Sẽ rà soát, kiểm tra nghĩa vụ nộp thuế của cá nhân lái xe Uber
(Dân trí) - Mặc dù Uber khẳng định luôn tuân thủ pháp luật, ký hợp đồng với doanh nghiệp, hợp tác xã và những cá nhân được phép kinh doanh vận tải, tuy nhiên, đại diện ngành Thuế cho rằng, vẫn cần phải kiểm chứng, đặc biệt là với các cá nhân là những chủ thể ký với Uber. Trong khi chưa kiểm chứng thì phải rà soát lại, kiểm tra lại về nghĩa vụ nộp thuế những cá nhân này.
Ngày 21/6, ông Nguyễn Quang Tiến, Vụ trưởng, Phó Trưởng Ban cải cách Tổng cục Thuế đã có cuộc trao đổi khá cởi mở với báo chí về vấn đề quản lý, thu thuế dịch vụ Uber.
Đại diện ngành thuế cho biết, Uber là loại hình công nghệ thông tin kết nối kinh doanh truyền thống vận tải, được gọi là kinh tế chia sẻ. Tuy nhiên, theo lưu ý của ông Tiến, kinh doanh vận tải là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật, tức là chỉ có DN, hợp tác xã và hộ kinh doanh được đăng ký hoạt động kinh doanh vận tải và hành khách. Các cá nhân, DN đó phải có giấy phép đăng ký kinh doanh, có những điều kiện về thiết bị giám sát thì mới được hoạt động.
Theo khảo sát của phía cơ quan Thuế nắm được, Uber có hợp đồng chung trên mạng, ký kết với những đơn vị, cá nhân đủ điều kiện kinh doanh. Các các cá nhân phải nằm trong hợp tác xã hoặc DN đã đăng ký, nêu rõ DN có bao nhiêu lái xe. Hàng tháng, hàng quý, Công ty International Holdings BV (Uber B.V, có trụ sở ở Amsterdam, Hà Lan) sẽ xuất bảng thông báo rõ từng lái xe đi bao nhiêu giờ, thu nhập bao nhiêu, sau đó thông báo cho DN và hợp tác xã vận tải đó, từ đó tính thuế và thanh toán tiền.
"Tuy nhiên, tôi cũng biết có hiện tượng một số cá nhân không đứng trong tổ chức đã được cấp phép, tức là không có giấy phép và vi phạm pháp luật. Thành phố Hồ Chí Minh cũng kiểm tra xử lý, ngành thuế cũng mong muốn quản lý các đơn vị. Nếu cá nhân kinh doanh không đảm bảo điều kiện thì đó là kinh doanh trái phép nên phải bị xử lý do hoạt động kinh doanh trái phép", ông Tiến khẳng định.
Khẳng định Uber là dịch vụ sử dụng công nghệ, thịnh hành trên thế giới, nhưng nếu Uber không chịu nộp thuế thì phía cơ quan thuế sẽ có biện pháp để quản lý. Chẳng hạn như tại Ấn Độ thì việc quản lý thông qua ngân hàng, còn Indonesia thì có thể phá sóng...
Ông Tiến cũng cho hay, hiện ở Việt Nam đã thực hiện thu thuế đối với Uber, theo đó, các đơn vị kinh doanh vận tải vẫn nộp thuế giá trị gia tăng (VAT) như bình thường.
Làm việc với cơ quan Thuế, Uber khẳng định luôn tuân thủ pháp luật, ký hợp đồng với doanh nghiệp hợp tác xã và những người được phép kinh doanh vận tải. Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang Tiến cho rằng, vẫn cần phải kiểm chứng, đặc biệt là với các cá nhân là những chủ thể ký với Uber.
Trong khi chưa kiểm chứng thì phải rà soát lại, kiểm tra lại về nghĩa vụ nộp thuế những cá nhân này. Bởi nếu là cá nhân đăng ký trực tiếp với Uber thì phải là cá nhân có giấy phép kinh doanh, họ phải xuất trình giấy phép kinh doanh và được phép kinh doanh vận tải. Nếu như cá nhân có xe và đưa vào sử dụng loại hình vận tải này, mà không đăng ký kinh doanh, tức là kinh doanh vận tải trái phép, đồng nghĩa là làm trái theo quy định về ngành nghề kinh doanh vận tải.
Để quản lý thuế đối với Uber trong thời gian tới, ông Tiến cho biết, Tổng cục Thuế đã ban hành công văn, hướng dẫn chi tiết việc xác định nghĩa vụ kê khai và nộp thuế. Đồng thời, để kiểm tra, kiểm soát thu nhập của Uber qua ngân hàng, cơ quan Thuế đang kiến nghị, song phải trông chờ vào chính sách sắp tới.
Bích Diệp