Sẽ kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm về giá

(Dân trí) - Thực hiện việc kiểm tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thương mại và lĩnh vực giá là nội dung đáng chú ý trong Thông tư liên tịch số 29/2011/TTLT- BCT- BTC giữa Bộ Công thương - Tài chính vừa ban hành.

Sẽ kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm về giá - 1
Sẽ kiểm tra đột xuất nếu có dấu hiệu vi phạm về giá (Ảnh minh họa)
 
Theo đó, Thông tư này quy định việc tổ chức phối hợp kiểm tra, nội dung kiểm tra và xử phạt các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại và lĩnh vực giá giữa cơ quan Quản lý thị trường và cơ quan Quản lý giá từ Trung ương đến địa phương.

Thông tư quy định ngoài việc tổ chức các cuộc kiểm tra được thực hiện theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền và theo kế hoạch; sẽ tổ chức những đợt kiểm tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thương mại và lĩnh vực giá.

Căn cứ hành vi vi phạm, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà cơ quan Quản lý thị trường và cơ quan Quản lý giá áp dụng các quy định về xử phạt vi phạm hành chính và các quy định khác có liên quan trong hoạt động thương mại và lĩnh vực giá theo thẩm quyền; Kiến nghị các biện pháp kinh tế, hành chính với cơ quan có thẩm quyền để xử lý. Thông tư có hiệu lực từ 1/8/2011.

Những nội dung cần phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm:

a) Quyết định giá, lập phương án tính giá hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục Nhà nước định giá, bình ổn giá;

b) Niêm yết giá, công khai thông tin về giá;

c) Thực hiện đăng ký giá, kê khai giá đối với hàng hoá thuộc Danh mục phải kê khai giá, đăng ký giá;

d) Chấp hành mức giá cụ thể, khung giá, giá chuẩn, giá giới hạn do cơ quan có thẩm quyền quy định;

đ) Lợi dụng thiên tai, địch hoạ, diễn biến bất thường hoặc khó khăn đặc biệt khác của xã hội để găm hàng, đầu cơ nâng giá, ép giá, tăng giá quá mức gây thiệt hại cho người sản xuất, người tiêu dùng và lợi ích của nhà nước;

e) Không thực hiện theo quy định của pháp luật về báo cáo giá mua; Giá bán; Giá xuất khẩu; Giá nhập khẩu; Lượng hàng hóa tồn kho dự trữ của tổ chức, cá nhân kinh doanh với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;

g) Chấp hành những quy định về giá khuyến mại hàng hóa, dịch vụ thương mại trong thời gian khuyến mại;

h) Đưa tin thất thiệt về tình hình thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ gây tâm lý hoang mang trong xã hội và bất ổn thị trường;

i) Gian lận thương mại về đóng gói, đo lường, chất lượng hàng hóa, dịch vụ;

k) Cắt giảm địa điểm bán hàng; Cắt giảm phương thức bán hàng (từ bán buôn sang bán lẻ); Quy định, niêm yết, bán hàng theo định lượng, đối tượng mua hàng; Cắt giảm thời gian bán hàng, thời gian cung ứng hàng hóa đối với hàng hóa thuộc danh mục bình ổn giá khi các cơ quan có thẩm quyền đã công bố các biện pháp bình ổn giá khác với thời gian trước khi công bố áp dụng các biện pháp bình ổn giá mà không có lý do chính đáng;

l) Vi phạm quy định về bình ổn giá và các hành vi vi phạm pháp luật khác thuộc thẩm quyền của cơ quan Quản lý thị trường hoặc cơ quan Quản lý giá.

LH