Sẽ tính toán lại chỉ số VN-Index

Ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường, UBCK, cho biết, hiện HOSE đã nghiên cứu và chuẩn bị báo cáo UBCK về việc tính toán lại chỉ số VN-Index.

Trong thời gian dài vừa qua, sự biến động của VN-Index phụ thuộc vào một số cổ phiếu có vốn hóa lớn như BVH, MSN, VIC.

 

Việc VCB được NHNN chấp thuận niêm yết bổ sung gần 1,6 tỷ cổ phiếu đã khiến cổ phiếu này trở thành tâm điểm của thị trường trong mấy phiên giao dịch gần đây. Bởi vì nếu cổ phiếu này được niêm yết 1,6 tỷ cổ phiếu thì nó sẽ trở thành cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn thứ 4 thị trường, sau 3 mã BVH, MSN, VIC và có tác động lớn tới chỉ số VN-Index.

 

NĐT hy vọng với việc chiếm tỷ trọng thứ 4 trong rổ cổ phiếu tính VN-Index, VCB sẽ lọt vào "mắt xanh" của các quỹ đầu tư chỉ số ETF và giá sẽ tăng mạnh.

 

Trước việc VN-Index đang bị “méo mó” bởi tác động của một số cổ phiếu có mức vốn hóa trên, nhiều NĐT và chuyên gia đã có ý kiến phản ảnh cần thay đổi cách tính VN-Index. 

 

Về phía cơ quan quản lý, đầu tháng 2/2011, UBCK đã có công văn đề nghị HOSE xúc tiến việc nghiên cứu các giải pháp khắc phục tình trạng chỉ số VN-Index chưa phản ánh đúng xu thế biến động của thị trường do chịu ảnh hưởng của một số cổ phiếu lớn.

 

Ông Sơn cho biết, hiện HOSE đã nghiên cứu và chuẩn bị báo cáo UBCK về việc tính toán lại chỉ số VN-Index.

 

"Cách tính VN-Index theo phương pháp bình quân gia quyền không còn hợp lý"

Ông Huy Nam, Chuyên gia chứng khoán

 

Sẽ tính toán lại chỉ số VN-Index  - 1

 

Nhiều ngân hàng báo lãi trong 4 tháng đầu năm cho thấy, ngành này vẫn có triển vọng tốt. Tuy nhiên, do ảnh hưởng trực tiếp từ chính sách kiềm chế lạm phát, thắt chặt tiền tệ, cùng với bối cảnh suy giảm chung của thị trường nên phần lớn NĐT vẫn thận trọng với cổ phiếu ngành này.

 

Việc NĐT mạnh tay gom khiến cổ phiếu VCB tăng trần trong 2 phiên vừa qua là động thái mang tính kỹ thuật, chứ không phải kỳ vọng vào triển vọng hoạt động của DN.

 

Trong bối cảnh thị trường đi ngang và thiếu thông tin hỗ trợ, việc niêm yết bổ sung lượng cổ phiếu lớn của VCB trở thành thông tích cực đối với NĐT. Bởi lẽ, NĐT kỳ vọng cổ phiếu VCB sẽ được các quỹ đầu tư chỉ số (ETF) lựa chọn vào rổ danh mục và từ đó "đánh lên" sau diễn biến tăng giá của một số cổ phiếu có vốn hóa lớn trên thị trường khác như BVH, MSN, VIC. VCB có thể được các quỹ ETF lựa chọn, do đây là cổ phiếu có vốn hóa lớn thứ 4 sau khi niêm yết bổ sung.

 

Tuy nhiên, theo tôi, về lâu dài phải thay đổi cách tính chỉ số VN-Index, do cách tính bình quân gia quyền hiện nay không phản ánh đúng diễn biến giao dịch trên thị trường. Với cách tính hiện nay, 10 triệu cổ phiếu của DN có vốn 100 tỷ đồng có tác động đến VN-Index không giống 10 triệu cổ phiếu niêm yết của DN có vốn 500 tỷ đồng, cho dù DN có vốn 500 tỷ đồng chỉ niêm yết 1/5 số cổ phiếu hiện có.

