Sẽ xây thêm loạt cao tốc, đường sắt và sân bay

Nguyễn Khánh

(Dân trí) - Một trong những giải pháp để thực hiện Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là ưu tiên đầu tư phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng quy mô lớn...

Dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia có nội dung sẽ tổ chức không gian phát triển Việt Nam thành 6 vùng kinh tế - xã hội. Theo đó, nhiều công trình hạ tầng giao thông sẽ được phát triển để tạo sự kết nối vùng.

Trong đó, vùng Trung du và miền núi phía Bắc, gồm 14 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên và Hòa Bình.

Vùng Đồng bằng sông Hồng, gồm 11 tỉnh thành: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình và Quảng Ninh.

Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, gồm 14 tỉnh thành: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận.

Vùng Tây Nguyên, gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng.

Vùng Đông Nam Bộ, gồm 6 tỉnh thành: TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh.

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, gồm 13 tỉnh thành: Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.

Xây đường vành đai 4, 5 vùng Thủ đô, sân bay thứ hai ở Hà Nội

Ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc, dự thảo đặt mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 8-9%/năm.

Theo đó, ở vùng này dự thảo quy hoạch xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc, tiền cao tốc, các tuyến đường bộ nối các địa phương với đường cao tốc, các đường vành đai biên giới, các tuyến quốc lộ quan trọng kết nối các địa phương trong vùng. Đồng thời nghiên cứu đầu tư và nâng cấp một số cảng hàng không trong vùng, xây dựng các tuyến đường sắt điện khí hóa từ Lào Cai, Lạng Sơn về Hà Nội - Hải Phòng.

Vùng Đồng bằng sông Hồng sẽ phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP đạt khoảng 9%/năm. Theo dự thảo, sẽ phát triển các hành lang kinh tế nội vùng và liên vùng, kết nối với vùng trung du và miền núi phía Bắc, hành lang kinh tế Bắc - Nam trên địa bàn vùng; phát triển vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ (Ninh Bình - Quảng Ninh).

Theo đó, quy hoạch đặt ra nhiệm vụ xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc kết nối Thủ đô Hà Nội với các địa phương trong và ngoài vùng, tuyến ven biển, đường vành đai 4, 5 vùng Thủ đô Hà Nội.

Sẽ xây thêm loạt cao tốc, đường sắt và sân bay - 1

Quy hoạch tổng thể quốc gia yêu cầu đẩy nhanh xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (Ảnh minh họa: Internet).

Đồng thời sẽ xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các tuyến đường sắt điện khí hóa từ Hà Nội đi các cảng biển, cửa khẩu quốc tế lớn và nghiên cứu xây dựng cảng hàng không thứ 2 cho vùng Thủ đô Hà Nội.

Ở vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung: Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7-7,5%/năm. Với vùng này, sẽ phát triển mạng lưới giao thông gắn với hình thành hành lang kinh tế Bắc - Nam qua địa bàn vùng và các hành lang Đông - Tây kết nối các cửa khẩu quốc tế, các đô thị và cảng biển lớn. Xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc lên Tây Nguyên.

Xây dựng các tuyến đường sắt điện khí hóa, đầu tư hệ thống đường ven biển

Với vùng Tây Nguyên, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP đạt khoảng 7-7,5%/năm. Dự thảo quy hoạch nêu rõ phát triển hành lang kinh tế kết nối Tây Nguyên - Đông Nam Bộ, các hành lang Đông - Tây kết nối Tây Nguyên với khu vực duyên hải Nam Trung Bộ.

Theo đó sẽ xây dựng mạng lưới đường bộ cao tốc và nâng cấp mạng lưới giao thông nội vùng, các tuyến liên vùng với các địa phương vùng Đông Nam Bộ, ven biển Nam Trung Bộ, với Nam Lào và Đông Bắc Campuchia. Xây dựng tuyến đường sắt qua địa bàn Tây Nguyên.

