Sẽ siết chặt nguồn gốc ô tô giá rẻ Ấn Độ, Thái Lan nhập về Việt Nam
(Dân trí) - Tổng cục Hải quan vừa có văn bản chỉ đạo các Cục Hải quan địa phương tăng cường kiểm tra quy tắc xuất xứ (C/O) đối với ô tô nhập khẩu từ thị trường Ấn Độ và ASEAN trong bối cảnh xe nhập đang đổ bộ ồ ạt về Việt Nam với số lượng lớn, giá rẻ và khi chỉ còn 6 tháng nữa là "hạn chót" Việt Nam phải xoá bỏ thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN
Tổng cục khẳng định việc cần thiết áp dụng kiểm tra nghiêm ngặt C/O bởi Việt Nam đang thực hiện thuế suất ưu đãi đặc biệt đối với hàng hoá các nước nhập khẩu vào Việt Nam trong khuôn khổ các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam đang thực hiện. Đặc biệt là các hàng hoá có kim ngạch lớn, thâm hụt cán cân thương mại cao.
Với mặt hàng ô tô nguyên chiếc NK từ ASEAN và Ấn Độ đang được áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt, các đơn vị hải quan tăng cường công tác kiểm tra xuất xứ theo đúng quy định tại Thông tư 38/2015/TT-BTC; các Thông tư của Bộ Công Thương hướng dẫn về C/O hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt.
Theo thoả thuận ưu đãi trong các hiệp định tự do thương mại (FTA) giữa Việt Nam với các nước ASEAN và ASEAN với Ấn Độ, ô tô sẽ được xoá bỏ, miễn thuế về Việt Nam trong thời gian nhất định với điều kiện đạt tỷ lệ nội địa hoá 40%. Nếu hàng hoá sản xuất tại nước xuất khẩu đạt thấp hơn sẽ phải thực hiện nhập linh phụ kiện từ nước thứ 3, trong cùng nhóm nước và cùng ký cam kết tự do hoá thương mại với nước nhập khẩu.
Ví như trường hợp xe Indonesia xuất sang Việt Nam nhưng đạt tỷ lệ dưới 40% sẽ phải nhập khẩu các linh phụ kiện từ Malaysia hoặc Thái Lan. Nếu nhập từ các thị trường khác mà Việt Nam không có cam kết thương mại tự do sẽ không được hưởng thuế ưu đãi đặc biệt.
Theo quy định hiện nay, thuế nhập khẩu ưu đãi 30% đối với xe ô tô vào Việt Nam chỉ được áp dụng cho các nước ASEAN, trong đó nhiều nhất là 3 thị trường: Thái Lan, Indonesia và Malaysia. Còn với xe ô tô từ Ấn Độ vẫn phải chịu mức thuế từ 70% mức thuế suất ưu đãi MFN (tối huệ quốc).
Trong thời gian từ cuối năm 2016 đến hết quý I/2017, lượng xe Ấn Độ nhập về Việt Nam đã tăng rất mạnh với mức giá trước thuế "siêu rẻ" chỉ dưới 100 triệu đồng/chiếc. Điều này dấy lên lo ngại gian lận thuế, tính sai giá trị tính thuế hải quan và quy trình kiểm tra chứng nhận C/O.
Còn với xe từ Thái Lan, Indonesia, từ năm 2010 – đến nay, mức thuế nhập khẩu giảm mạnh mức 75% xuống còn 45%, từ 45% xuống 40% (năm 2016) và 30% (năm 2017). Sang năm 2018, mức thuế nhập với ô tô nhập từ ASEAN về Việt Nam sẽ bằng 0% (điều kiện nội địa hoá trên 40%).
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, tỷ lệ nội địa hoá của ngành ô tô tại 3 nước ASEAN là Thái Lan, Indonesia và Malaysia đã đạt trung bình 45%, cao nhất các mẫu xe bán tải của Thái Lan đã đạt trên 75%. Chính vì đạt tỷ lệ nội địa hoá cao, nên ngay sau khi thuế nhập giảm thêm 10% năm 2017 (còn 30%), xe Thái Lan, Indonesia đã ồ ạt về Việt Nam. Bằng chứng là trong 5 tháng qua, theo Tổng cục Hải quan, số xe nhập của Thái Lan, Indonesia đã chiếm trên 70% tổng lượng xe nhập khẩu về Việt.
Chính vì vậy, nếu từ năm 2018 trở đi, thuế nhập giảm về 0%, chắc chắn xe sản xuất, lắp ráp ở Thái, Indonesia thậm chí Malaysia và Philippines sẽ đổ bộ ồ ạt vào Việt Nam, chiếm lĩnh thị trường xe nhập và cạnh tranh trực tiếp với xe trong nước.
Văn bản của Tổng cục Hải quan chỉ rõ: Các dấu hiệu làm giả C/O mà các Cục Hải quan cần phải lưu ý như: chữ ký, con dấu C/O; có sự không phù hợp giữa thông tin về hàng hóa khai báo trên C/O với chứng từ thuộc bộ hồ sơ hải quan.
Trường hợp nếu nghi ngờ về tiêu chí xuất xứ trên C/O hay qua kiểm tra thực tế phát hiện xuất xứ thể hiện trên hàng hóa khác so với khai báo, nghi vấn giả mạo C/O, các Cục Hải quan địa phương được quyền không áp mức thuế suất ưu đãi MFN trong thời gian chờ kết quả xác minh.
Nguyễn Tuyền