Sẽ "mạnh tay" với ngân hàng tìm kiếm lợi ích riêng
(Dân trí) - “Nếu các ngân hàng cứ đầu tư quá mức trên thị trường ngoại tệ, Ngân hàng Nhà nước buộc phải hút tiền về thông qua nhiều kênh khác nhau. Đừng vì lợi ích của ngân hàng nào đó mà phá vỡ lợi ích chung”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.
Điều chỉnh linh hoạt các kênh cung ứng tiền
Theo nhận định của Thống đốc Nguyễn Văn Bình, các chỉ tiêu chính hiện cho thấy kinh tế vĩ mô tiếp tục được củng cố, ổn định. Đây là điều kiện thuận lợi để các tổ chức tín dụng tự củng cố, sắp xếp lại.
Trong 6 tháng đầu năm, tỷ giá và thị trường ngoại hối về cơ bản ổn định, thanh khoản ngoại tệ của hệ thống cải thiện. Song, khi nền kinh tế còn đối mặt nhiều khó khăn, những bất trắc trên thị trường ngoại hối không tránh khỏi.
Từ tháng 4 đến nay, tỷ giá có xu hướng tăng trở lại. Một mặt do yếu tố tâm lý, mặt khác do áp lực cầu ngoại tệ đã xuất hiện khi nhập siêu tăng trở lại. Nhưng theo khẳng định của Ngân hàng Nhà nước, cầu ngoại tệ tăng vẫn trong khả năng đáp ứng của thị trường, cán cân thanh toán vẫn thặng dư.
Theo cảnh báo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, trong bối cảnh các ngân hàng thương mại dư thanh khoản, một số ngân hàng đã thực hiện mua ngoại tệ để kinh doanh. Động thái này hiện vẫn trong khuôn khổ pháp luật cho phép, nhưng nếu không cẩn thận, đầu tư quá trên thị trường ngoại tệ có thể triệt tiêu nỗ lực cố gắng ổn định tỷ giá, chống đô la hóa trong nền kinh tế…
Do đó, Thống đốc nhấn mạnh, không thể vì lợi ích của ngân hàng nào đó mà phá vỡ lợi ích chung. “Nếu ngân hàng nào không tuân thủ nghiêm túc trên thị trường ngoại tệ, Ngân hàng Nhà nước sẽ hút tiền về, thông qua các kênh khác nhau như áp dụng biện pháp tăng dự trữ bắt buộc".
Cũng theo khẳng định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, với mục tiêu duy trì ổn định tỷ giá, từ này đến cuối năm, cơ quan điều hành sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường, trạng thái ngoại hối của các tổ chức tín dụng để can thiệp trên thị trường ngoại hối với liều lượng hợp lý; đồng thời điều chỉnh linh hoạt các kênh cung ứng tiền để kiểm soát tiền tệ theo mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ thường xuyên rà soát số liệu dự báo cán cân thanh toán quốc tế để có cơ sở đánh giá cung cầu ngoại tệ, theo đó điều hành tỷ giá phù hợp; Phối hợp chặt chẽ giữa điều hành tỷ giá và lãi suất theo hướng khuyến khích nắm giữ VND, hạn chế sự dịch chuyển sang USD.
Yêu cầu các ngân hàng nhanh chóng đóng trạng thái vàng
Với thị trường vàng, Thống đốc NHNN nhận định, thời gian 6 tháng đầu năm là khoảng thời gian khá “vất vả” đối với chính sách quản lý thị trường này. Song nhờ thực hiện đồng bộ chính sách, thị trường vàng trong nước vẫn giữ ổn định trong bối cảnh giá vàng thế giới biến động mạnh cũng như áp lực tất toán số dư huy động vàng từ các tổ chức tín dụng.
Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, đến thời điểm này các tổ chức tín dụng đã tất toán khoảng 93% số dư huy động vàng so với ngày 30/4/2012, đồng thời số tổ chức tín dụng còn dư huy động vàng cũng chỉ còn 7 thay vì 18 đơn vị như trước đây.
Từ ngày 28/3/2013 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 31 phiên đấu thầu bán vàng miếng với tổng khối lượng trúng thầu là 787.300 lượng trên tổng số 874.000 lượng chào thầu.
Như vậy, cùng với thanh khoản của hệ thống ngân hàng ổn định, lãi suất đã về mức hợp lý và còn có thể giảm thêm, Thống đốc Nguyễn Văn Bình yêu cầu các ngân hàng có trạng thái huy động và cho vay bằng vàng phải nhanh chóng tất toán. Ngân hàng Nhà nước sẽ xử lý nghiêm theo quy định các ngân hàng còn có trạng thái vàng.
Nguyễn Hiền