VCB phát hành cổ phiếu ưu đãi:

Sẽ tạo tiền lệ không tốt trên thị trường

(Dân trí) - Thông tin về việc phát hành cổ phiếu ưu đãi cho nhà đầu tư tỉ lệ 1:1 theo mệnh giá là một trong những nguyên nhân đẩy giá cổ phiếu VCB tăng mạnh thời gian gần đây. Tuy nhiên, kế hoạch này sẽ tạo tiền đề không tốt cho những phiên đấu giá sau này.

Thời gian này, cùng với một số cổ phiếu khác như MB, Eximbank, cổ phiếu VCB của Ngân hàng CP Ngoại thương Việt Nam là một trong những cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất và có tính thanh khoản cao nhất trên thị trường OTC.
 
Tại thời điểm ngày 6/3, cổ phiếu VCB được giao dịch ở mức giá bình quân là 38.000 đồng/CP thì đến ngày 18/5, cổ phiếu VCB đã tăng giá 26% lên mức 48.000 đồng/CP.
 
Tính chung cho cả tuần giao dịch (từ 18 - 22/5), cổ phiếu VCB tiếp tục là tâm điểm của thị trường OTC. Không còn hiện tượng xả hàng mạnh như tuần trước, lực mua vào cổ phiếu đã tăng lên và giá cũng tăng theo từng ngày. Cuối ngày 22/5, VCB được giao dịch ở mức 49.500 đồng/CP.
 
Theo Thạc sỹ kinh tế Võ Văn Minh, Phó phòng Phân tích và Đầu tư của Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), sự tăng giá mạnh của cổ phiếu VCB được thúc đẩy bởi những nhân tố sau:
 
VCB là một trong những ngân hàng có kết quả kinh doanh rất ấn tượng trong quý I/2009 với mức lợi nhuận trước thuế đạt 1.300 tỉ đồng, cao nhất trong số các ngân hàng TMCP đã báo cáo lợi nhuận cho đến thời điểm này.
 
Cùng với các cổ phiếu OTC khác, VCB còn chịu ảnh hưởng tích cực bởi sự tăng trưởng mạnh mẽ trên thị trường niêm yết. Trong giai đoạn vừa qua, hầu hết các cổ phiếu ngân hàng trên sàn giao dịch chứng khoán bao gồm: ACB, STB, SHB đã có mức tăng trưởng tối thiểu 30%.
 
Ngoài ra thông tin về việc phát hành ưu đãi cho nhà đầu tư thiểu số tỉ lệ 1:1 theo mệnh giá góp phần không nhỏ đẩy giá cổ phiếu VCB tăng mạnh.
 
Nghị quyết ĐHCĐ thường niên của VCB ngày 28/4 cho thấy: VCB sẽ phát hành bổ sung 1.123 tỉ VND, tương đương 9,27% (từ 12.100 tỷ VND lên 13.223 tỷ VND).
 
Theo nghị quyết này, mỗi một cổ đông thiếu sổ (đã mua cổ phiếu lưu hành của VCB) sẽ được quyền mua theo tỉ lệ 1:1 bằng mệnh giá. Điều này có nghĩa là mức giá bình quân (của cá nhân tham gia mua cổ phiếu từ lần đầu 107.000 đồng/CP sẽ là 58.500 đồng/CP và mức sở hữu của cổ đông nhà nước đã giảm xuống 83%.
 
Tuy nhiên đề xuất này của VCB gặp phải một số phản ứng khá mạnh mẽ từ thị trường. Theo giới chuyên gia, kế hoạch phát hành trên sẽ làm giảm tương đối sở hữu của nhà nước hay nói cách khác là chuyển vốn nhà nước sang tư nhân một cách hợp pháp thông qua việc phát hành thêm cho riêng cổ đông thiểu số.
 
Bóp méo nguyên tắc của thị trường cũng là một trong những cụm từ được dùng để nói về kế hoạch phát hành VCB khi tạo ra sự bất công cho những người đã tham gia đấu giá cổ phần của các doanh nghiệp khác như: Bảo Việt, Sabeco, Habeco… và các nhà đầu tư đã đấu giá cổ phiếu VCB và đã bán cổ phiếu này. Ngược lại, nó tạo ra lợi nhuân lớn cho các nhà đầu tư đã mua cổ phiếu này ở giá thấp.
 
Kế hoạch này cũng sẽ tạo ra một tiền lệ không tốt cho những phiên đấu giá cổ phiếu của các doanh nghiệp Nhà nước khác sau này. Đó là cứ tham gia đầu giá, nếu giá giảm sẽ có chính sách hỗ trợ từ doanh nghiệp cổ phần hóa.
 
“Theo chúng tôi, khả năng quyết định này được thông qua là không cao vì hiện nay vẫn còn chờ các quyết định từ phía cổ đông nhà nước, mà đại diện là Tổng Công ty kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC)”, thạc sỹ Võ Văn Minh nói.
 
Cũng theo phán đoán của thạc sỹ Minh, giá chào sàn của cổ phiếu VCB khi niêm yết trên HoSE vào tháng 7 tới sẽ không quá chênh lệch so với giá giao dịch của cổ phiếu VCB trên thị trường OTC tại thời điểm niêm yết.
 
Thro thạc sỹ Minh, việc chào sàn của VCB sẽ phụ thuộc vào quyết định của nhà nước đối với những nội dung nêu trong Nghị quyết ĐHCĐ, cụ thể là việc phát hành cổ phiếu bổ sung.
 
Nếu việc này vẫn chưa được giải quyết, khả năng chào sàn đúng hạn của VCB sẽ rất ít có cơ hội được thực hiện. Bên cạnh đó, khả năng chào sàn còn phụ thuộc vào xu hướng thị trường chứng khoán tại thời điểm đó. Nếu xu hướng thị trường xấu, khả năng niêm yết của cổ phiếu VCB cũng không cao”.
 
Nguyễn Hiền