1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Sẽ thiếu thép vì thi nhau xuất ngược phôi

(Dân trí) - Với tình trạng xuất ngược phôi thép như hiện nay, chỉ một vài tháng tới, ngành thép Việt Nam sẽ thiếu trầm trọng nguồn cung trong nước.

Tại buổi làm việc mới đây với Bộ Công thương, Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS) đã cảnh báo về nguy cơ giá phôi thép thế giới tăng mạnh và tình trạng xuất ngược phôi ra nước ngoài để kiếm lợi nhuận, một nghịch lý chưa từng có của ngành thép. Hiện tại, giá phôi thép trên thế giới đang từ khoảng 850 USD/tấn đã vọt lên 1.000 USD/tấn.

Trong khi đó, để đảm bảo sản xuất trong nước, Việt Nam thường xuyên phải nhập khẩu tới 50% phôi thép từ nước ngoài. Đầu năm 2008, ngành thép dự tính sản xuất khoảng 4 triệu tấn thép thành phẩm. Lượng phôi thép sản xuất được ở trong nước chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu, số còn lại phải nhập khẩu.

Theo ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam: Ngoại trừ những DN vừa sản xuất phôi, vừa cán thép như Công ty gang thép Thái Nguyên, công ty thép Miền Nam, còn lại hầu như các DN chuyên về sản xuất phôi, hoặc xuất nhập khẩu phôi đều có xu hướng xuất ngược. Từ cuối tháng 4 tới nay, ước tính đã có khoảng 60.000 tấn phôi được xuất đi.

Giải thích về tình trạng này, ông Đỗ Văn Thanh, Tổng Giám đốc công ty thép Đình Vũ cho biết: Các doanh nghiệp cán thép, đối tác truyền thống trong nước đều tạm dừng nhập phôi. Chúng tôi không thể “ôm” hàng chục ngàn tấn phôi trong kho mãi được mà phải xuất nhanh để tự cứu mình.

Công ty Gang thép Thái Nguyên cũng cho biết: Thời gian qua, thép thành phẩm tiêu thụ rất ì ạch. Riêng trong tháng 4, lượng thép tồn kho của công ty đã lên tới 30.000 tấn. Bởi vậy, công ty phải tạm dừng sản xuất và đồng nghĩa với dừng nhập phôi, nhất là trong khi giá phôi thép của thế giới tăng cao như vậy.

Theo tổng công ty thép Việt Nam, trước hiện tượng xuất ngược phôi thép, nếu không có biện pháp thích hợp, thì về lâu dài sẽ dẫn tới tình trạng thiếu phôi cho sản xuất thép của các doanh nghiệp trong nước.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng tình trạng xuất ngược phôi thép vừa qua là do mức chênh lệch giữa giá thế giới và giá nhập cũ rất hấp dẫn. Những ngày qua, từ 850 - 860 USD/tấn (cách đây chưa đầy tháng) lên tới khoảng 1.000 USD/tấn, nếu lượng xuất là 10.000 tấn thì có khoảng 1 triệu USD chênh lệch.

Ông Phạm Chí Cường cho rằng, với tình trạng xuất ngược phôi thép như hiện nay, chỉ một vài tháng tới, ngành thép Việt Nam sẽ thiếu trầm trọng nguyên liệu để phục vụ sản xuất vì con số tồn kho 735.000 tấn không hẳn là quá dư thừa.

Lan Hương