 

Trên thế giới có nhiều cách tính toán chỉ số. Việt Nam cần soát xét lại vấn đề chỉ số và đưa ra cách tính theo hướng loại bỏ các cổ phiếu hạn chế giao dịch, giúp thị trường không bị méo mó. Duy trì cách tính chỉ số hiện nay một mặt khiến NĐT mất niềm tin vào chỉ số, mặt khác có thể khiến việc làm giá dễ dàng hơn.

 

Bên cạnh đó, cần khuyến khích việc cho phép ra đời các chỉ số do những tổ chức tài chính uy tín nghiên cứu, tính toán. Các chỉ số này được lưu hành với nhiều tiêu chí khác nhau để NĐT lựa chọn tham khảo. Các chỉ số không triệt tiêu, mà bổ sung cho nhau, giúp NĐT phân tích đúng đắn về tình hình thị trường.

 

"Nên tính chỉ số dựa trên số cổ phiếu được phép lưu hành"

Ông Marc Djandji, Giám đốc Phân tích CTCK Bản Việt

Sẽ tính toán lại chỉ số VN-Index  - 2

 

Thông tin VCB sẽ niêm yết bổ sung hơn 1,6 tỷ cổ phiếu thuộc sở hữu Nhà nước đang gây chú ý cho nhiều NĐT. Hiện tỷ trọng của cổ phiếu VCB trong rổ tính VN-Index chỉ là 1% và sẽ tăng lên 10% khi số cổ phiếu trên được niêm yết.

 

Nhìn vào sự tăng giá ngoạn mục của các cổ phiếu có tỷ trọng lớn trong rổ tính toán VN-Index như BVH, MSN, nhiều NĐT đang hy vọng cổ phiếu VCB sẽ có một kịch bản tương tự, với sự trợ lực từ các quỹ ETF.

 

Theo phân tích của chúng tôi, giá mục tiêu của cổ phiếu VCB khoảng 32.300 đồng/CP.

 

Chúng tôi cho rằng, trong trường hợp VCB niêm yết toàn bộ số cổ phiếu trên, dẫn tới tỷ trọng khi tính toán VN-Index tăng lên, thì việc chỉ có 9,2% số cổ phiếu được lưu hành cũng không phản ánh chính xác sự vận động thực tế của giá cổ phiếu này. Như nhiều lần chúng tôi đề cập, VN-Index không phản ánh chính xác diễn biến giá cũng như tâm lý của NĐT chứng khoán.

 

Ở nhiều nước trên thế giới, khi tỷ lệ sở hữu nhà nước ở những công ty quy mô lớn chiếm đa số thì người ta thường tính chỉ số dựa trên số cổ phiếu được phép lưu hành. Quy mô vốn hóa thị trường của những cổ phiếu này được tính trên số cổ phiếu có thể giao dịch được trên thị trường. Nghĩa là nó phải trừ đi số cổ phiếu nhà nước sở hữu, cổ phiếu của cổ đông sáng lập, cổ đông chiến lược và cổ phiếu bị phong tỏa. Khi đó, chỉ số phản ánh chính xác diễn biến của thị trường, cho phép phân tích chuẩn xác hơn xu hướng của chỉ số.

 

Tại HOSE hiện nay, trong số 279 công ty niêm yết cấu thành nên VN-Index có 5 công ty chiếm tới 44,9% trọng số. Trong khi đó, 5 công ty này có số lượng cổ phiếu lưu hành rất hạn chế. Số lượng cổ phiếu này giúp cho các quỹ ETF có thể tác động tới chỉ số, gây áp lực rất lớn lên giá cổ phiếu của nhiều công ty khác.

 

Theo Anh Việt - Đông Hải

ĐTCK