Sẽ xây thêm loạt cao tốc, đường sắt và sân bay - 2

Sẽ đẩy mạnh xây dựng một số tuyến cao tốc, tăng cường kết nối (Ảnh: Đỗ Quân).

Vùng Đông Nam Bộ được đặt mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP đạt khoảng 8-8,5%/năm. Dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia nêu rõ, sẽ tạo động lực liên kết, lan tỏa thúc đẩy hợp tác và phát triển qua hành lang kinh tế Bắc - Nam, hành lang kinh tế Tây Nguyên - Đông Nam Bộ. Phát triển chuỗi công nghiệp - đô thị Mộc Bài - TPHCM- cảng Cái Mép - Thị Vải gắn với hành lang kinh tế xuyên Á.

Để thực hiện mục tiêu về phát triển, sẽ xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc kết nối TPHCM với các địa phương trong và ngoài vùng, đường vành đai 3, 4 TPHCM.

Đồng thời xây dựng các tuyến đường sắt điện khí hóa kết nối trung tâm đô thị đến các cảng biển, cảng hàng không quốc tế cửa ngõ; xây dựng, đưa vào khai thác Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP đạt khoảng 6,5-7%/năm. Trên hành lang kinh tế Bắc - Nam tập trung phát triển đoạn Cần Thơ - Long An là hành lang kinh tế - đô thị - công nghiệp động lực của vùng. Hình thành, phát triển một số hành lang kinh tế Đông - Tây.

Dự thảo quy hoạch cho thấy vùng này sẽ tăng cường đầu tư hạ tầng kết nối vùng với TPHCM và vùng Đông Nam Bộ; đầu tư hệ thống đường ven biển qua các tỉnh; phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa; nâng cấp các luồng chính, bao gồm luồng hàng hải cho tàu biển trọng tải lớn.

Định hướng phát triển của các loại hình kết cấu hạ tầng giao thông trong dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Đường bộ: Hoàn thành xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và các tuyến đường bộ cao tốc kết nối với các trung tâm kinh tế lớn, gắn với các vùng động lực như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, kết nối các cảng biển đặc biệt, sân bay quốc tế, các cửa khẩu quốc tế có nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa lớn; các tuyến cao tốc gắn với hình thành các hành lang kinh tế Đông - Tây.

Đường sắt: Đẩy nhanh xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, trước mắt triển khai đầu tư đoạn Hà Nội - Vinh, Nha Trang - Thành phố Hồ Chí Minh.

Xây dựng đường sắt vùng, đường sắt kết nối với cảng biển cửa ngõ quốc tế khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu và cửa khẩu quốc tế quan trọng; ưu tiên xây dựng mới các tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Biên Hòa - Vũng Tàu.

Đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đầu mối, đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM. Nghiên cứu xây dựng đường sắt nối TPHCM - Cần Thơ, đường sắt kết nối cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Cảng biển: Nâng cấp, xây dựng các cảng biển cửa ngõ có chức năng trung chuyển container quốc tế tại Lạch Huyện (Hải Phòng) và Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu).

Xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, TPHCM.

Cảng hàng không: Xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành; tập trung mở rộng, nâng cấp các cảng hàng không quốc tế lớn đóng vai trò đầu mối: Nội Bài, Tân Sơn Nhất; mở rộng các cảng hàng không quốc tế gắn với các vùng động lực như Vân Đồn, Cát Bi, Chu Lai, Cam Ranh, Cần Thơ, Phú Quốc… Phấn đấu đến năm 2030, có khoảng 92-95% dân số có thể tiếp cận tới cảng hàng không trong phạm vi 100 km.

Đường thủy nội địa: Đầu tư, nâng cấp đồng bộ các tuyến sông chính để vận tải hàng hóa, container, hàng hóa chuyên dụng, khối lượng lớn trên các tuyến đường thủy nội địa tại vùng đồng bằng sông Hồng và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đầu tư và khai thác hiệu quả hành lang vận tải ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang.