1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Taxi truyền thống bị "ám ảnh" vì cước giá rẻ của Grab, Uber

(Dân trí) - Khẳng định không hãng taxi truyền thống nào chạy được 6.000 đồng/km như Grab taxi, Uber, các hãng taxi truyền thống tại Hà Nội cho rằng Grab và Uber đang gây nên những xáo trộn nhất định cho thị trường vận tải khách bằng xe taxi.

Không hãng taxi truyền thống nào "chịu" được giá cước 6.000đ/km

Theo ông Nguyễn Anh Quân - Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải thành phố Hà Nội, các xe ô tô kinh doanh chở khách khi sử dụng phần mềm Uber hay GrabTaxi đều có thể không cần phù hiệu logo, đồng hồ tính cước như taxi truyền thống và nhìn bên ngoài giống như một chiếc ô tô không tham gia hoạt động kinh doanh vận tải hành khách.

 


Quang cảnh buổi hội thảo.

Quang cảnh buổi hội thảo.

 

“Cả Grab và Uber đều thực hiện việc khuyến mại cho lái xe, giảm giá cước cho hành khách nhằm quảng cáo thu hút khách hàng sử dụng dịch vụ của mình. Hai đơn vị này đã và đang gây nên những xáo trộn nhất định cho thị trường vận tải khách taxi” - ông Quân cho hay.

Đại diện taxi Thanh Nga khẳng định, không hãng taxi truyền thống nào chạy được với giá cước 6.000 đồng/km như Grab, Uber, dù có áp dụng công nghệ.

Đại diện của taxi Thanh Nga cho rằng, các xe sử dụng phù hiệu xe hợp đồng chạy như taxi nhưng đại đa số xe chạy thì chưa dán hợp đồng. Vậy có bao nhiêu xe tư nhân trà trộn vào đây kinh doanh theo hình thức này?

“Nếu việc cho phép dịch vụ taxi sử dụng phần mềm Grab, Uber hoạt động tràn lan, núp danh loại hình kinh doanh xe hợp đồng hợp pháp là đồng nghĩa với việc tháo khoán, khuyến khích cho nhà nhà, người người làm taxi, dẫn tới môi trường kinh doanh phức tạp, bất bình đẳng, không lành mạnh” - đại diện hãng taxi này nêu quan điểm.


Grab taxi và Uber đang được nhiều người lựa chọn vì mức giá cước hấp dẫn.

Grab taxi và Uber đang được nhiều người lựa chọn vì mức giá cước hấp dẫn.

Cùng chung quan điểm, đại diện VIC Taxi cho rằng, GrabTaxi và Uber là một phần mềm ứng dụng trên điện thoại thông minh để kết nối người có nhu cầu đi lại bằng taxi với công ty taxi mà ở đây là với lái xe. Grab taxi và Uber thu cước giá thành thấp vì không phải bỏ các khoản chi phí như thực hiện bảo hiểm xã hội, dán thương hiệu xe...

Đại diện Công ty Taxi Ba Sao nêu ý kiến, Nghị định 86/2014/NĐ-CP chưa có quy định rõ hợp đồng vận tải có thể thể hiện dưới hình thức thông điệp dữ liệu điện tử. Chính phủ cho phép đơn vị thuộc loại hình kinh doanh xe hợp đồng và người thuê vận tải được sử dụng thông điệp dữ liệu điện tử trong giao dịch thuê xe ô tô thay thế cho hợp đồng vận tải bằng văn bản.

Theo hãng taxi này, các công ty Grab, Uber hoàn toàn có thể hợp tác với các đơn vị này để kinh doanh xe taxi một cách hợp pháp mà không cần phải thành lập doanh nghiệp bởi đáp ứng đủ 2 điều kiện mà pháp luật quy định là vận tải hành khách và có hợp đồng.

 


Đại diện taxi Ba Sao - ông Hoàng Minh Tâm - phát biểu tại hội thảo.

Đại diện taxi Ba Sao - ông Hoàng Minh Tâm - phát biểu tại hội thảo.

 

Trên thực tế, Grab taxi là một công ty Việt Nam, sử dụng xe đã có biển hiệu, biển số công khai. Grab taxi đã đóng thuế, hoạt động an toàn với cả người lái, hành khách. Còn Uber thực chất là cách thức sử dụng xe nhàn rỗi để tham gia vận chuyển - Uber phải đăng ký vào một doanh nghiệp vận tải để được phép chuyên chở, phải được kiểm tra bất cứ lúc nào và dễ dàng được quản lý trên hệ thống.

Nên đặt người tiêu dùng là trung tâm

Liên quan đến cuộc cạnh tranh giữa taxi truyền thống với Grab và Uber, dưới góc độ người tiêu dùng, nhiều người cho rằng, thay vì lo mất thị phần, bị doanh nghiệp khác cạnh tranh không lành mạnh thì doanh nghiệp taxi truyền thống nên tập trung cải thiện chất lượng phục vụ và giảm giá cước. Cơ quan quản lý cũng nên giữ vị thế trung lập để người tiêu dùng lựa chọn dịch vụ và nhà cung cấp họ yêu thích.

Chị Hoàng Thuỳ Minh (Ba Đình, Hà Nội), một khách hàng thường sử dụng dịch vụ taxi cho rằng: "Bản thân tôi không đặt nặng là taxi truyền thống hay không truyền thống, loại nào có lợi hơn thì dùng, hãng nào dịch vụ tốt thì giữ chân khách. Thực tế khi sử dụng Uber, Grabtaxi tôi thấy giá cước rẻ hơn, nhiều khuyến mãi, dễ gọi xe và tài xế phục vụ tốt".

Trước đó, trao đổi với báo chí về các kiến nghị tạm dừng hoạt động của các phương tiện taxi không phù hiệu, tem mào của Uber và Grab, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết: "Quan điểm của Bộ là xử lý nghiêm hoạt động bất hợp pháp, Bộ quản lý để doanh nghiệp vận hành theo đúng quy định, đảm bảo công bằng. Grabtaxi đã sử dụng xe đã có biển hiệu, biển số, đã đóng thuế, hoạt động an toàn với cả người lái, hành khách và đã công khai còn Uber sử dụng xe nhàn rỗi để tham gia vận chuyển".

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng: “Nói chung là anh không nên lấy lý do này, lý do kia để hạn chế quyền tự do lựa chọn dịch vụ của người dân. Có thể về mặt luật pháp, cũng phải làm rõ để tạo khuôn khổ cho dịch vụ mới hoạt động được. Nhưng cơ bản, khoa học kỹ thuật phát triển thì qui định, chính sách cũng phải thay đổi theo. GrabCar là hoạt động theo cách thức, theo công nghệ mới thì qui định nào không phù hợp thì chúng ta phải sửa”.

Nói một cách tương đối khách quan, TS Cao Sĩ Kiêm, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng: "Với loại hình kinh doanh vận tải mới như Uber hay GrabTaxi thì cái được cũng nhiều mà cái chưa được cũng không phải nhỏ. Nhưng nhìn chung, thị trường Việt Nam vẫn đang chuyển đổi, hội nhập…nền có những mô hình kinh doanh mới, hiệu quả hơn thì chúng ta cũng phải đi theo thôi".

Còn theo luật sư Võ Trí Hảo, Đại học Kinh tế TPHCM: "Trong số các lợi ích phải cân nhắc, lợi ích của người dùng và quyền tự do hợp đồng của họ phải được đặt làm trung tâm. Hành khách được cung cấp phương thức giao kết hợp đồng vận tải mới bằng thông điệp điện tử an toàn và thuận tiện hơn phương thức giao dịch truyền thống. Khi vận hành của doanh nghiệp hiệu quả hơn và thị trường cạnh tranh hơn khách hàng được hưởng lợi vì cước phí giảm".

 

Bộ GTVT khẳng định, việc sử dụng công nghệ thông tin kết nối hành khách với doanh nghiệp vận tải mà Grab taxi và Uber đã thực hiện là cách làm sáng tạo, ứng dụng được công nghệ thông tin vào thủ tục hành chính trong vận tải. Bộ GTVT đã có kiến nghị Chính phủ trước mắt giao cho Công ty Grab taxi thí điểm tại 5 thành phố lớn: TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng.

Cũng theo Bộ GTVT, Thủ tướng đã đồng ý giao cho Bộ GTVT triển khai thí điểm đến hết 2018, sau đó sẽ đánh giá và rút kinh nghiệm rồi xem xét có cho phép nhân rộng hay không.

 

Châu Như Quỳnh - Phương Dung