhà nước và tính minh bạch của các mục tiêu chính sách tài khóa là những yếu tố quan trọng để duy trì lòng tin của thị trường và ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo đó, ngày càng nhiều những bằng chứng cho thấy sự kết nối giữa minh bạch tài khóa và xếp hạng tín nhiệm, kỷ luật ngân sách và hiệu quả chi tiêu của chính phủ. Tín nhiệm của ngân sách đặc biệt quan trọng với vai trò khá lớn của khu vực công trong nền kinh tế Việt Nam.

Việc thường xuyên không phản ánh hết thu, chi của Chính phủ theo WB chính là nguyên nhân làm giảm đi mức độ tin cậy của kế hoạch ngân sách và mối liên kết giữa kế hoạch và chiến lược phát triển trung hạn mà các chủ thể kinh tế sử dụng để ra quyết định.

“Hiển nhiên là tăng cường minh bạch và công khai thông tin là rất quan trọng, nhưng hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế trong việc giảm thiểu rủi ro và tác động tiêu cực do thiếu thông tin.” – theo WB.

Trước đó, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), đại diện cho các doanh nghiệp châu Âu, EuroCham tiếp tục nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết trong việc nâng cao sự minh bạch và giảm thiểu tham nhũng tại Việt Nam.

Cơ quan này cho rằng, hối lộ và tham nhũng đang ảnh hưởng đến thể chế dân chủ, quản trị doanh nghiệp và sự hoạt động hiệu quả của các doanh nghiệp, làm cản trở hoạt động đầu tư và xói mòn sức cạnh tranh của các doanh nghiệp tại Việt Nam, cả trong và ngoài nước.

Cụ thể, tham nhũng làm lệch hướng khiến cho cá nguồn vốn không đến được với những hoạt động kinh tế phù hợp, có thể đóng góp để nâng cao phúc lợi về kinh tế, xã hội và môi trường cũng như xóa đói giảm nghèo.

Tham nhũng cũng khiến các Chính phủ nước ngoài ngân ngại khi có ý định cung cấp ODA cho Việt nam khi thấy một phần trogn khoản hỗ trợ này bị chệch hướng và không đến được với các dự án có mục tiêu cải thiện môi trường cạnh tranh.

Chỉ số cảm nhận tham nhũng năm 2011 của tổ chức Minh bạch Quốc tế cho ấy, gần 3/4 trong tổng số 183 quốc gia được thống kê có chỉ số dưới 5 trong thang điểm 10 (rất minh bạch) đến 0 (tham nhũng cao). Và đáng tiếc là Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các nước có chỉ số thấp, xếp hạng 112 trển tổng số 183 quốc gia (điểm số 2,9).

Bản đánh giá của EuroCham nêu rõ “cũng không nên ngạc nhiên khi các doanh nghiệp châu Âu và các doanh nghiệp nước ngoài khác ngày càng nản lòng và mệt mỏi với nạn tham nhũng hiện vẫn đang tràn lan, len lỏi và tiếp tục có ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường kinh doanh tại Việt Nam”.

Còn ông Seck Yee Chung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore cũng nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại về tầm quan trọng của sự minh bạch với hoạt động đầu tư.

“Một nền kinh tế minh bạch khuyến khích đầu tư và sử dụng hiệu quả thời gian và các nguồn lực bằng cách cung cấp thông tin phản hồi nhanh chóng và giảm bớt chi phí giao dịch. Tăng cường cường minh bạch cũng là nhằm mục đích chống tham nhũng và gian lận”.

Bích Diệp